29/01/2016 - 20:43

Chuyện “Phố Ông đồ” ở Cần Thơ

Tết Bính Thân này, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức "Phố Ông đồ" trong khuôn viên công viên Lưu Hữu Phước với nhiều hoạt động mang đậm văn hóa truyền thống. Những câu đối hay, những mỹ từ không chỉ để trang trí mà còn có giá trị tinh thần, nhân sinh quan tốt đẹp. "Phố Ông đồ" còn là câu chuyện về những người Cần Thơ nặng lòng với thư pháp Việt.

Trải nghiệm thư pháp Việt

Cho chữ ngày xuân tại "Phố Ông đồ" ở Công viên Lưu Hữu Phước. 

Ông Võ Quốc Toàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Cần Thơ, cho biết, "Phố Ông đồ" đã có ở Cần Thơ từ 3 năm trước, ngay trước Bảo tàng TP Cần Thơ, khai mạc cùng lúc với sự kiện "Sắc xuân miệt vườn". "Phố Ông đồ" đã trở thành điểm giao lưu, gặp gỡ của những người yêu thư pháp Việt. Năm nay, do nhu cầu của các ông đồ cũng như việc tham quan, tìm hiểu của khách khá lớn nên CLB Thư pháp Cần Thơ dời địa điểm tổ chức sang Công viên Lưu Hữu Phước. "Không gian rộng rãi, không chen chúc cũng là cách để khách không bị phân tâm khi thưởng ngoạn thư pháp"- ông Toàn giải thích.

Không gian "Phố Ông đồ" năm nay thoáng đãng gồm có 4 gian lớn, đủ để 8 ông đồ có thể cho chữ khách tham quan. Đặc biệt, lần đầu tiên "Phố Ông đồ" tổ chức cho khách trải nghiệm viết thư pháp trên loại giấy đặc biệt: viết bằng nước lạnh và tự mất sau vài phút, giúp không tốn kém lại giải quyết nỗi lo mực dính vào người, nhất là trẻ em. Mỗi ngày, ban tổ chức đều cho khách thi viết thư pháp với giám khảo là các ông đồ của phố. Mô hình thuyền thư, ông đồ ngồi trên thuyền để cho chữ cũng là điểm nhấn đặc biệt của "Phố Ông đồ". Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, người dân thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, phấn khích: "Lần đầu tiên tôi thấy ông đồ viết thư pháp, mà lại là chữ Việt nên rất quý". Còn em Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ rất thích không gian chụp ảnh thư pháp, chia sẻ: "Ngày gần Tết, Cần Thơ có "Phố Ông đồ" này thật ý nghĩa. Tuổi trẻ chúng em được trải nghiệm, vui chơi và nhất là vun bồi tình yêu tiếng Việt, chữ Việt".

Theo quan sát, dù chỉ mới ngày đầu hoạt động nhưng "Phố Ông đồ" thu hút đông đảo khách đến tham quan, xin chữ hay đơn giản chỉ là chiêm ngưỡng tài hoa "phượng múa rồng bay" của các ông đồ. Ở đây, ông đồ ở phố này, có người ngoài 20 tuổi, có người đã gần "thất thập" luôn tri nhận những ước nguyện của khách trong năm mới và thể hiện bằng nét bút tài hoa với cả tấm lòng người viết thư pháp Việt. Có người xin chữ "Tài", "Lộc", "Kim" nhưng cũng có người chỉ xin hai chữ "Bình an", "Hạnh phúc"… Bởi với họ, cho chữ là trao cả niềm tin…

Thư pháp không chỉ là chữ đẹp

Giữ vai trò chính trong việc duy trì "Phố Ông đồ" ở Cần Thơ 3 năm qua là CLB Thư pháp Cần Thơ mà người khởi xướng chính là bác sĩ chuyên khoa II đã về hưu Võ Quốc Toàn. Ông cho biết, trước sự hào hứng của khách tham quan với "Phố Ông đồ", ông đã đăng ký thương hiệu độc quyền và được Bộ Khoa học công nghệ tiếp nhận hồ sơ. Vốn say mê thư pháp rồi tự mày mò học hỏi suốt 15 năm qua. Hiện ông là chủ nhiệm câu lạc bộ và đã dìu dắt cho hàng chục ông đồ trẻ. Học trò của ông có em chỉ mới 10 tuổi nhưng thủ bút khá tốt, thẩm mỹ. Không gian dạy học của ông nằm khuất trên gác vắng của một quán cà phê trên đường Mậu Thân (quận Ninh Kiều), nhưng luôn đông người tìm đến nhờ ông chỉ dạy từng nét ngang, nét sổ. Anh Huỳnh Đăng Khoa, thành viên câu lạc bộ, bắt đầu nghiệp thư pháp bằng lớp học của ông Toàn và giờ đã vững tay bút, nói: "Bác Toàn dạy em từ những nét căn bản đến viết làm sao cho bay bổng, điệu nghệ. Đặc biệt, đến giờ, bác vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi là phải tâm tịnh, suy ngẫm kỹ trước khi viết điều gì".

Hiện CLB Thư pháp Cần Thơ có khoảng 30 thành viên, trong đó khoảng 12 người viết tốt. Từ tự học rồi truyền dạy cho người có cùng đam mê, ông Toàn chiêm nghiệm rằng: "Thư pháp không chỉ là chữ đẹp mà còn là cái tâm, cái hồn, ý tứ của người viết trao gửi trong đó". Ông lý giải thêm: thư pháp là một loại hình của nghệ thuật chơi chữ, do đó, người viết thư pháp vừa chơi (chữ), vừa học (cách làm người, luân thường đạo lý trong mỗi chữ viết), vừa rèn luyện (tính kiên nhẫn, tâm tính, bản lĩnh với ngòi bút).

Cần Thơ có 2 “Phố Ông đồ” dịp Tết Bính Thân

Song song với “Phố Ông đồ” ở công viên Lưu Hữu Phước, “Phố Ông đồ” trước Bảo tàng Cần Thơ cũng sẽ được duy trì và do CLB Thư pháp Cội nguồn đảm trách. Nghệ sĩ Thiện Nhân, chủ nhiệm CLB Thư pháp Cội nguồn, cho biết, để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của bà con, năm nay “Phố Ông đồ” sẽ duy trì hoạt động đến Mùng 5 Tết Nguyên đán.

Những năm qua, CLB Thư pháp Cần Thơ đóng góp nhiều cho văn hóa ở Cần Thơ thông qua hoạt động cho chữ và truyền dạy viết thư pháp. Hiện, các thành viên trong câu lạc bộ đang hoàn thiện khoảng 250 liễn chữ "Tài" để lãnh đạo thành phố tặng cho tiểu thương chợ nổi Cái Răng. Đây là hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ nhiều năm qua. Đặc biệt hơn, lần đầu tiên, Cần Thơ có loại hình du lịch mới: trải nghiệm thư pháp Việt. Cách đây không lâu, nhóm 7 du khách người Pháp đã đến câu lạc bộ của ông để học viết thư pháp Việt. "Khi cầm bút chấm vào nghiên mực viết tên của mình và những người thân, "du khách rất hào hứng"- ông Toàn nhớ lại. Ra về, mỗi du khách còn được tặng một bộ "văn phòng tứ bảo" gồm: giấy, bút, mực, nghiên để về Pháp, họ tiếp tục trải nghiệm loại hình thư pháp độc đáo của người Việt.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết