18/05/2009 - 08:25

Chung quanh cuộc gặp Obama- Netanyahu

Hai ông Netanyahu (trái) và Obama trong cuộc gặp hồi năm ngoái.
Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ gặp nhau tại Nhà Trắng vào hôm nay 18-5. Theo hãng tin AP, trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo này là tiến trình hòa bình Trung Đông và chương trình hạt nhân của Iran.

Thủ tướng Netanyahu trước nay vẫn phản đối việc thành lập nhà nước Palestine. Lập trường này trái ngược với giải pháp hai nhà nước mà Washington đang theo đuổi. Tuy nhiên, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak thì có khả năng ông Netanyahu sẽ nhượng bộ trong cuộc gặp với Tổng thống Obama. Phát biểu trên truyền hình Kênh 2 ngày 16-5, ông Barak nói: “Tôi nghĩ và tin rằng ông Netanyahu sẽ nói với ông Obama rằng chính phủ này (Israel) đang sẵn sàng cho tiến trình chính trị dẫn tới việc hai dân tộc sống bên nhau hòa bình và tôn trọng lẫn nhau”. Theo ông Barak, một thỏa thuận hòa bình với Palestine có thể đạt được trong vòng 3 năm tới. Sau chuyến thăm Jordanie gặp Quốc vương Abdullah hồi tuần rồi của thủ tướng Israel, một quan chức chính phủ Jordanie cũng nhận định rằng ông Netanyahu có thể sẽ chấp nhận giải pháp hai nhà nước trong cuộc gặp với ông Obama. Trong khi đó, một trợ lý của Thủ tướng Netanyahu tiết lộ ông Netanyahu sẽ không ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine, mà thay vào đó là đề nghị Tổng thống Obama cùng phác thảo một lộ trình hòa bình mới cho Trung Đông. Theo tờ Haaretz, Israel sẽ nối lại đàm phán hòa bình với Palestine với điều kiện có sự tham gia của các quốc gia A-rập theo đường lối ôn hòa.

Theo các nhà phân tích, việc thay đổi lập trường, nếu có, của Thủ tướng Netanyahu là do sức ép từ Washington. Trang tin Beliefnet cho biết, đầu tháng này, tại hội nghị thường niên của AIPAC, một trong những tổ chức vận động ủng hộ Isarel lớn nhất ở Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói như ra lệnh rằng Tel Aviv phải chấp nhận giải pháp hai nhà nước, ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên vùng lãnh thổ chiếm đóng, dỡ bỏ các trạm kiểm soát và cho phép người Palestine được tự do đi lại.

Đổi lại việc “xuống thang” trong vấn đề Palestine, Tel Aviv muốn Washington cứng rắn hơn với Tehran. “Đối với Mỹ, quan hệ Israel- Palestine là ưu tiên hàng đầu. Nhưng đối với Israel, Iran là vấn đề bức thiết nhất,” Eytan Gilboa, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Israel tại Đại học Bar Ilan, nhận định. Hiện Mỹ và Israel chưa thống nhất lập trường về biện pháp đối phó với chương trình hạt nhân của Iran. Tel Aviv cho rằng nếu muốn, chỉ cần không đầy một năm, Tehran sẽ có trong tay vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Netanyahu gần đây nói bóng gió rằng Israel sẽ tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Biden cho rằng làm như thế là “không khôn ngoan”. Báo chí nước ngoài cho biết Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta đầu tháng này cũng đã bí mật tới Israel. Ông Panetta không tin rằng Tehran có thể chế tạo bom nguyên tử trong thời gian ngắn như vậy, đồng thời cảnh báo Israel về những hậu quả của việc tấn công Iran.

Theo các nhân tích, cái mà Israel muốn là Mỹ phải ra thời hạn chót để kết thúc tiến trình ngoại giao và có biện pháp quyết liệt hơn với Iran. Tuy Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 15-5 khẳng định Washington không đặt ra thời hạn chót, nhưng tờ Washington Post dẫn lời một số quan chức Mỹ và châu Âu cho biết nếu tới tháng 9 hoặc 10 tới, khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp mà Iran vẫn chưa khởi động các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc thì Mỹ sẽ có biện pháp mạnh tay hơn.

LÊ DÂN

Hai ông Netanyahu (trái) và Obama trong cuộc gặp hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết