21/10/2009 - 07:44

Khai mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII

Chủ động nắm bắt, tận dụng các thời cơ, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội

Như tin đã đưa, sáng 20-10, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kỳ họp thứ sáu, QH khóa XII diễn ra vào thời điểm sắp kết thúc năm 2009, khi tình hình thế giới có nhiều diễn biến sôi động. Khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới vẫn tiếp diễn, cùng với những biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nhiều quốc gia. Những bất lợi đó đã tác động tiêu cực đến nước ta. Trong bối cảnh đó, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ; sự giám sát tích cực và có hiệu quả của QH; sự phấn đấu nỗ lực và sáng tạo của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn dân, nước ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững không chỉ trước mắt mà cả những năm tiếp sau. Vì vậy, trong thời gian tới, cả nước phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chủ động nắm bắt, tận dụng tốt các thời cơ thuận lợi, khắc phục những khó khăn, yếu kém, tiếp tục các giải pháp thích hợp để phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm 2009, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, tạo tiền đề cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp sau.

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày nêu bật một số vấn đề quan trọng nổi lên qua việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2009. Thủ tướng nêu rõ: Năm 2009 là năm có rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng nhờ sự đồng tâm hiệp lực, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế đã thoát khỏi suy giảm và đạt tốc độ tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ năm 2010. Xuất khẩu gạo cả năm đạt khoảng 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 708,5 nghìn tỉ đồng, bằng 42,2% GDP, tăng 16% so với năm 2008. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) dự kiến cả năm tăng khoảng 5,2% đạt chỉ tiêu QH đề ra. Tổng số chi cho an sinh xã hội tăng 62% so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đến cuối năm còn khoảng 11%... Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 là thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, cơ cấu kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc; kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế kinh tế thị trường chưa có bước cải thiện đáng kể. Do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn...

Chính phủ đưa ra mục tiêu tổng quát trong kế hoạch KT-XH năm 2010 là: Tập trung mọi nỗ lực phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng cường sự ổn định của kinh tế vĩ mô và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện một bước đời sống nhân dân; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Để thực hiện mục tiêu đó, các nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra là: Khai thác mọi tiềm năng, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung sức phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển các lĩnh vực xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; tạo một bước tiến mới trong việc cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm 2009 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2010 đặt ra là rất nặng nề; khó khăn thách thức ở phía trước là rất lớn. Thủ tướng đề nghị: Phải làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng, công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, trong toàn xã hội, cùng nhau chung sức chung lòng hành động, tất cả vì lợi ích và sự phát triển của đất nước.

Tiếp đó, QH đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri, cho biết đã nhận được 1.687 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, bày tỏ quan tâm tới tình hình thực hiện các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ; vấn đề lao động, việc làm và đời sống nhân dân; vấn đề ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý đô thị và an toàn giao thông; phòng chống tham nhũng.

Cuối buổi sáng, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình KT-XH năm 2009 và nhiệm vụ năm 2010.

m Chiều 20-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2010.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhất trí với đánh giá của Chính phủ trong báo cáo công tác thực hiện thu, chi NSNN và cho rằng, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt trên 5%, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42,6% GDP, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%, tổng thu NSNN bằng 100,2% dự toán; chi NSNN tăng 8,5 %.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, chính sách tài chính - tiền tệ năm 2009 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: chưa tận dụng được cơ hội và tạo đòn bẩy để bước đầu chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tích cực. Gói kích thích kinh tế của Chính phủ còn mang tính bình quân và dàn đều, chưa xác định rõ trật tự ưu tiên, triển khai nhiều mục tiêu nhưng giải ngân còn chậm. Tình trạng khó tiếp cận với chính sách của một số đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phần nào làm giảm hiệu quả của chính sách tài chính năm 2009. Một thực tế là lượng vốn lớn được đưa vào nền kinh tế nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, làm cho hệ số ICOR tăng lên; chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cùng được nới lỏng sẽ làm tăng nguy cơ tiềm ẩn của lạm phát trong giai đoạn tới.

Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc xử lý khoản chi bù lỗ dầu còn lại của năm 2008, nhằm giải quyết dứt điểm các khoản nợ về bù lỗ dầu trước khi thực hiện cơ chế thị trường đối với giá xăng dầu; nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung kinh phí (1.300 tỉ đồng) để tăng nguồn thực hiện chương trình tín dụng của Nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tôn nền xây dựng nhà vùng ngập lũ. Ủy ban đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc xử lý bù hụt thu 10.000 tỉ đồng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương do thực hiện các chính sách chống suy giảm kinh tế trong năm 2009 theo tinh thần Nghị quyết số 32/2009/QH12 của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính ngân sách cơ bản thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2010; đồng thời nhấn mạnh một số nguyên tắc: phân bổ ngân sách năm 2010 cần theo đúng quy định của Luật NSNN, Nghị quyết Quốc hội, tuân thủ định mức phân bổ và các quy định trong thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước 2007-2010; bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, có tính đến yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện chính sách kích thích “hậu suy thoái kinh tế”, giảm dần bội chi ngân sách nhà nước và đề phòng lạm phát; trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, nhu cầu chi bảo đảm an sinh xã hội và chi đầu tư phát triển rất lớn.

Quốc hội cũng đã nghe tờ trình về Dự thảo Luật thuế tài nguyên và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về dự thảo Luật thuế tài nguyên.

Dự thảo Luật thuế tài nguyên trình trước Quốc hội gồm 4 chương, 12 điều, quy định về đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên.

Theo Ủy ban Tài chính, ngân sách, nhiều nội dung đã được Cơ quan soạn thảo làm rõ và quy định chi tiết hơn so với Pháp lệnh Thuế tài nguyên hiện hành như về căn cứ tính thuế, giá tính thuế, các trường hợp miễn, giảm thuế... Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra, Dự thảo luật vẫn còn một số điểm bất cập, cần tiếp tục hoàn chỉnh, như mở rộng quy mô sửa đổi, bổ sung để thực sự đáp ứng yêu cầu nâng pháp lệnh thành luật. Các quy định hiện hành trong Pháp lệnh phải được sửa đổi căn bản trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn; pháp điển hóa đầy đủ các quy định liên quan; điều chỉnh theo hướng bao quát hơn về phạm vi, đối tượng; làm rõ quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010. Việc sớm ban hành và đưa vào thực thi Luật thuế tài nguyên sẽ góp phần quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên, tăng nguồn thu cho NSNN.

Dự luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào sáng 21-10.

THANH HÒA-QUỲNH HOA-XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết