22/08/2021 - 12:22

Chuyện xưa, voi ở miền Tây 

ĐĂNG HUỲNH

Bài 2: Ở nơi vương quốc của loài voi

Tiếp theo kỳ trước (Voi trong tâm thức người xưađăng ngày 15-8), kỳ này xin kể về vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp xưa được xem là vương quốc của loài voi, với những bầy voi cao lớn, hàng trăm con. Cũng vì vậy mà nhiều người nhắc đến tỉnh Cần Thơ xưa như một xứ sở của voi, vì Ngã Bảy - Phụng Hiệp thời đó thuộc Cần Thơ. “Xứ mà lắm voi” này thật ra voi nhiều đến dường nào?

“Gió lay bông sậy”. Ảnh chụp tại địa danh Sậy Niếu - nơi giáp ranh giữa TP Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Ảnh: DUY KHÔI

“Cả đàn hơn trăm!”

Ngược dòng lịch sử, nếu tính thời điểm 1876, vùng đất Cần Thơ thuộc huyện Phong Phú, tỉnh An Giang, thì vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp chưa là đơn vị hành chính. Nơi đây vẫn còn là vùng đất hoang vu, sình lầy, lau sậy um tùm. Từ Cần Thơ đi về miệt Long Mỹ, Rạch Giá phải băng qua cánh đồng Ngã Bảy này, vậy nên có câu ca dao rằng:

“U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường

Gió lay bông sậy dạ buồn nhớ em”

“Thị quá sơn trường” cho thấy sự gian lao, hiểm nguy, hơn cả núi non hiểm trở của vùng đất này. Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, năm 1892, người Pháp lập thêm tổng Ðịnh Hòa, hạt Cần Thơ, với 13 thôn, xã. Ðây được xem là đơn vị hành chính đầu tiên của Ngã Bảy - Phụng Hiệp.

Năm 1909, ông Nguyễn Liên Phong cho ra mắt cuốn “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, do Phát Toán ấn tống. Ðây là cuốn ký sự hành trình bằng thơ, thuật lại sự việc, cảnh trí, con người của những vùng đất trong xứ Nam Kỳ mà ông Nguyễn Liên Phong đã đi qua. Tính chân thật (dù bằng thơ) của tác phẩm này được nhiều sử gia đánh giá cao. Trong phần nói về Cần Thơ, đoạn tả tổng Ðịnh Hòa, tác giả Nguyễn Liên Phong, có đoạn miêu tả thú vị:

Rừng sậy phần tổng Ðịnh Hòa

Mười ba thôn xã xứ mà lắm voi

Nguyên xưa đất rộng hẳn hòi

Kinh chưa đào mở, rạch ngòi chưa thông

Qua mùa nước ngập minh mông

Voi trên sông lớn xuống rông băng ngàn

Lâu lâu quen ở đã an

Dậm bờ đạp lúa cả đàn hơn trăm”

Lúc kinh, rạch chưa thông, voi đã nhiều đến vậy. Và khi điều kiện sinh sống thuận lợi hơn, thì:

“Kinh đào đường mở mấy năm

Xà No, Ðông Lợi, Láng Hầm, Ô Môn

Lũ voi sanh để dập dồn

Các ông thợ bắn các thôn hiệp vầy”

Nói về nguồn huê lợi thâu được từ việc săn voi ở Ngã Bảy - Phụng Hiệp, tác giả Nguyễn Liên Phong cho biết:

“Ngà voi bán có bạc ngàn

Lại thêm trừ bớt khốn nàn nhà nông”

Trong quá trình tìm hiểu về vùng Ngã Bảy - Phụng Hiệp, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng đã ngỡ ngàng trước câu chuyện thú vị này. Theo ông, đến nay chưa có tài liệu khác ghi nhận nơi nào có nhiều voi sinh sống trên đất Nam Kỳ lục tỉnh. Vì vậy, nếu căn cứ vào tài liệu của ông Nguyễn Liên Phong, có thể khẳng định: Vùng rừng sậy Ngã Bảy - Phụng Hiệp xưa có số lượng voi sinh sống rất nhiều. Gọi nơi đây là vương quốc của loài voi cũng không phải là cường điệu.

Những tư liệu củng cố

Ngã Bảy - Phụng Hiệp được xem là “vương quốc voi” vì nơi đây có môi trường sống thuận lợi cho loài động vật này. Trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà văn Sơn Nam ghi lại: “Giữa Cần Thơ, Sóc Trăng và ranh tỉnh Rạch Giá còn một cánh đồng bát ngát, nước ngọt, không quá thấp như Ðồng Tháp Mười, không quá sình lầy và nhiều phèn. Ðó là cánh đồng sau này trở thành quận Phụng Hiệp, đầy lau sậy, có voi (voi ăn sậy và lau)”. Cũng theo nhà văn Sơn Nam, thoạt tiên, người Pháp gọi nơi đây (tức vùng Ngã Bảy - Phụng Hiệp) là “Ðồng Sậy” (Plainedes Roseaux) nhưng vì khai phát xong nên địa danh này không còn thông dụng như trường hợp Ðồng Tháp Mười hay rừng U Minh.

Đình Phụng Hiệp, nơi ghi dấu bề dày lịch sử của vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp. Ảnh: DUY KHÔI

Đình Phụng Hiệp, nơi ghi dấu bề dày lịch sử của vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp. Ảnh: DUY KHÔI

Quá trình khẩn hoang, khai phá dần dà đã đánh mất đi môi trường sinh sống của loài voi ở Ngã Bảy - Phụng Hiệp, nhất là khi đường nối Cần Thơ qua cánh đồng sậy Phụng Hiệp đi Rạch Giá thành hình, loài voi ngày càng bị lấn sâu vào rừng rậm. “Cánh đồng Phụng Hiệp lần hồi có nhiều kinh quy tụ về một trung tâm, gọi là Ngã Bảy (Etoile de Phụng Hiệp)”, nhà văn Sơn Nam kể trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”. Và nhà văn Sơn Nam cũng tìm được chi tiết đắt giá trong hộp tài liệu về tỉnh Cần Thơ của Nha Văn khố Sài Gòn mang ký hiệu T/1893-1910: “Voi rừng bị bắn chết, một mớ thì bị mấy thầy ngải từ Nam Vang tới bắt, nhà nước đã xuất ra 241 đồng để thưởng cho mấy thầy ngải này”.

Từ chi tiết này rút ra 3 điểm mấu chốt. Thứ nhất, voi ở Ngã Bảy - Phụng Hiệp rất nhiều và cánh đồng sậy ở đây cũng mênh mông không kém. Thứ hai, đàn voi ở Ngã Bảy - Phụng Hiệp bị tiêu diệt dần dần trong giai đoạn từ 1893-1910, tức những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Thứ ba, việc tiêu diệt voi để mở rộng vùng đất khẩn hoang, lập chợ mở đường (bây giờ gọi nôm na là đô thị hóa) được sự tổ chức và hỗ trợ của người Pháp nên đàn voi mới mau chóng bị “xóa sổ”.

Có quãng thời gian dài gắn bó với vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng, “xứ mà lắm voi” này đã được minh chứng qua sử sách, không còn phải bàn cãi. Những địa danh ở vùng đất này đến bây giờ vẫn còn cũng đã minh chứng như Bưng Tượng, Lung Tượng, Láng Tượng... Ðiển hình như gần chợ Ngã Bảy bây giờ vẫn còn địa danh Bưng Tượng, thuộc ấp Cái Côn, xã Ðại Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, tương truyền xưa kia bây là nơi voi nằm vùng thành cái bưng lớn. Nhiều vị cao niên nơi đây còn kể về truyện tích “Ông Voi một ngà” đầy huyền bí, cho thấy tâm thức của người dân với loài vật từng một thời gắn bó với vùng đất. Ngoài ra, từ chợ Ngã Bảy hướng về Phụng Hiệp chừng 5 cây số, sẽ đến ấp Sậy Niếu, cầu Sậy Niếu, rạch Sậy Niếu. Theo nhiều vị bô lão kể rằng, sở dĩ có địa danh này là vì ngày xưa nơi đây rừng sậy dày đặc, muốn đi phải níu sậy mà đi, nên gọi nôm na là Sậy Níu. Chi tiết này cũng củng cố cho “Ðồng Sậy” (Plainedes Roseaux) mà người Pháp đã đặt.

Xin điểm lại một vài mốc dữ kiện quan trọng: năm 1901, xáng đào con kinh nối Phụng Hiệp tới Sóc Trăng; năm 1914, kinh Quan Lộ nối Cà Mau lên Phụng Hiệp gấp rút được xáng đào và hoàn thành; năm 1915, quận lỵ Rạch Gòi dời về Ngã Bảy - Phụng Hiệp, gọi là quận Phụng Hiệp, hình thành giữa đồng sậy hoang vu... Sự phát triển nhanh chóng của Ngã Bảy - Phụng Hiệp cũng khiến loài voi tuyệt tích một cách mau chóng. Nói về sự có mặt của loài voi trong quá trình khẩn hoang vùng đất Ngã Bảy - Phụng Hiệp, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng đó là dấu ấn đặc biệt và đặt vấn đề: “Nên chăng, ta cần làm một điều gì đó để vinh danh hình tượng loài voi và cây sậy tại đô thị Ngã Bảy, gọi là ghi nhớ - tri ân hai sinh vật có ý nghĩa lịch sử này”.

*

* *

Trong bài viết cuối cùng của loạt bài này (vào Chủ nhật tuần sau 29-8), chúng tôi sẽ kể về sự xuất hiện của loài voi ở ÐBSCL thuở xưa, đặc biệt là ở “vương quốc voi” Ngã Bảy - Phụng Hiệp qua những bằng chứng khảo cổ và hình ảnh tư liệu quý.

Chia sẻ bài viết