03/01/2015 - 08:07

Chưa đấu đã lộ điểm yếu

Vào ngày đầu năm mới, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đã phải lên tiếng thanh minh trước dư luận xứ sương mù rằng báo chí vương quốc này đã diễn giải sai ý của ông để mọi người hiểu lầm là ông hạ thấp khả năng giành chiến thắng của Công đảng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm nay vì lãnh đạo hiện thời của đảng này là Ed Miliband "quá thiên tả". Cựu lãnh đạo Công đảng khẳng định: "Tôi hoàn toàn ủng hộ Ed và đảng của tôi, đồng thời hy vọng chiến thắng sẽ thuộc về Công đảng trong cuộc bầu cử tới".

Số là trước đó, trong bài phỏng vấn đăng tải ngày 30-12-2014, báo The Economist dẫn lời ông Blair viết rằng kết quả có lẽ đã được định đoạt trong cuộc bầu cử mà ở đó "một đảng cánh tả truyền thống đấu với một đảng cánh hữu truyền thống với kết quả (cũng mang tính) truyền thống". Và khi được phóng viên hỏi liệu có phải đảng Bảo thủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Blair đáp: "Vâng, đó là những gì đang diễn ra". Tờ báo ấy còn viết rằng cựu Thủ tướng cũng nói ông không thấy có bằng chứng nào về sự thay đổi trong suy nghĩ của dân chúng Anh sau cuộc khủng hoảng tài chính - điều mà Ed Miliband tin là đang chuyển biến. "Tôi rất muốn Công đảng và Ed không thể hiện theo cách đó. Tôi nghĩ Công đảng sẽ thành công hơn nếu theo hướng trung dung"- Ông Blair nói.

Giới phân tích nhận định sự suy diễn của báo chí sau những câu nói của ông Blair có thể làm tổn hại hình ảnh của Miliband khi ông đang chuẩn bị phát động chiến dịch tranh cử kéo dài bắt đầu từ tuần này. Đây không phải là lần đầu tiên ông Blair bị báo chí Anh "diễn giải sai" những câu nói của mình. Hồi tháng 10 năm rồi, tờ Daily Telegraph từng đăng tin ông nói với các bạn của mình rằng Công đảng chưa sẵn sàng để đánh bại đảng Bảo thủ, rằng đương kim Thủ tướng David Cameron sẽ tiếp tục tại vị bởi vì Công đảng vẫn chưa thuyết phục được nước Anh rằng họ đủ sức để nắm quyền. Ngay lập tức văn phòng của ông Blair lên tiếng khẳng định cựu thủ tướng vẫn tin tưởng Ed Miliband sẽ thắng cử.

Ai cũng biết ông Blair là nhà lãnh đạo Công đảng từng giữ cương vị Thủ tướng tới 3 nhiệm kỳ liền từ những năm cuối của thập niên 1990 đến gần hết thập niên 2000. Dưới thời lãnh đạo của mình, ông đã chuyển một đảng cánh tả truyền thống thành "Công đảng mới", trung lập hơn, giành sự ưu ái nhiều hơn cho tầng lớp trung lưu, không quá đề cao hoặc dồn hết nguồn lực cho các dịch vụ công mà phớt lờ vai trò quan trọng của khu vực tư nhân. Blair đã vạch ra cái gọi là "Con đường thứ ba" trung gian giữa chủ nghĩa xã hội kiểu cũ và chủ nghĩa tư bản tự do, bởi ông hiểu được rằng những thay đổi trong xã hội, như sự đi xuống của giai cấp công nhân, toàn cầu hóa và sự phát triển của một nền kinh tế tri thức, đã khiến cho nền dân chủ xã hội kiểu cũ không còn thích hợp nữa. Ông nhận thấy xã hội Anh hiện thời vẫn đề cao "các giá trị mạnh mẽ, các giải pháp thực tế và phi ý thức hệ".

Theo báo The Guardian, Công đảng vẫn đang dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận với đa số nhận định đây sẽ là đảng lớn nhất sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của Công đảng lo ngại uy tín cá nhân không cao của ông Miliband và thực tế là ông xếp sau Cameron về mức tín nhiệm khả năng điều hành nền kinh tế đất nước. David Lammy, ứng viên của Công đảng tranh chức thị trưởng Luân Đôn, cho rằng Công đảng cần lắng nghe những cảnh báo của Tony Blair. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban vận động tranh cử của Công đảng Lucy Powell nói bà tôn trọng ông Blair, nhưng những giải pháp của ông trong thập niên 1990 chỉ đúng trong thời kỳ đó. "Ông ấy có kinh nghiệm từ thời đại của ông ấy, nhưng đó không phải là thời đại mà chúng ta đang sống"- bà Powell nói.

Xem ra, cuộc bầu cử chưa tới mà Công đảng đã để lộ điểm yếu về những lấn cấn nội bộ xung quanh đường lối tranh cử của mình.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết