Tiếng còi tàu tu lên một hồi dài, sân ga đang yên ắng lại nhốn nháo. Những bước chân chạy rầm rập, những cái đầu nghẹo sang bên vạ vật dưới mái hiên đồng loạt bật dậy xếp lại mấy cái mẹt đầy nhóc bánh trái, rồi như không hẹn họ ào về phía đoàn tàu đang từ từ vào ga.
Người đàn bà chừng ba mươi, nắm tay đứa con trai nhỏ kéo đi. Gương mặt chị xanh xao, nhàu nhĩ, mái tóc rối buộc vội vàng phía sau, trông lam lũ. Chị đuổi theo đoàn tàu đang từ từ vào ga, vừa chạy chị vừa giơ cao mấy ổ bánh mì lên cho hành khách thấy. Ðứa con trai líu ríu theo mẹ, bàn chân nó bấu chặt vào đôi dép nhựa đã mòn vẹt. "Nhanh con!" chị giục đứa con trai đang mải nhìn theo cái xe điện đồ chơi trong tay một cậu bé mũm mĩm trạc tuổi nó. Bé trai ngơ ngác nhìn đoàn tàu với đôi mắt hiếu kỳ, lần đầu nó theo mẹ đến sân ga. Mẹ nó, cũng như những người bán hàng rong nơi đây, lam lũ và tất tưởi. Cái thùng xốp đựng bánh mì đeo một bên, một tay mẹ nó xách giỏ đựng thức ăn, tay kia cầm mấy ổ bánh mì không. Mỗi khi có khách gọi "Ê! bánh mì!", mẹ nó hộc tốc chạy tới.
Tàu rời ra. Sân ga nhốn nháo một lúc lại yên ả. Lúc này người mẹ bắt đầu soạn cơm nắm, muối mè trong cái giỏ ra tờ báo cũ. Chị cùng con ăn, bàn tay đen đúa run run xúc muối mè, rơi hết ra tờ báo, gương mặt chị lộ vẻ căng thẳng. Ðứa con trai ngước nhìn mẹ, nó thấy lạ vì mẹ ăn ít, chỉ ngồi nhìn nó, gương mặt mẹ lúc này biểu lộ cảm xúc gì nó không nắm bắt được, đầu óc non nớt của nó đang bận dõi theo ông bán bóng bay tít đằng kia. Không muốn mẹ bận tâm nhiều, nó cầm gói cơm xúc ăn rồi mở bình nước lọc tu ừng ực. Người mẹ vẫn yên lặng, chị tránh nhìn con. Ðến lượt đứa con trai chăm chú dõi theo ánh mắt mẹ, một lúc nó chẳng thấy gì ngoài ánh nắng chói chang đang dội xuống đường ray. Nó kéo tay mẹ thỏ thẻ: "Mẹ ăn cơm đi!". Mẹ nó giật mình quay lại, lấy khăn lau cái mặt đang tèm lem vì mồ hôi trộn lẫn với muối mè của nó. Mẹ lau thật chậm, thật lâu… Nó cảm nhận bàn tay thô kệch hôm nay bỗng dịu dàng, âu yếm, khác với vẻ cáu bẳn thường ngày. Nó ngửa mặt lên cao, ngoài kia nắng như đổ lửa, chốc chốc ông cụ bán bóng bay đi qua, nó nhìn theo thèm thuồng nhưng khi ông dừng lại bên mẹ con nó, nó lại vờ cúi xuống nghịch giỏ bánh mì của mẹ. Nó hiểu, những quả bóng bay đó không dành cho những đứa trẻ như nó. Chiếc xe đạp chở đầy bóng bay của ông đã đi xa, bỗng mẹ nó đứng lên chạy đuổi theo, lát sau quay về, trên tay mẹ một quả bóng bay hình chuột con ngộ nghĩnh. Nó ngỡ như mơ. Thật! Chưa bao giờ nó tưởng tượng ra một ngày nó được cầm trong tay quả bóng bay đẹp đến thế.
"Mẹ mua cho con nè! Thích không?" giọng mẹ nó hụt hơi vì chạy một quãng khá xa. Nó gật, ngẩn người ra đưa ngón tay trỏ cho mẹ móc vào sợi chỉ trên quả bóng. "Con để dành khi nào em Na lớn, con cho em chơi chung" nó thỏ thẻ.
Mẹ yên lặng lấy khăn lau mặt cho nó lần nữa, rồi mẹ lại lau những giọt mồ hôi đang rịn ra trên trán mẹ, chợt nó nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe. Nó không hiểu sao mỗi khi nhắc đến em, mắt mẹ luôn đỏ hoe như thế. "Giờ con ngồi đây, mẹ đi lấy thêm bánh mì, lát nữa tàu vào còn bán" mẹ đứng lên cài lại khuy áo vừa bung ra trên ngực nó. "Con nhớ, ngồi yên ở đây, mẹ sẽ quay lại đón con".
Nó lại gật, cắm mặt vào quả bóng bay, có quả bóng rồi nó đợi mẹ đến đêm cũng được. Mẹ đi chừng một đoạn vội quay lại, đặt cái giỏ bên cạnh nó, giọng mẹ lạc đi: "Cơm với muối mè mẹ để trong này, khi nào đói con nhớ lấy ăn!". Nói rồi mẹ ôm nó vào lòng, ghì vào ngực hồi lâu rồi vụt đứng lên, tất tưởi đi như chạy. Nó nhìn theo bóng mẹ gầy gầy cho đến khi chiếc áo màu mỡ gà khuất sau nhà ga, nó lại cúi xuống ngắm nghía quả bóng. Nó sờ tai, sờ mũi con chuột rồi cười hích hích một mình. Nó mân mê quả bóng, nghĩ bụng chiều nay về nó sẽ treo lên cho em gái ngắm, em nó sẽ toét miệng ra cười...
Tiếng còi tàu tu tu một hồi dài khiến nó bừng tỉnh. Tàu lại vào ga, những người bán hàng rong nhốn nháo, le te chạy theo đoàn tàu đang chầm chậm nghiến bánh sắt trên đường ray. Nó nhìn dòng người vừa bước xuống tàu, lướt qua nó. Nó sực nhớ đến mẹ, sao mẹ đi lâu quá! Nó nhìn ra, trời đã chiều, những đám mây trắng ban trưa giờ đã đổi sang màu xám xịt. Nó bắt đầu thấy lo lắng nhưng cũng tự trấn an, có lẽ mẹ tranh thủ chạy về cho em bú. Em gái nó mới hơn ba tháng tuổi, yếu ớt khóc ra rả suốt đêm. Nó ngồi yên nhìn buổi chiều đang chuyển dần sang màu tối. Lúc này nó bắt đầu thấy đói. Nhớ lời mẹ dặn, lục trong giỏ có gói cơm muối mè, nó lấy ra nhỏ nhẻ ăn. Ăn một nửa, còn lại nó gói phần mẹ.
Một chuyến tàu nữa lại vào ga, bóng dáng mẹ nó vẫn biệt tăm. Lúc này cảm giác lo lắng đã thay bằng nỗi sợ. Nó mon men đi về phía nhà ga, ở đó có các cô chú nhân viên đang ăn tối. Ði một đoạn nó dừng lại nhớ ra, lỡ mẹ quay lại không thấy nó đâu, mẹ sẽ tìm... Nghĩ vậy nó về chỗ cũ ngồi đợi mẹ. Lúc này đã là đêm, sân ga vắng tanh. Ai đi qua nhìn thấy nó cũng tò mò ngoái lại, một đứa bé con ngồi co ro trong bóng tối. Từng dòng người đi qua nó, có người nhìn nó rồi lướt qua, có người dừng lại lâu hơn. Một cô trẻ như mẹ nó lại gần hỏi han, nó tủi thân bật khóc. Có chú ngỏ ý đưa nó về, nó lắc đầu quầy quậy vì sợ mẹ quay lại tìm không thấy.
Ðêm đã khuya, sân ga chỉ còn lác đác vài hành khách chờ người thân. Những người bán hàng rong cũng chui vào một góc, gối đầu lên mẹt hàng ngủ ngon lành. Nó nghe nhiều người đi qua thầm thì rằng, có lẽ mẹ nó đã gặp điều gì không may trên đường đi, chứ ai lại bỏ con...
Nó mặc kệ, bỏ hết ngoài tai. Nó vẫn tin mẹ sẽ quay lại đón nó về. Nhà nó, gọi là nhà cho sang chứ thật ra chỉ là một căn lều dựng tạm bên bến Mía. Ngày mẹ con nó đến xin tá túc, bà con bến Mía thương tình dựng tạm cho căn nhà trên bãi đất hoang. Cha nó là người đàn ông nát rượu, ông bỏ nhà đi đâu không rõ từ khi mẹ mới mang thai em gái nó. Những hạt mưa nho nhỏ bắt đầu rơi, hắt vào chỗ nó ngồi khiến nó co người lại. Chú nhân viên nhà ga đưa nó vào phòng soát vé rồi thông báo trên loa phóng thanh "Một bé trai ba tuổi đang đợi mẹ ở sân ga. Ai là mẹ của cháu…". Hôm nay đã là ngày thứ ba vẫn không thấy bóng dáng mẹ nó đâu. Ngày thứ tư, các cô chú ở nhà ga vẫn kiên trì phát đi thông báo, hy vọng mẹ nó hoặc người thân nghe được sẽ đón nó về.
Một chuyến tàu dừng lại ở sân ga, đôi vợ chồng đi trên tàu nghe loa phóng thanh phát đi tin tìm mẹ, họ dừng lại xin được gặp cậu bé. Lần đầu nhìn thấy nó, họ quyết định hủy chuyến tàu, ở lại cùng nó chờ đợi.
Hơn một tuần trôi qua, bóng dáng người mẹ vẫn biệt tăm. Lúc này linh cảm đã mách bảo nó. Hình ảnh đứa em gái ốm yếu xanh rớt còn khát sữa, bàn tay mẹ run run vội vàng ép nó ăn no, khoảnh khắc mẹ đi còn quay lại ôm ghì nó vào lòng thật lâu… Nước mắt nó trào ra, tức tưởi. Lúc này đôi vợ chồng ngỏ ý được đón nó về. Người đàn bà kéo nó lại gần, âu yếm: "Về với mẹ đi!". Bà lấy khăn chặm những giọt nước mắt lăn dài trên má nó rồi đưa bàn tay ra chờ đợi. Nó gật, miệng méo xệch nhưng vẫn đặt bàn tay bé nhỏ vào tay bà.
Ngày các cô chú nhân viên nhà ga tiễn nó lên tàu về với cha mẹ nuôi, hôm đó là một ngày mưa tầm tã. Sân ga thưa người. Lúc lên tàu nó còn ngoái lại nhìn chỗ nó đã ngồi đợi mẹ, thầm hy vọng mẹ bất ngờ xuất hiện.
Mưa vẫn mù mịt rơi…
Người đàn ông, là nó ngày xưa, giờ đã bước vào tuổi xế chiều, mái tóc hoa râm và gương mặt trầm tư. Năm mươi năm ở bên cha mẹ nuôi, được yêu thương, ông hiểu ra rằng, ngày đó mẹ đã bỏ rơi ông vì quá nghèo, vì mong con trai có được một nơi êm ấm… Năm mươi năm, ông vẫn không quên bát cơm nguội vạ vật qua ngày, hàng xóm thương tình mang đến cho ông, hình ảnh đứa em gái ba tháng tuổi xanh rớt, khóc ra rả suốt đêm và dáng đi tất tưởi của mẹ ở sân ga ngày đó. Mỗi khi nhìn thấy những người bán hàng rong, tim ông chợt thắt lại… Ông mua vé lên tàu.
Chiều nay ông lặng lẽ lên chuyến tàu đêm. Con gái đưa ông ra ga, lúc đoàn tàu chuẩn bị lăn bánh cô ôm ba thật lâu: "Có buộc phải tìm kiếm mãi không ba? Ba đi, cả nhà mình lại khắc khoải đợi ba về…". Ông yên lặng. Bóng con gái nhỏ dần trên đường ray.
Tàu dừng lại. Ông lang thang trên sân ga vắng người, ngẩn ngơ nhìn từng ngóc ngách vừa lạ, vừa quen. Nhiều người đi qua tò mò ngoái lại nhìn ông, hình ảnh cậu bé năm xưa ngơ ngác nép vào mái hiên tránh những giọt mưa… Ông vẫn tựa vào tường, vai rũ xuống, thấy đằng kia có ai như cậu bé lên ba đang mân mê quả bóng bay.
Loanh quanh hết một ngày, ông lại lên tàu trở về. Tiếng còi tàu tu tu một hồi dài báo hiệu sắp rời ga. Ông chầm chậm đi về phía toa tàu dành cho ông, cái dáng cao gầy liêu xiêu, đôi vai thõng xuống như cánh chim lạc mẹ trong chiều muộn. Buồn rầu. Ngơ ngác...