20/12/2023 - 10:27

Chủ động hỗ trợ nông dân đưa nông sản ra “biển lớn” 

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Thới Lai chủ động hỗ trợ nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản; tập trung xây dựng mô hình sản xuất sạch, an toàn, quy trình VietGAP và GLOBALGAP; đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm OCOP, cấp mã vùng trồng… với mục tiêu đưa nông sản vươn ra “biển lớn”. Nhờ vậy, nhiều loại nông sản cung cấp ra được thị trường, trong đó một số loại xuất khẩu.

Mấy năm nay, trái sầu riêng của xã Trường Thành đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong ảnh: Anh Đỗ Văn Lăng, nông dân ấp Trường Thạnh (bên phải) trồng sầu riêng xuất khẩu.

Ngày 7-12 vừa qua, HND xã Tân Thạnh phối hợp một đối tác ở Trung Quốc tổ chức phỏng vấn online các hội viên nông dân trong xã, giúp đối tác nắm quy trình, kỹ thuật sản xuất để tổ chức thu mua nông sản trong thời gian tới. Theo ông Huỳnh Ngọc Toàn, Chủ tịch HND xã, những năm qua, HND xã tích cực phối hợp các cấp, các ngành tìm kiếm thị trường cho nông sản. Riêng thanh nhãn của xã đã có thời gian xuất khẩu qua Mỹ, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã bị ngưng xuất khẩu đến nay.  HND xã đang nỗ lực phối hợp để tìm đối tác xuất khẩu 12ha sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Nhằm hỗ trợ nông dân cung cấp các mặt hàng nông sản sạch, chất lượng ra thị trường trong nước cũng như vươn ra “biển lớn”, HND xã đã phối hợp tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân xã tổ chức sản xuất quy trình GLOBALGAP đối với 25ha thanh nhãn; hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP 12ha sầu riêng, 7ha mận An Phước và 9ha rau an toàn. HND xã phối hợp hỗ trợ, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân thành lập 3 hợp tác xã (HTX), 7 tổ hợp tác, 2 chi hội nông dân nghề nghiệp. Các HTX, tổ hợp tác và chi hội nông dân nghề nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Trần Công Danh, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp ấp Thới Phước 1, chia sẻ: “Với sự hỗ trợ nhiệt tình của HND xã và huyện, Chi hội chúng tôi sản xuất 45ha lúa giống thân thiện với môi trường và sản xuất 5ha rau màu theo hướng VietGAP. Lúa giống được Viện Lúa ÐBSCL ký hợp đồng thu mua cao hơn thị trường 700 đồng/kg. Các sản phẩm rau màu cung cấp được các siêu thị thành phố đón nhận tích cực, giá cả ổn định”.

Bên cạnh đó, HND xã phối hợp  các cấp, các cơ quan chức năng đề nghị cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao cho trái cây thanh nhãn của HTX Thuận Phát. “Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị cấp giấy chứng nhận OCOP bánh tráng, sầu riêng trên địa bàn, với mong muốn ngày càng nhiều mặt hàng nông sản xã cung cấp ra được thị trường đón nhận tích cực, hướng đến vươn ra “biển lớn” - ông Huỳnh Ngọc Toàn, Chủ tịch HND xã chia sẻ.

Những năm qua, nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, HND huyện Thới Lai chú trọng phối hợp triển khai nhiều giải pháp phát triển các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) theo hướng củng cố số lượng, nâng cao chất lượng, với mục tiêu đưa nông sản ra thị trường khó tính. Bên cạnh đó, HND huyện phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình kinh tế tập thể, thực hiện quy trình sản xuất VietGAP và GLOBALGAP mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Theo ông Lương Duy Khanh, Chủ tịch HND huyện, huyện Thới Lai đã có 19 sản phẩm OCOP, gồm: Gạo Ðại thành Ðại phát của HTX Ðại thành Ðại phát, xã Trường Xuân A; Nhãn Ido Ðịnh Môn của HTX nông nghiệp Ðông Tâm, xã Ðịnh Môn; Thanh nhãn Tín Huy của HTX Thuận Phát, xã Tân Thạnh; Nhãn Ido Xuân Thắng của HTX nông nghiệp Hòa Thành Thắng, xã Xuân Thắng; Sầu riêng Trường Thành của HTX Tân Trung Thành, xã Trường Thành; Na Trường Thắng của HTX Thịnh Thắng, xã Trường Thắng; Mắm Bà Ðầm (cá lóc, cá linh, cá sặc, cá chốt), xã Trường Xuân… Ðến nay, các cấp HND trong huyện đã thành lập được 5 chi hội nông dân nghề nghiệp, 153 tổ hội nghề nghiệp, 55 tổ hợp tác, 22 HTX, xây dựng 36 mô hình kinh tế tập thể và 54 dự án sản xuất có hiệu quả.

HND huyện đã hỗ trợ nông dân các xã Trường Thành trồng sầu riêng, xã Ðịnh Môn trồng nhãn Ido, xã Xuân Thắng trồng bưởi da xanh, xã Thới Tân trồng ổi ruột hồng, xã Trường Thắng trồng na thái theo quy trình sản xuất VietGAP; hỗ trợ nông dân xã Tân Thạnh trồng thanh nhãn theo quy trình sản xuất GLOBALGAP. “Các sản phẩm OCOP, sản xuất tiêu chuẩn sạch, quy trình VietGAP và GLOBALGAP đưa ra được thị trường chào đón tích cực; trong đó, trái sầu riêng xã Trường Thành đã xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm khoảng 500-600 tấn, với mức giá cao hơn thị trường trong nước” - ông Lương Duy Khanh thông tin.

Thời gian tới, HND huyện Thới Lai tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP và GLOBALGAP; đẩy mạnh hợp tác sản xuất; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm OCOP; đăng ký cấp mã vùng trồng; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại… từng bước đưa các sản phẩm nông sản vươn ra “biển lớn”, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nền nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết