26/02/2008 - 09:32

Chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở Cuba

 Tân Chủ tịch Cuba Raul Castro. Ảnh: AP 

Ngày 24-2, Quốc hội Cuba nhất trí bầu ông Raul Castro vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng, tiếp nối 49 năm lãnh đạo của người anh trai - lãnh tụ Fidel Castro. Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, ông Raul khẳng định về cơ bản sẽ không có sự thay đổi nào trong chính sách của Cuba và cam kết sẽ tham khảo ý kiến của lãnh tụ Fidel trong các quyết định quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tân Chủ tịch Raul sẽ dẫn dắt đảo quốc vùng Caribbe này bước vào một giai đoạn đổi mới, ít ra là trên lĩnh vực kinh tế.

Tân Chủ tịch Raul Castro cho biết chính phủ cần phải thay đổi để tồn tại trong thời kỳ mới. Ông đề nghị trao thêm quyền lực cho chính quyền địa phương và tổ chức lại bộ máy chính quyền ở Thủ đô La Havana vốn rất quan liêu. Ông tuyên bố sẽ không có cơ quan nhà nước nào là “bất khả xâm phạm” dưới chính quyền mới.

Có lẽ thách thức quan trọng nhất mà ông Raul phải đối mặt là vực dậy nền kinh tế. Từ khi trở thành quyền Chủ tịch hồi tháng 7-2006 (do Chủ tịch Fidel Castro lâm bệnh), ông Raul Castro đã tạo thêm niềm hy vọng cho người dân Cuba về việc nâng cao mức sống. Hiện người lao động Cuba có mức lương bình quân 15 USD/tháng và được trả bằng đồng peso vốn đang mất giá nghiêm trọng. Ông Raul cho biết sẽ dỡ bỏ một số quy định kiềm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân và từng bước định giá lại đồng peso. Để thực hiện mục tiêu trên, Cuba sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hoàn thiện hệ thống kinh doanh bắt đầu từ các địa phương rồi đến trung ương với phương châm “thận trọng và chắc chắn”. Nỗ lực của Cuba sẽ được sự hỗ trợ đắc lực của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người bạn thân thiết của lãnh tụ Fidel Castro. Ông Chavez tuyên bố tiếp tục ủng hộ đảo quốc 11 triệu dân này hàng triệu thùng dầu giá rẻ, trị giá khoảng 2 tỉ USD/năm.

Raul Castro được xem là người xây dựng sự đồng tâm, biết lắng nghe các cố vấn, các đại biểu chính quyền và biết rõ trách nhiệm của ông đối với các quyết định của họ. Sinh ngày 3-6-1931 tại tỉnh Oriente, ông Raul đã từng học tại trường dòng Jesuit và Đại học Havana, sau đó tham gia cuộc tấn công trại lính Moncada ngày 26-7-1953, nhằm lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista. Ông bị bắt và kết án 13 năm tù giam, nhưng được ân xá vào năm 1955. Tháng 5-1955, ông sang Mexico cùng với lãnh tụ Fidel và các chiến sĩ cách mạng khác. Tháng 12-1956, ông trở về Cuba trên con tàu Granma huyền thoại để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chủ tịch Raul từng kinh qua các chức vụ quan trọng như Tư lệnh lực lượng vũ trang cách mạng, Bộ trưởng Quốc phòng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng...

Về quan hệ đối ngoại, Chủ tịch Raul chỉ trích phát biểu gần đây của một số chính khách Mỹ yêu cầu Cuba thay đổi chế độ chính trị, mở rộng cái gọi là dân chủ. Ông khẳng định không bao giờ chấp nhận sự can thiệp của Mỹ và các đồng minh thân cận của họ. Mới đây, 100 hạ nghị sĩ Mỹ đã gởi thư cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice yêu cầu nới lỏng lệnh cấm vận chống Cuba kéo dài gần 5 thập niên qua, nhưng Nhà Trắng khẳng định điều này sẽ không sớm xảy ra. Cần nhắc lại rằng dưới thời Tổng thống George Bush, Washington siết chặt hơn lệnh cấm vận và từng 2 lần bác bỏ đề nghị đàm phán của ông Raul. Theo ông Barack Obama, ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua vào Nhà Trắng, lệnh cấm vận chống Cuba là một thất bại. Ông Obama cho biết nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông sẵn sàng gặp tân Chủ tịch Raul Castro mà không cần điều kiện tiên quyết nào.

N.MINH (Theo NYT, THX, TTXVN, AFP)

Chia sẻ bài viết