06/03/2009 - 15:14

Chung quanh vụ ICC ra lệnh bắt Tổng thống Sudan

Tổng thống Omar al-Bashir dự lễ tốt nghiệp tại Học viện Không quân Sudan hôm 4-3.
Ảnh: AP

Ngày 4-3, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ra lệnh bắt Tổng thống Omar al-Bashir của Sudan do phạm tội ác chiến tranh trong cuộc khủng hoảng ở Darfur, miền Nam nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ khi ra đời ở La Haye (Hà Lan) năm 2002, ICC phát lệnh bắt đối với lãnh đạo đương nhiệm của một quốc gia. Ngay lập tức Khartoum trả đũa bằng cách trục xuất 10 trong số khoảng 76 tổ chức cứu trợ quốc tế của phương Tây đang hoạt động ở đây, vì cho rằng các tổ chức này cung cấp dữ liệu và chứng cứ chống lại các quan chức Sudan cho ICC. Hành động trên có thể khiến hơn 2 triệu người Sudan không tiếp cận được lương thực và nước uống, hơn 200.000 bệnh nhân không được chăm sóc thuốc men.

Các thẩm phán ICC còn buộc ông Bashir phạm tội ác chống lại loài người do có “vai trò chủ yếu” trong các vụ giết chóc, cướp phá, tra tấn và làm 2,5 triệu người ở Darfur mất nhà cửa. Cuộc chiến ở Darfur bắt đầu vào năm 2003 khi các tổ chức vũ trang nổi dậy chống lại chính phủ vì cho rằng họ bị phân biệt đối xử và bỏ rơi. Trong bản cáo trạng, các công tố viên cho biết chính quyền ông Bashir đã tìm cách tiêu diệt 3 bộ tộc là Fur, Masalit và Zaghawa. Ba bộ tộc này bị đuổi khỏi vùng đất của họ và nhiều người bị sát hại bởi lực lượng dân quân do chính phủ bảo trợ. Khoảng 300.000 người đã chết trong cuộc xung đột giữa các bộ tộc nổi dậy với quân đội chính phủ.

Tuy nhiên, các thẩm phán không buộc tội diệt chủng đối với Tổng thống Bashir như yêu cầu của các công tố viên vì chưa đủ chứng cứ.

Ngay sau phán quyết của ICC, hàng ngàn người đã tập trung tại Thủ đô Khartoum phản đối lệnh bắt giữ này và vẫy cờ ủng hộ ông Bashir. Thứ trưởng Ngoại giao Sudan Ali Ahmed Karti tuyên bố quyết định của ICC không có hiệu lực với Tổng thống Bashir và ông sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của mình như tham dự Hội nghị thượng đỉnh A-rập tại Doha (Qatar) cuối tháng 3 này. Một số quan chức thậm chí còn dọa sẽ phản ứng bằng bạo lực đẫm máu. Salah Gosh, Giám đốc cơ quan tình báo Sudan, mới đây kêu gọi “chặt tay và cắt họng bất kỳ ai dám nói xấu ông Bashir hoặc ủng hộ ICC chống lại ông”.

Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn A-rập (AL) lo ngại động thái của ICC đe dọa tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu ở miền Nam Sudan. Trung Quốc thì “lấy làm tiếc và quan ngại về quyết định của ICC”, đồng thời kêu gọi HĐBA LHQ tôn trọng yêu cầu của AU, AL và phong trào không liên kết về việc ICC ngừng xét xử vào thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, về mặt luật pháp, dường như khó xảy ra việc chính quyền Sudan bắt ông Bashir, trong khi ICC không có cảnh sát và quân đội, còn lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ thì không có nhiệm vụ bắt các nghi can tội ác chiến tranh. Khả năng Tổng thống Bashir bị bắt ở một quốc gia khác cũng rất thấp, bởi các nước A-rập và châu Phi phản đối việc này. ICC từng ra lệnh bắt 2 công dân Sudan hồi năm 2007 (gồm một bộ trưởng và một cựu thủ lĩnh dân quân) nhưng đến nay không có ai phải vào khám cả.

N.MINH (Theo NYT, AFP, AP, Reuters) 

Quan điểm của Việt Nam trước việc ICC ra lệnh bắt Tổng thống Sudan

(TTXVN)- Ngày 5-3-2009, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc ngày 4-3-2009, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ra lệnh bắt Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vì các tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người tại Darfur, Sudan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết:

Chúng tôi rất quan ngại trước việc ICC ra lệnh bắt Tổng thống Sudan Omar al-Bashir và cho rằng quyết định trên sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình hòa hợp, hòa giải tại Sudan và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình, toàn diện và bền vững cho vấn đề Darfur.

Tổng thống Omar al-Bashir dự lễ tốt nghiệp tại Học viện Không quân Sudan hôm 4-3. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết