Truyện ngắn: LƯƠNG MINH HINH
Hai Sáng làm lễ tân gia.
Mấy chục năm trước Hai Sáng và Thị Thùy ở cùng ấp rạch, cùng tuổi, cùng muốn tự thân đắp đổi cuộc sống mới mẻ thế là "quá tam, quá tứ" cũng chịu "cùng tuổi nằm duỗi mà ăn". Hai Sáng lén hạ thủy lại cái nhà ghe cha mẹ đã kéo lên hông nhà từ lâu rồi. Nàng đặt chân xuống sàn nhà ghe ôm hành lý, chàng ở mũi ghe mở chèo, nhập tốp nhà ghe miệt nước nổi.
Qua vài mùa nước đổ những nhà ghe di động ấy gặp bờ rạch tốt kêu nhau lên tum, lập ấp hạ bạc. Họ tảo tần câu lưới với "con nước cá" lại thương "con nước phù sa" nên ra tay phảng tay leng khơi mương lên liếp vườn, ra ruộng lúa, hầm cá.
Hai Sáng vườn tược đa canh đua cùng các nhà vườn chuyên canh, các điền trang lúa, rẫy hoa màu, các trại cá vuông tôm. Hai Sáng làm ăn giỏi, có tên tuổi trong làng nuôi trồng. Có vốn liếng, Hai Sáng tính lên nhà lầu. Ở cao cao nhìn tán cây trái toàn liếp vườn, trông ra đồng rộng xa. Nghĩ tới là Hai Sáng thấy khỏe người!
Thị Thùy thì lo lắng, lên nhà lầu phải có thiết kế nền móng cột kèo cửa nẻo nóc mái… với tính toán gạch ngói sắt thép xi măng cụ thể rõ ràng. Nghe vậy Hai Sáng điện thoại tham khảo ý con trai Quang Vinh đang ra Hà Nội viết luận văn để thành giảng viên. Quang Vinh từng nghe mẹ cha nhắc nhớ dạo ở nhà ghe, khi cúng lễ mẹ lấy cái bát ăn cơm vục lưng lưng gạo làm bát nhang. Khi dựng được cái tum có sàn ghe từ những đoạn thân cây mắm cây đước để nghỉ ngơi ăn uống, có mâm cơm cúng đặt xuống sàn mà nhang đăng. Giờ con nghe cha điện thoại tính xây cất nhà, con hỏi nhà mới đặt ban thờ sao? Rồi bàn rằng ban thờ phải đặt cao. Tầng lầu một đổ mái bằng thênh thênh, ở trên đó đặt ban thờ, có kết nối máy móc với Internet để lúc nào cũng có thanh âm và ánh sáng huyền ảo… Mới nghe tới đó, Hai Sáng đã bực mình không kìm được, quăng điện thoại xuống bàn cái bộp.
Nhà cửa khang trang, thờ tự gia tiên phải mặt tiền mặt đất. Chuyện đó Hai Sáng luôn tâm niệm.
***
Công chuyện cúng quải của Hai Sáng có điều đặc biệt - chuyện chung nước cúng.
Tháng Bảy năm đầu tiên ở nhà ghe nước nổi, vợ chồng Hai đi mua bông trái lễ "xá tội vong nhân" gặp ông già bán bộ chung sứ. Lạ là ông cứ mời mua chớ không ra giá cả. Hai Sáng móc túi lấy hết tiền đưa: Dạ ông, con xin cầm bộ chung này về! Ông già cầm nắm tiền đút túi. Trước khi ra chèo, ông đăm đắm nhìn bộ chung, rồi nhìn Hai buông lời: Phước Đức!
Thấy cảnh bán mua, Thị Thùy ngồi lặng đi hồi lâu chợt cất lời: Ông giống như in nội của em. Chung cũng là đồ cổ giống in. Sao đưa có bấy nhiêu tiền? Hai Sáng chỉ túi áo bà ba của Thùy: Đuổi theo đưa nữa! Hai vợ chồng đuổi theo muốn hụt hơi, gặp người bán hàng bông nâng chậu cúc vạn thọ vàng rực cười cười bảo ông già qua bển lên xe đò kìa. Ổng lên núi.
Có được bộ chung gồm 5 cái, Hai Sáng chia dùng năm chung nước cúng chỗ gia đình thờ tự: Bàn thờ Gia tiên, bàn thờ Táo Quân, bàn thờ Thiên Địa, bàn thờ Thần Tài - Thổ Công và chung nước cúng thứ năm thường dùng đặt mặt cỏ ngoài cổng ngõ với đèn nhang và gạo muối, tiền bạc gửi các vong linh lênh đênh đất trời.
Mỗi khi dâng chung nước cúng là Hai Sáng trăn trở Phước Đức mà ông lão nói. Cái chung hạt mít, nước cúng không lấy đầy và cũng không được cạn, nước phải chừng mực trên lưng chung, mà phải nước lành nước trong. Mỗi lần bưng chung nước cúng là lòng dạ Hai Sáng lại nhớ chuyện xưa. Đó là chuyện "Cúng giếng đình": Lễ hội Kỳ yên của một làng cổ xưa mở đầu bằng lễ cúng giếng làng. Thủ đình đặt mâm lễ trên cầu giếng, cầm chung lấy nước giếng lên đặt vào mâm cúng rồi đèn nhang khấn thỉnh Linh Giếng. Bà con dân làng kề vai sát cánh quanh bờ giếng xá, trầm hương thơm ngan ngát nước giếng long mạch trong veo trong vắt. Một đời trần gian cơm ăn nước uống. Qua cõi thiên thu, ngày tạ thế là ngày giỗ. Hậu sinh nhang thơm nước trong, cỗ bàn thỉnh linh cõi thiên thu gặp gỡ thân nhân hậu thế.
***
Ngày mốt là lễ tân gia. Còn ngày hôm nay lo các ban thờ, ngày mai nêm nấu đồ cúng đặng sớm mốt, ngày giờ tốt, nhang đăng mừng nhà mới.
Làm nhà mới, ban thờ phải đẹp đẽ. Hai Sáng bày chung nước cúng lên ban thờ, sau đó nhìn ra hàng hiên. Chỗ này là dãy lu nước mưa hàng cau. Hồi mới trồng cau, vợ chồng Hai Sáng trông cau như trông con cái. Từng tuổi đốt, tuổi từng tàu lá xòe xanh mưa. Cây cau lớn đầu hàng, cau đơm bông hứng mưa, được lu nước mưa hương cau mừng hết biết. Lên chung nước cúng hương cau ban thờ, châm trà nước hương cau dâng ban thờ đèn nhang thỉnh Trời Đất thỉnh Các Linh. Rồi kêu người nhà, kêu các láng giềng cùng hưởng lộc trà nước mưa hương cau; châm rồi châm tiếp những ấm trà nước mưa hương cau thơm muồi tới khuya tới sáng. Mấy chục năm dãy lu nước mưa hương cau… Giờ bên cạnh là ngôi nhà khang trang. Ngôi nhà vời vợi tấm tình thương lu nước hương cau với mái ngói nghiêng, máng nước đón đỡ, ống dẫn… có bể nước mưa ăm ắp.
Lễ tân gia phải đàng hoàng tươm tất. Hai Sáng đã hẹn với tay quay phim chụp hình để có hình ảnh kỷ niệm cuộc lễ và để Quang Vinh về coi phim thấy được phong tục lễ nghĩa tôn nghiêm trước Trời Đất và Các Linh, không có lối tự mình tự tung tự tác tùm lum. Hai Sáng kê ban thờ lau chùi tinh tươm, Thị Thùy đưa những đồ thờ: bộ lư hương, bộ chung rượu, chung trà đèn… thứ nào thứ nấy nước đồng nước nem lên sáng ngời ngợi. Cha mẹ mải việc không hay Quang Vinh đã về đứng giữa nhà.
Sau một hồi mừng rỡ, Quang Vinh mở bao bọc giới thiệu mấy bộ đồ lễ Tam Sơn. Mỗi bộ có ba cái bình hồ lô. Hồ lô ở giữa chứa nước. Hồ lô bên này chứa hạt lương thực. Hồ lô bên kia chứa muối. Tam Sơn tôn thờ sự vững vàng của cộng đồng cư dân, của các dân tộc. Trong các bàn thờ gia đình, Tam Sơn được trưng trên ban thờ Gia Tiên và ban thờ Thần Tài Thổ Công.
Tới lúc này, Hai Sáng mới tạm coi như nguôi chuyện thằng con bàn việc làm ban thờ hiện đại trên cao. Hiểu về Tam Sơn cũng có nghĩa Quang Vinh hiểu đời sống vững vàng với ba bình hồ lô của đất trời với chúng ta. Nghĩ mà vui! Hai Sáng mặt mày tươi rói rói, giọng điềm đạm với Quang Vinh:
- Con châm chung nước cúng thỉnh cầu Phước Đức!