17/12/2023 - 03:44

Chùa Tiên Châu ở Vĩnh Long 

Trần Kiều Quang


Chùa Tiên Châu (ảnh) tọa lạc tại một cù lao trên sông Cổ Chiên, thuộc làng Bình Lương và An Thành xưa, nay là ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Đây là một trong những ngôi cổ tự có lịch sử hình thành sớm nhất ở Vĩnh Long.

 

Lịch sử khai sơn

Khu vực chùa tọa lạc là một bãi lài, là làng chài xưa có tên cù lao Táng, tên chữ là cù lao Bích Trân. Theo truyền thuyết thì nơi đây có cảnh đẹp u nhàn, tiên nữ thường xuống dạo chơi nên còn gọi là Bãi Tiên. “Khoảng giữa thế kỷ 18, ở Bãi Tiên đã có một am nhỏ bằng tranh tre lá, gọi là Am Bãi Tiên, do Hòa thượng Giác Nguyên (1750-1801) - người gốc Thừa Thiên, đệ tử của Thiền sư Liễu Quán (?-1743), tu theo Tịnh độ tông - thành lập thờ Phật A Di Đà. Sau khi Hòa thượng Giác Nguyên viên tịch, Ni sư Diệu Thiện đến trụ tại đây từ năm 1801 đến năm 1828. Ni sư đã vận động tín đồ và khách thập phương quyên góp cất lại am, từ đó gọi là chùa Bãi Tiên. Các đời trụ trì tiếp sau là Giáo thọ Huỳnh Văn Lương, Hòa thượng Tăng Chiếu, Hòa thượng Tánh Minh - thế danh Huỳnh Đức Hội, đời thứ 39 Thiền phái Lâm Tế dòng Liễu Quán. Đến đời Hòa thượng Tánh Minh (trụ trì từ 1858-1881), chùa Tiên Châu được tạo dựng lại bằng gỗ, gọi tên là Tiên Châu Di Đà tự”(1).

“Đến cuối thế kỷ thứ XIX, các vị sư ở chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) qua hành đạo. Giai đoạn này chùa Di Đà đã bị xuống cấp nên tín đồ Phật tử đã trùng tu tái thiết lại ngôi chùa vào năm Kỷ Hợi (1899). Từ đó ngôi chùa có tên chính thức là Tiên Châu tự, còn danh hiệu Tiên Châu Di Đà tự gần như đi vào dĩ vãng. Cho đến nay, chùa Tiên Châu đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, mà lần trùng tu sửa chữa quan trọng nhất là vào năm 1960”(2). Chùa Tiên Châu có chiều rộng 20m và dài 46m, có tất cả 96 cột gỗ. Sự bề thế của ngôi chùa không thể nào không nhắc đến công lao của Hòa thượng Đức Hội. Chính vì vậy mà sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi Hòa thượng Đức Hội là người khai Sơn ngôi chùa này.

Kiến trúc, bài trí

“Chùa Tiên Châu hiện nay giữ được quy mô năm Kỷ Hợi (1899), gồm bốn nóc: tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Các khu vực vừa kể thường làm theo kiểu tứ trụ, được nới rộng theo chiều ngang dọc nhờ các kèo đấm kèo quyết. Bộ giàn trò bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho. Bên trong chính điện được trang trí đẹp đẽ và rất trang nghiêm. Gian chính giữa trong chính điện là một khánh thờ, bên trong tôn trí một pho tượng Phật Di Đà bằng đất sét khổng lồ”(3).

Bên dưới tượng Di Đà là bộ tượng Tam Thế, tượng Thích Ca tọa thiền, Thích ca sơ sinh. Phía trên tượng Di Đà có bức hoành với dòng chữ Tiên Châu tự. Bên vách trái (nhìn từ ngoài vào) gian chính điện là một dãy bàn thờ của các vị Bồ Tát, thần, Phật. Phía sau gian chính điện chính là gian trung đường và nhà Tổ. Ở gian trung đường, đâu lưng với bàn thờ A Di Đà ở chính điện là tượng của Phật Di Lặc được tạo tác cao to. Đối diện bàn thờ Di Lặc là bàn thờ của Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát. Kế gian trung đường là nhà Tổ - nơi thờ các vị sư tiền bối và các thiện nam tín nữ đã quá vãng. “Đây cũng là nơi tiếp khách nên treo rất nhiều tranh khuyến thiện và những câu đối có ý nghĩa thâm trầm: Mộ cỏ thành chung, cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách / Kinh thanh Phật hiệu, hoán hồi khổ hải mộng mê nhân (tạm dịch Sáng trống chiều chuông, cảnh tỉnh khách say dòng danh lợi / Lời kinh hiệu Phật, đổi thay người mộng mê trong biển khổ)”(4). Phía sau chùa là khu vực các ngôi mộ của các vị sư Tổ - nơi đây cũng có nhiều hoa kiểng, hòn non bộ… 

Chùa có hai cổng ra vào (nhị quan) với hàng rào bằng gạch được trang trí rất đẹp. Cổng bên phải đề tên chùa bằng chữ Quốc ngữ: Chùa Tiên Châu; cổng bên trái đề tên chùa bằng chữ Hán: Tiên Châu tự. Bên trong cổng chùa là một khoảng sân khá rộng có trồng nhiều cây bồ đề to lớn, cùng nhiều cây xanh, hoa kiểng khác. Trong sân chùa còn tôn trí tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Thích ca tọa thiền, Phật Di Lặc… khiến cho ngôi chùa vừa có được sự tôn nghiêm đồng thời vừa tạo được nét đẹp hài hòa trong tổng thể kiến trúc.

Giá trị lịch sử - văn hóa

Chùa Tiên Châu không chỉ là một cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng mà còn là một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc và vùng đất mà ngôi chùa tọa lạc. Chính nơi ngôi chùa tọa lạc này trước kia là một làng chài, phố xá san sát nhau nhưng cảnh vật thì thơ mộng, u nhàn, cho nên mới dược gọi là Bãi Tiên. Cảnh đẹp này cũng được cụ Trịnh Hoài Đức ghi lại trong “Gia Định thành thông chí” như sau: “Ở phía Bắc Trấn thành, chu vi 12 dặm, sắc cây xanh biếc, ánh nước long lanh, hình như ngọc bích vậy… Nơi đây có dân cư của thôn An Thành và thôn Bình Lương. Bên bờ có những nhà chài phơi lưới ở lưng chừng những nhánh cây. Lại có thuyền câu cá hát dưới ánh trăng thu bóng liễu (cây bần), lắt lay bên bồn cát trắng…”(5). 

Về di sản văn hóa, trong chùa hiện còn lưu giữ được nhiều di sản Hán Nôm có giá trị: “Chùa Tiên Châu có 5 hoành phi, 11 cấu đối, 3 bia mộ, 2 cuốn thư bằng gỗ... Đa số hoành phi, câu đối được làm từ thế kỷ XIX. […] Tất cả đều có nội dung nêu lên giáo lý nhà Phật, ca ngợi sự mầu nhiệm của Phật pháp, khuyên người đời lánh dữ làm lành, thực hành hiếu đễ, tu đạo Bồ đề tìm đến bến bờ an vui giải thoát(6).

Với những giá trị lịch sử, văn hóa như vậy, chùa Tiên Châu đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 3211 QĐ/BT ngày 12 tháng 12 năm 1994 công nhận là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.


(1) Nguyễn Đông Triều - Phan Mạnh Hùng (2016), “Tìm trong di sản văn hóa phương Nam”, NXB Văn hóa văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tr.194-195.

(2) Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long (2003), “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000)”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr.246-247.

(3) Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long, Sđd, tr.246.

(4) Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Long, Sđd, tr.247.

(5) Dẫn theo Nguyễn Quảng Tuân - Huỳnh Lứa - Trần Hồng Liên (1994), “Những ngôi chùa ở Nam Bộ”, NXB TP Hồ Chí Minh, tr.185.

(6) Nguyễn Đông Triều - Phan Mạnh Hùng, Sđd, tr.196.

Chia sẻ bài viết