05/10/2010 - 10:47

PHIÊN HỌP THỨ 35 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Cho ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

* Quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ để khai thác, sử dụng lâu dài

Sáng 4-10, cho ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật, cho rằng cần ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước có hiệu quả, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển lành mạnh, bền vững. Tuy nhiên, vấn đề hợp tác xã có được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần hay không, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đa số các ý kiến thống nhất với quan điểm: Bản chất của HTX là phục vụ xã viên trên nền tảng hợp tác. Chủ nhiệm UB Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định: Xây dựng Luật này rất khó vì nước ta có rất nhiều loại hình HTX. Để xây dựng được một Luật chung mà bao quát được, thể hiện được đường lối quan điểm của Đảng và những điều cốt tử với mọi loại hình, cần thảo luận kỹ lưỡng kể cả những vấn đề có tính chất định hướng, quan điểm. Đặt câu hỏi: tại sao những năm qua, ta đã tạo nhiều điều kiện nhưng HTX phát triển chưa mạnh và chưa tương xứng, ông Hiển cho rằng Luật mới cần là rõ 3 yếu tố: Việc sở hữu đồng vốn và hình thức góp vốn, cách tổ chức sản xuất và quản lý, cách phân phối. 3 yếu tố này chưa khắc phục được thì HTX chưa thể phát triển. Phân tích của ông Hiển chỉ ra rằng: Nên có hình thức góp vốn đa dạng để phù hợp với từng loại hình, có thể bằng tiền, bằng công cụ sản xuất hay đất đai và cần có sự khống chế về tỷ lệ nhất định, để tránh các HTX trở thành công ty cổ phần, những anh vốn lớn có quyền quyết định, khống chế. Xã viên phải là người trực tiếp kinh doanh, trực tiếp lao động trong HTX. Việc phân phối, có thể phân phối theo vốn góp, tài sản góp và công sức lao động, có cơ chế phân chia theo lợi nhuận. Bởi vậy, Luật không nên quy định quá cụ thể, chi tiết, dẫn đến bó hoạt động của HTX.

Về nội dung HTX có được thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần hay không vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn băn khoăn: Trong quan hệ sở hữu, thành viên HTX vừa là chủ sở hữu, vừa là khách hàng. Các điều 5, 8, 9, 10 của dự thảo Luật luôn khẳng định quyền độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX. Đi vào cụ thể, nếu chúng ta không công nhận HTX như một loại hình doanh nghiệp thì có thể cắt đi quyền thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần nhưng khi đã công nhận HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp thì việc cắt bỏ các quyền này là làm mất quyền tự chủ của HTX. Do vậy, cần phải xem xét tính toán kỹ nội dung này. Ông Nguyễn Văn Thuận và bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Nếu quy định HTX là đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân thì phải được quyền mua cổ phần, góp vốn với các đơn vị khác để đem lại quyền lợi cho xã viên, không thể vì mang danh HTX mà lại bó hẹp nó, khiến nó không thể phát triển được. Đã là kinh tế thị trường thì tất cả những người có tiền đều được góp vốn. “Sao lại khó khăn với họ thế, hay chúng ta không muốn mô hình này tồn tại” - ông Thuận hỏi.

Ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất với ý kiến của Chính phủ, cho rằng nếu cho phép HTX thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác có thể làm HTX dần xa rời bản chất và mục đích hoạt động là để phục vụ các thành viên trên cơ sở tài sản chung không chia; đồng thời tăng thêm rủi ro cho hoạt động của HTX. Không nên cho phép HTX thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác để khuyến khích phát triển HTX mang bản chất đích thực, phát triển lành mạnh hơn, vững chắc hơn, tránh được các rủi ro.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Khi Quốc hội đặt cho HTX địa vị pháp lý là tổ chức kinh tế tập thể hoạt động như doanh nghiệp nhưng không có nghĩa như doanh nghiệp hoàn toàn. HTX có những mô hình và phương thức hoạt động khác nhau, tùy theo từng lĩnh vực cụ thể. Cần tiếp tục nghiên cứu, suy nghĩ sâu hơn nữa. Có thể thiết kế một quy định nguyên tắc chung cho mọi loại hình HTX và những quy định cho từng loại hình đặc thù. Nếu áp dụng tất cả các chính sách để hỗ trợ HTX phát triển thì không đủ lực, do đó, phải hình dung được những nhóm chính sách hỗ trợ của Nhà nước để gắn với từng loại hình HTX ở từng vùng miền cho phù hợp, lĩnh vực nào hỗ trợ vốn, lĩnh vực nào hỗ trợ cơ chế, đào tạo đội ngũ quản lý...

* Tiếp tục chương trình Phiên họp 35 , chiều 4-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Lưu trữ.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn, Dự án Luật Lưu trữ gồm 6 chương, 44 điều, được xây dựng nhằm tăng cường quản lý các hoạt động về thu thập, bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong hoạt động lưu trữ phù hợp với yêu cầu cải cách nền hành chính, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn bảo đảm quản lý tốt, có hiệu quả hoạt động lưu trữ. Đặc biệt là trên các lĩnh vực như: Quản lý thống nhất tài liệu lưu trữ; thời hạn được phép tiếp cận tài liệu thuộc Danh mục hạn chế sử dụng; việc xã hội hóa hoạt động lưu trữ; bảo quản an toàn tài liệu Phông lưu trữ Nhà nước...

Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Lưu trữ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ; tiếp tục khẳng định tài liệu lưu trữ là tài sản quý báu của quốc gia, phải được quản lý thống nhất để khai thác, sử dụng lâu dài và phát huy giá trị trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, tài liệu lưu trữ còn rất phân tán, cần có giải pháp để quản lý tập trung thống nhất. Đây là vấn đề quan trọng, chi phối toàn bộ nội dung của Pháp lệnh hiện hành và dự thảo Luật Lưu trữ. Đồng thời, để thống nhất quản lý nhà nước về lưu trữ thì phải có các quy định thống nhất về nghiệp vụ lưu trữ.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ, không tổ chức lưu trữ lịch sử ở cấp huyện để tập trung nguồn lực cho việc hiện đại hóa, phát triển sự nghiệp lịch sử. Việc tổ chức lưu trữ lịch sử tại Trung ương và cấp tỉnh là hoàn toàn phù hợp với thực tế quản lý lưu trữ quốc gia đồng thời cũng nhằm đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính. Thường trực Ủy ban cũng đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về thực trạng tổ chức lưu trữ lịch sử cấp huyện để có hướng xử lý đối với lưu trữ lịch sử cấp huyện ở những nơi đã được thành lập...

CHU THANH VÂN-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết