Suốt nhiều tháng qua, sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM chịu sự tác động điều chỉnh sâu của thị trường, giá trị của hàng loạt cổ phiếu niêm yết trên cả 2 sàn giao dịch vì thế đã sụt giảm xuống mức rất thấp, tính thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) và chuyển nhượng không cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư. Trước diễn biến phức tạp và khó dự báo trước của thị trường, đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi vào đâu để bảo toàn, đem lại lợi nhuận cao nhất thực sự là câu hỏi khó, chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
THỊ TRƯỜNG KHÓ DỰ BÁO
Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 18-4-2008), lượng cầu duy trì ở mức cao hơn lượng cung nên tiếp tục hỗ trợ tốt cho VN-Index tại sàn chứng khoán TP HCM tăng điểm so với phiên giao dịch một ngày trước đó. Tuy nhiên, đến đợt khớp lệnh thứ 2, lệnh đặt bán cổ phiếu ra tăng mạnh, áp đảo lượng cầu đẩy chỉ số chứng khoán giảm xuống. Kết quả, qua 3 đợt khớp lệnh, VN-Index tiếp tục giảm xuống còn 537,31 điểm. Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng trong xu hướng điều chỉnh sâu của thị trường sau khi ngưỡng 180 điểm bị phá vỡ. Phiên giao dịch cùng ngày, HaSTC-Index tiếp tục giảm thêm 4,97 điểm xuống mức 179,77 điểm. Tâm lý mua vào cổ phiếu của nhà đầu tư diễn ra khá dè dặt trong nhiều phiên liên tiếp đã gây áp lực làm cho lượng cung tăng mạnh kéo HaSTC-Index giảm theo.
Như vậy, sau khi đạt trên ngưỡng 550 điểm ở một phiên duy nhất ngày 9-4-2008, thị trường chứng khoán tập trung đã không thể duy trì đà hồi sinh. Mặc dù, khối lượng và giá trị giao dịch tại 2 sàn giao dịch vẫn ở mức cao, sự tham gia tích cực của tổ chức niêm yết mua vào cổ phiếu quỹ cũng tăng cầu của thị trường. Tuy nhiên, thị trường ngày càng diễn biến phức tạp, khó dự báo trước đang gây ra tâm lý bất an của không ít nhà đầu tư hiện nay. Theo phân tích của một số chuyên gia, các ngân hàng vẫn tiếp tục giải chấp chứng khoán mà họ nắm giữ khiến cho lượng cổ phiếu cũng tăng đột biến, trong khi tâm lý các nhà đầu tư chưa ổn định là một trong những nguyên nhân tác động đến sự sụt giảm của thị trường. Do đó, khi thị trường điều chỉnh xuống dưới 550 điểm là ngưỡng khá nhạy cảm, không thể lường trước được phản ứng của cộng đồng đầu tư.
|
Thị trường giảm sâu khiến không ít nhà đầu tư ở TP Cần Thơ bỏ sàn. Ảnh chụp tại đại lý chứng khoán MHB Cần Thơ. |
Một câu hỏi đặt ra là, khi thị trường chứng khoán, vàng bạc, bất động sản... đang trong chu kỳ hết sức khó khăn và diễn biến phức tạp, tình hình lạm phát chưa có dấu hiệu suy giảm, nhà đầu tư nên sử dụng nguồn tài chính nhàn rỗi vào đâu để an toàn và dễ sinh lợi?
Theo ông Nguyễn Huy Phương, Phòng phân tích chứng khoán, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, thông tin Ngân hàng nhà nước có thể sẽ dỡ bỏ quy định trần lãi suất huy động và dự báo lãi suất tiền gửi có thể lên đến 15%/năm, cho thấy hiện tượng các ngân hàng thương mại thiếu hụt tài chính vẫn còn tiếp diễn. Cho nên, trong thời gian tới, lượng cổ phiếu giải chấp của các ngân hàng thương mại có thể là nguồn cung tiềm năng. Lượng cung này vô hình sẽ ảnh hưởng tới tâm lý bất an của nhà đầu tư và có thể gây nên hiện tượng lượng cầu sụt giảm.
CHỌN LỌC ĐẦU TƯ
Khi tâm lý của các nhà đầu tư vẫn chưa ổn định, hiện tượng đứng ngoài cuộc quan sát hoặc rút khỏi thị trường của các nhà đầu tư đã thể hiện ngày càng rõ. Chịu sự tác động của thị trường, nhiều cổ phiếu đã giảm giá mạnh trong 1-2 tuần giao dịch gần đây. Giá trị cổ phiếu đã xuống rất thấp nhưng vẫn không hấp dẫn các nhà đầu tư. Riêng đối với hình thức đầu tư vào vàng, sự lên xuống thất thường của giá vàng trong thời gian gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra dè dặt hơn so với trước. Nguyên nhân là do số vốn bỏ ra đầu tư, kinh doanh vàng rất lớn, trong khi thị trường vàng trong nước phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới. Còn lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các hệ thống ngân hàng đang được điều chỉnh giảm, tỷ lệ nghịch với chỉ số giá tiêu dùng nên cũng không phải là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Cũng theo ông Nguyễn Huy Phương, giá trị của phần lớn các mã cổ phiếu đã xuống rất thấp, các nhà đầu tư cần quan sát kỹ diễn biến trong phiên giao dịch tới và lựa chọn để mua vào những loại cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, đem lại lợi nhuận cao hơn.
Ông Võ Hoàng Nghiêm, một nhà đầu tư tại đại lý chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL (MHB) tại Cần Thơ, lại cho rằng: Những năm trước, Việt Nam theo đuổi chính sách lấy tăng trưởng kinh tế là mục tiêu số 1, nên nhiều doanh nghiệp yếu kém đã được bảo trợ hoặc tiếp sức bằng nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Nay, lạm phát đã “phân loại” sự thích ứng và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với sự thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Đây thực sự là dấu hiệu lạc quan để các nhà đầu tư duy trì nắm giữ hoặc mua vào cổ phiếu khi thị trường đang xác lập một mặt bằng giá cổ phiếu mới.
Tuy nhiên, để thị trường chứng khoán sôi động, lành mạnh hơn cũng cần phải có sự hỗ trợ tích cực của các ngân hàng, công ty chứng khoán... công bố số liệu chứng khoán trong diện giải chấp, thời điểm đáo hạn, các đề xuất và phương án xử lý cụ thể cần cơ quan quản lý hỗ trợ. Với nhiều tác động tích cực như vậy, cán cân cung-cầu của thị trường sẽ có tín hiệu tốt, tâm lý của thị trường tăng dần yếu tố lạc quan. Có như vậy, tin đồn và đầu cơ giá xuống không còn đất để tồn tại, cơ quan quản lý thị trường có cơ sở để trả lại biên độ bình thường, giảm các “can thiệp” hành chính vào thị trường. Ngoài ra, từ tháng 4 trở đi, hàng loạt thông tin về tình hình kinh doanh quý I-2008 lạc quan của các doanh nghiệp niêm yết cũng sẽ được công bố. Hy vọng, những thông tin này sẽ góp phần làm ổn định tâm lý nhà đầu tư trong những phiên giao dịch tới.
Khi thị trường giảm sâu, đã có nhiều người dự báo VN-Index có thể rớt xuống ngưỡng 400 điểm. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số giới phân tích chứng khoán, khả năng thị trường “phá đáy” ở ngưỡng này là rất khó xảy ra. Các nhà đầu tư vẫn còn thời gian và nên tập trung tìm giải pháp bình ổn thị trường thay vì bi quan, không tạo “đất” cho tin đồn phát tán. Với những nhà đầu tư mới hoặc đang có ý định trở lại thị trường, có thể xem xét mua vào các cổ phiếu hấp dẫn trong ngắn hạn, như: dược phẩm, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, năng lượng, khai khoáng...
Đánh giá của đại lý nhận lệnh chứng khoán An Bình (ABS) tại Cần Thơ, các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu không nên hoang mang, bán tháo cổ phiếu trong thời điểm này. Khi thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ, biên độ về giá có cơ hội được mở rộng trở lại, thị trường bất động sản đi vào ổn định, các ngân hàng cũng điều chỉnh lại mức lãi suất tiết kiệm phù hợp... thì các nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội và kênh đầu tư hơn.
Bài, ảnh: TRIỀU DÂNG