23/03/2021 - 07:04

Chung sức giữ rừng Bảy Núi 

Những ngày cuối tháng 3, ĐBSCL bước vào cao điểm mùa khô nên việc phòng chống cháy rừng (PCCR) càng quyết liệt hơn. Tại vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang), những cánh rừng đồi núi khô dần, chuyển sang màu vàng úa. Hơn lúc nào hết, những người giữ rừng nơi đây đang ngày đêm bám trụ, quyết tâm bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng Bảy Núi.

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Khu vực rừng tại vùng Bảy Núi đã có mức cảnh báo cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Khu vực rừng tại vùng Bảy Núi đã có mức cảnh báo cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Những ngày này, đến các vùng rừng trọng điểm tại khu vực Bảy Núi dễ dàng gặp hình ảnh lực lượng chức năng cùng với người dân tuần tra, canh gác để bảo vệ rừng. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền mà ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương ngày một nâng lên. Những hộ có rừng hay vườn rừng đều chủ động tích trữ nước, phương tiện chữa cháy, tích cực cùng lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng và sẵn sàng tham gia dập lửa khi xảy ra cháy.

Ông Mai Văn Sang, ở ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, có 7 công đất trồng dược liệu và cây ăn trái trên đồi núi. Hơn tháng qua, ông đã trữ hơn 50m3 nước sau nhà để sẵn sàng bảo vệ rừng. “Được ngành chức năng tuyên truyền nên tôi và bà con trong khu vực hiểu được vai trò quan trọng của rừng. Từ đó, tôi xây hồ chứa, gần đến mùa khô là trữ nước. Tuy lượng nước không nhiều nhưng ở trên núi cao có nước sẽ giúp ích rất nhiều cho lực lượng bảo vệ rừng nếu không may phát sinh cháy” - ông Sang nói.

Tại huyện Tịnh Biên, hầu hết các chủ vườn đều có sự chuẩn bị để chủ động cùng lực lượng chức năng bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Duy Mẫn, ở ấp An Hòa, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cho biết: “Tôi có hơn 13ha trồng giáng hương, tràm bông vàng và xoài. Việc PCCR là nhiệm vụ không chỉ của ngành chức năng mà còn là của gia đình bởi rừng là tài sản. Khi ngành chức năng tuyên truyền, vận động là tôi hưởng ứng ngay, bởi giữ được rừng là giữ tài sản của gia đình. Trước mắt tôi cùng người thân thường xuyên kiểm tra bảo vệ phần diện tích rừng của mình, sau đó cùng lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng”.

Hiện nay, khu vực đồi núi của tỉnh An Giang (chủ yếu tại vùng Bảy Núi) đang vào cao điểm mùa khô nên tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây cháy rừng. Ngành chức năng tỉnh An Giang cũng xác định các nguy cơ tiềm ẩn gây ra cháy rừng khu vực đồi núi, gồm: phát dọn cỏ, cây bụi, đốt để làm rẫy; khách hành hương vứt tàn thuốc, đốt nhang, giấy vàng mã… Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn, cho biết: Vùng đồi núi huyện Tri Tôn có 2.550ha rừng, trong đó khu vực có nguy cơ cháy cao gồm Đồi 81, đồi 400 (Núi Dài lớn), núi Tượng... với tổng diện tích 1.850ha, chiếm 41,98% diện tích rừng của huyện. Huyện Tri Tôn quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Khi xảy ra cháy rừng, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Chủ động trong mọi tình huống

Lực lượng chức năng tại vùng Bảy Núi thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị để dập lửa nếu xảy ra cháy rừng.

Lực lượng chức năng tại vùng Bảy Núi thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị để dập lửa nếu xảy ra cháy rừng.

Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có gần 16.900ha rừng vùng đồi núi và đồng bằng, phân bổ ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP Châu Đốc. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 7.256ha - tương đương 43% tổng diện tích rừng của tỉnh - có nguy cơ dễ xảy ra cháy. Trong đó, huyện Tịnh Biên là địa phương có diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao nhất với hơn 2.900ha, thuộc khu vực rừng đồi núi như: núi Phú Cường, cụm Núi Đất, núi Nhọn, khu vực đồi Kakô Núi Cấm và khu vực từ Latina đến Tà lọt của Núi Cấm. Huyện Tri Tôn cũng có hơn 1.800ha rừng có nguy cơ cháy cao. Diễn biến thất thường của thời tiết cùng với địa hình khu vực Bảy Núi đồi dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước khan hiếm nên nguy cơ cháy rừng có thể trở thành sự thật bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, chùa chiền, các khu, điểm du lịch nằm xen lẫn trong các khu rừng, nếu bất cẩn sử dụng lửa, đốt nhang, đốt giấy vàng mã… cũng sẽ gây cháy rừng.

Theo UBND huyện Tịnh Biên, từ đầu mùa khô huyện đã triển khai phát dọn cỏ, chặt dây leo, đôn đốc các hộ nhận giao khoán rừng thực hiện đường băng trắng chiều rộng 3m xung quanh lô rừng. Phát dọn đường băng cản lửa các vùng trọng điểm cháy đã được xác định như khu vực núi Phú Cường, đường công binh Núi Cấm… với chiều rộng từ 10-30m nhằm ngăn ngừa lửa cháy lan trên diện rộng. Ngành chức năng còn đốt chủ động diện tích đất cỏ ven chân núi, đất cỏ giáp ranh diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất cỏ ven chân núi nơi có nhiều người thường xuyên qua lại nhằm ngăn ngừa lửa cháy lan vào rừng trước khi vào cao điểm phòng cháy. Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên kiểm tra lượng nước ở các hồ, bồn nước hiện có; vận động hộ nhận giao khoán rừng đổ nước bổ sung cho đầy đối với những bồn còn ít nước; thuê mướn gánh nước đổ vào những bồn không có người trực tiếp quản lý; vùng không có bồn nước thì bố trí can nhựa 10 lít để kịp thời chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.

Ông Nguyễn Bá Vận Hành, Phó Trưởng Trạm Quản lý rừng phòng hộ Núi Cấm, cho biết, từ đầu mùa khô đơn vị đã sửa chữa, kiểm tra máy móc, bố trí điểm tập kết phương tiện chữa cháy, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức PCCR. “Năm nay, sau khi học tập kinh nghiệm từ những nơi khác, ngành chức năng tỉnh An Giang đã trang bị máy thổi gió đeo vai để dập lửa khi phát sinh cháy rừng. Giải pháp này nhằm phá đám cháy ngọn cao, giúp tiết kiệm nước khi chữa cháy rừng trên đồi, núi cao” - ông Hành nói.

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 13 vụ cháy rừng với diện tích gần 11ha, chủ yếu ở huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Các vụ cháy xuất hiện từ 10 giờ đến 16 giờ, điểm cháy xuất hiện rải rác trải đều trên địa bàn có địa hình đồi dốc rất phức tạp, thiếu nước nghiêm trọng. Do đó, từ đầu mùa khô, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ và tiến hành bố trí xuống các chốt bảo vệ rừng; định vị, rà soát thống kê toàn bộ các hồ đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng trên khu vực đồi núi với 197 điểm chứa nước; tổ chức thuê mướn gánh nước đổ vào 150 bồn chứa ở các sườn núi... Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang, khẳng định mùa khô hạn năm nay, An Giang kiên quyết không để xảy ra cháy rừng. Nếu xảy ra cháy, phải cố gắng tập trung mọi nguồn lực, phương tiện dập tắt kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.

Mùa khô năm nay, ngành chức năng tỉnh An Giang duy trì hoạt động của 17 Tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng thuộc địa bàn 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, gồm 190 thành viên tham gia công tác bảo vệ rừng, PCCR và có mặt tại rừng thường xuyên trong các tháng mùa khô. Ngoài ra còn có khoảng 2.600 người thuộc các lực lượng: Quân sự, Công an, Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng, Tổ hợp tác bảo vệ rừng và hợp đồng bảo vệ rừng sẵn sàng làm nhiệm vụ khi xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, lực lượng Kiểm lâm và các đội chữa cháy tình nguyện do Kiểm lâm tổ chức thường xuyên củng cố và kiện toàn lực lượng, triển khai tập huấn xử lý các tình huống cháy rừng để nâng cao nghiệp vụ; lực lượng Kiểm lâm tại cơ sở ứng trực 100% trong các ngày nghỉ, ngày lễ trong tháng cao điểm mùa khô cho đến khi có mưa nhiều.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết