14/06/2011 - 21:48

Xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Năm 2010, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền có 17 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có những trường hợp nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, từ đầu năm 2011, cùng với triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao ý thức, thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh SXH. Những nỗ lực đó đã đem lại kết quả đáng phấn khởi: trong 5 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn xã chưa có ca mắc bệnh SXH.

Các cán bộ y tế xã Mỹ Khánh hướng dẫn thực hành nấu ăn dinh dưỡng, vừa kết hợp tuyên truyền về sốt xuất huyết cho người dân ấp Mỹ Long. 

Chị Nguyễn Kim Tuyến, Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Khánh, cho biết: “Ngay từ đầu năm, các cán bộ của trạm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cộng đồng về các biện pháp phòng, chống SXH. Đi đôi với phát động nhân dân thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng..., xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã; cấp phát tài liệu, tờ bướm, tờ rơi hoặc tuyên truyền miệng tại những cuộc họp đoàn thể ở các ấp. Cán bộ trạm cũng thường xuyên giám sát những ổ dịch cũ, kiểm tra vệ sinh môi trường, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, cộng tác viên SXH để họ tuyên truyền đến từng hộ dân, vận động mọi người thực hiện phòng, chống SXH bằng những việc làm cụ thể”. Vào các ngày 10, 20, 30 hàng tháng, các cán bộ trạm y tế kết hợp với UBND xã vận động người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp, diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh tại nhiều tuyến lộ, trường học, cơ quan, nhà dân... nhằm góp phần khống chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng vừa tạo cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp”.

Chính nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, nên ý thức về phòng, chống SXH của người dân địa phương ngày càng được nâng lên. Theo các cán bộ y tế xã, thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã quan tâm hơn đến việc giữ vệ sinh môi trường, diệt muỗi, chủ động đổ bỏ những lu khạp, vật chứa nước có lăng quăng. Chị Trần Ngọc Điệp, ngụ ở ấp Mỹ Long, cho biết: “Trước đây, do thiếu hiểu biết, tôi thường hay treo móc quần áo ngoài vách nhà làm muỗi trú đậu nhiều. Được cán bộ y tế xã tuyên truyền, giờ tôi đã biết SXH là một trong những bệnh nguy hiểm, do muỗi vằn gây ra. Vì vậy, để phòng bệnh, tôi thường dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm. Sau khi phơi quần áo khô, tôi xếp lại, cất vào tủ ngăn nắp. Tôi luôn cho con, cháu của mình ngủ mùng để tránh bị muỗi chích. Hằng ngày, tôi cũng thường đậy kín các bồn chứa nước, chẻ nhỏ gáo dừa, không để muỗi có nơi sinh sản. Còn chị Võ Thị Bình, ngụ ở tổ 54B, ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, kể: “Năm trước, con gái tôi 11 tuổi bị SXH nặng độ IV phải nhập viện cấp cứu đã khiến gia đình phải một phen hoảng hồn. Cũng may là cháu vượt qua được cơn nguy kịch. Từ lúc đó đến nay, gia đình tôi không dám lơ là với bệnh SXH nữa. Hằng ngày, tôi luôn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, xịt thuốc, đốt nhang trừ muỗi, nhắc cháu phải ngủ mùng. Hồi trước, tôi hay dùng lu chứa nước mưa để uống thì giờ cũng đổ bỏ không cho muỗi có nơi trú đậu”.

Mùa mưa đến, muỗi lại càng có điều kiện sinh sôi, phát triển nhanh và truyền bệnh SXH. Để phòng bệnh, đa số các hộ dân trong xã đều tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, diệt lăng quăng, muỗi. Theo chị Nguyễn Kim Tuyến, Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Khánh, tại xã cho đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh nhưng không vì thế mà mọi người có thể chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống SXH. Thời gian tới, Trạm Y tế xã sẽ tiếp tục phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát các ổ dịch cũ, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân tham gia diệt muỗi, diệt lăng quăng... kịp thời phát hiện những điểm có nguy cơ xảy ra dịch bệnh SXH để xử lý, ngăn ngừa.

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết