23/09/2016 - 07:26

Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Các khảo sát cho thấy, ĐBSCL trong đó có TP Cần Thơ là 1 trong 3 vùng có khả năng bị ngập lụt nặng nề nhất trên thế giới. Các biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH), như: hạn hán, xâm nhập mặn, giông lốc, nhiệt độ không khí tăng cao cùng với hiện tượng đất lún, sạt lở bờ sông đang từng lúc ảnh hưởng, làm suy giảm sức khỏe, tài sản, thu nhập của cộng đồng. Về lâu dài, BĐKH sẽ khiến các cư dân vùng nông thôn di cư vào thành phố tìm việc làm, gây nhiều khó khăn về cung cấp các dịch vụ điện, nước, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự xã hội cho đô thị. Nhận thức các vấn đề trên, TP Cần Thơ đã và đang chủ động tích cực tham gia các chương trình, dự án thích ứng BĐKH và bước đầu mang lại kết quả khả quan.

*Mô hình chống chịu hiệu quả

Chương trình mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với BĐKH (gọi tắt là ACCCRN), vốn triển khai khoảng 59 triệu USD do Quỹ Rockefeller khởi xướng và tài trợ. Chương trình được thực hiện tại 10 thành phố thuộc 4 nước châu Á, gồm: Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, 3 thành phố được lựa chọn tham gia chương trình là Cần Thơ, Quy Nhơn và Đà Nẵng. Mục đích của chương trình nhằm chia sẻ và nhân rộng kinh nghiệm thích ứng với BĐKH tại khu vực đô thị Việt Nam dựa trên những bài học thực tiễn tại các thành phố trong chương trình. Tổng cộng 13 dự án can thiệp đã được thực hiện tại 3 thành phố: dự án tài nguyên nước, dự án nhà chống bão, dự án tích hợp giáo dục, dự án mô hình thủy lực thủy văn tại Đà Nẵng; dự án rừng ngập mặn, dự án mô hình thủy lực thủy văn và dự án cảnh báo lũ sớm tại Quy Nhơn; dự án sốt xuất huyết, dự án nhiễm mặn, dự án quản lý ngập đô thị tại Cần Thơ. Từ năm 2008, TP Cần Thơ đã tích cực tham gia chương trình ACCCRN, một số mô hình được triển khai và mang lại hiệu quả cho cộng đồng.

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra tình hình xâm nhập mặn tại quận Cái Răng ngay sau khi nhận được tín hiệu mặn tại trạm quan trắc số 1.

Điển hình là mô hình đồng quản lý phòng chống sạt lở bờ sông ở rạch Cái Sơn, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Ông Huỳnh Ngọc Huy, Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), cho biết: Dự án đã thực hiện một cách tiếp cận mới, trong đó chính quyền cấp quận và lãnh đạo cấp phường cùng người dân địa phương phối hợp thử nghiệm phương pháp gia cố bờ sông với chi phí thấp nhất. Để đạt được sự nhất trí chung giữa cộng đồng và chính quyền, dự án đã tổ chức một loạt các diễn đàn đối thoại, học hỏi, chia sẻ thông qua các buổi họp giữa cộng đồng địa phương và các tổ chức, cơ quan hữu quan ở cấp cộng đồng. Bờ kè sinh học phòng chống sạt lở bờ sông được xây dựng chỉ trong 2 tháng và hoàn thành vào tháng 9-2014. Tổng chiều dài của bờ kè được xây dựng hơn 3km chạy dọc 2 bên bờ sống, gấp đôi dự kiến ban đầu. Trong đó, giảm thiểu sạt lở bằng kè cừ tràm, trồng các cây có tác dụng giữ bờ như: bần, triết… thả bèo lục bình chắn sóng. Cộng đồng dân cư sống dọc 2 bên bờ sông Cái Sơn đã xây dựng các hương ước chung về quản lý bờ sông và được phường An Bình thông qua, thông điệp chính "Bờ sông của tôi, trách nhiệm của tôi". Sau 2 mùa mưa lũ 2014 và 2015, bờ sông đã ổn định và không bị sạt lở thêm. Dự án bờ kè sinh học mang lại lợi ích kinh tế cho người dân sống dọc 2 bên bờ sông khi người dân có thể giảm các chi phí hằng năm trong gia cố bờ kè và giảm thiệt hại do sạt lở gây ra. Người dân sống ở đây rất hài lòng với kết quả của dự án trong bảo vệ tài sản và đường sá đi lại cho cộng đồng.

Vấn đề xâm nhập mặn do nước biển dâng và BĐKH gây ra đang trở thành một hiểm họa ngày càng tăng lên. Nhận thức được vấn đề này, năm 2012, TP Cần Thơ đã cam kết thực hiện một dự án nhằm xây dựng hệ thống quan trắc độ mặn có khả năng cung cấp dữ liệu đo độ mặn thời gian thực đến người dân. Năm 2013, cả 8 trạm quan trắc độ mặn được lắp đặt xung quanh khu vực ngoại vi thành phố trên các con sông và kênh rạch chính. Mỗi trạm đều được trang bị hệ thống truyền tín hiệu không dây để truyền dữ liệu đo lường đến trạm trung tâm 30 phút/lần. Dữ liệu từ trạm trung tâm sau đó được tự động kết nối đến một hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến để tạo ra bản đồ độ mặn thời gian thực mà người dân có thể tiếp cận qua 1 trang web mở tại địa chỉ nhiemmanct.vn. Ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Từ năm 2014, hệ thống bắt đầu hoạt động. Đến đầu năm 2016, khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn. Ngày 10-3-2016, trạm quan trắc số 1 tại quận Cái Răng đã phát hiện mức độ mặn gần 2‰ và gửi tin nhắn cảnh báo đến người đã đăng ký nhận tin nhắn cảnh báo. Nhờ đó, thành phố triển khai các giải pháp ứng phó đến các địa phương và nhân dân. Xu hướng gia tăng độ mặn rất khó dự đoán và hệ thống giám sát cho thấy giá trị trong việc cải thiện hiểu biết về mức độ ảnh hưởng với hiểm họa mới này, nhằm hỗ trợ quá trình lập kế hoạch, ra quyết định của cán bộ quản lý, người dân và cả các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

*Tiến trình mới

Từ giữa năm 2016, TP Cần Thơ chính thức được công nhận là thành viên của Chương trình 100 thành phố chống chịu (gọi tắt là 100RC) do quỹ Rockefeller sáng lập. Tham gia chương trình 100RC, TP Cần Thơ đang bắt đầu một tiến trình mới, xây dựng khả năng chống chịu với các nguy cơ đe dọa sự phát triển trong tương lai. Rất nhiều hoạt động công trình và phi công trình cần được tiến hành đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả. Qua chương trình này, sẽ tạo ra một mạng lưới gồm 100 thành phố trên toàn cầu với mục đích giúp các thành phố có khả năng chống chịu với những thử thách về kinh tế, tự nhiên và xã hội đang phát triển. Thông qua đó, 100RC không chỉ giúp cho từng thành phố riêng lẻ có khả năng chống chịu hơn mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo trong thực tiễn đối với việc xây dựng khả năng chống chịu.

Theo bà Lê Đình Văn Khanh, Văn phòng UBND TP Cần Thơ, trong những tháng tới đây, với tư cách là một thành viên của Mạng lưới 100RC, TP Cần Thơ sẽ nhận được khoản tài trợ để trả lương cho vị trí Giám đốc phụ trách khả năng chống chịu của thành phố. Đây là người sẽ dẫn dắt quá trình xây dựng chiến lược chống chịu trên toàn thành phố và phối hợp các bên liên quan từ các cơ quan nhà nước, khu vực công và tư nhân và các cộng động khác nhau để tập hợp thành kiến thức, quan điểm đa dạng. TP Cần Thơ cũng sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật để phát triển một chiến lược chống chịu phản ánh nhu cầu riêng biệt của thành phố, các hỗ trợ và dịch vụ cần thiết khi thực hiện chiến lược đó. Có 3 lĩnh vực thành phố mong muốn ưu tiên hỗ trợ cho tiến trình này, gồm: quản trị nguồn nước; sinh kế bền vững cho các đối tượng bị tổn thương và vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hoạt động của 100RC là hoàn toàn linh hoạt, việc lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên là quá trình đánh giá, thảo luận và tham vấn với các bên liên quan. Do đó, có thể tiếp tục đưa ra bàn thảo, đánh giá và chọn lựa kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng chiến lược chống chịu cho thành phố trong thời gian tới…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết