06/07/2009 - 20:29

Cho nhau ánh sáng niềm tin…

Được sự tiếp sức của Hội Người mù quận Ninh Kiều, vợ chồng Nguyễn Minh Khôi và Thái Thị Nga đã có công việc ổn định tại cơ sở massage Nhật Tân (ở quận Ninh Kiều).

Hội Người mù quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, vừa tổ chức Đại hội kết thúc nhiệm kỳ I (2004-2009). 5 năm với biết bao thăng trầm nhưng Hội vẫn thực hiện được mục tiêu lớn nhất của mình: chăm lo thiết thực cho đời sống hội viên. Thời gian qua, Hội đã thật sự là mái nhà chung của người đồng tật trên địa bàn, giúp họ có thêm ý chí và nghị lực vươn lên sống một cuộc sống tốt đẹp, nhiều ý nghĩa hơn, với phương châm “tàn nhưng không phế”.

* Giúp hội viên vượt khó, vươn lên

Chị Đinh Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Người mù quận Ninh Kiều, cho biết: Quận hiện có 150 người mù hoặc kém mắt, phần lớn do chiến tranh, tai nạn, bệnh bẩm sinh, nhiễm chất độc da cam, cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn. Mất đi giác quan nhưng họ luôn khát vọng có một mái ấm gia đình và tham gia lao động sản xuất, không để mình thành gánh nặng cho xã hội. Từ mong muốn của hội viên, Hội đã tạo điều kiện để người mù trên địa bàn phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa những người đồng cảnh ngộ, động viên nhau vượt khó. Cùng với sự giúp đỡ của các ban ngành, người mù trên địa bàn quận đã được hưởng những quyền lợi thiết thực trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, chế độ trợ cấp... Quận hội phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương khảo sát, nắm bắt số liệu và tình hình kinh tế đời sống của người mù. Quận hội đã thành lập 7/13 chi hội ở các phường có đông người mù, tổng số hội viên hiện nay là 106 người.

Hoạt động nổi bật nhất của Hội Người mù quận Ninh Kiều trong 5 năm qua là chăm lo đời sống hội viên. Hiện có 19 hội viên được cấp sổ hộ nghèo, 33 hội viên được hưởng trợ cấp thường xuyên với số tiền từ 120.000 – 240.000 đồng/tháng. Nhiệm kỳ qua, có 1 hội viên được tặng nhà tình nghĩa, 5 hội viên được tặng nhà tình thương, 3 hội viên được sửa chữa nhà, với tổng trị giá 105 triệu đồng. Hội còn kết hợp với các cơ quan báo, đài vận động giúp đỡ 1 hội viên khó khăn mắc bệnh u não điều trị tại TP Hồ Chí Minh với số tiền 60 triệu đồng, xin 120 thẻ đi xe buýt miễn phí, cấp phát 100 gậy định hướng, tạo điều kiện giúp hội viên giảm bớt khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, học tập và lao động. Quận hội cũng đã hỗ trợ tiền, gạo và nhu yếu phẩm cho 752 lượt hội viên nghèo, khó khăn khi ốm đau, mùa mưa lũ, dịp Tết...

Anh Lê Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Ninh Kiều, cho biết: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hội viên là vấn đề nan giải nhất. Quận hội đã xây dựng 4 dự án vay vốn buôn bán vừa và nhỏ, giúp 42 lượt hội viên phát triển kinh tế gia đình với tổng số vốn xoay vòng 142 triệu đồng, tạo việc làm mới cho 50 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 6% so với đầu nhiệm kỳ, không có hội viên tái nghèo. Theo anh Hiệp, điều đáng mừng là ý thức tự giác, nỗ lực vươn lên của người mù đã được nâng lên một cách rõ rệt qua việc tích cực rèn luyện phục hồi chức năng trong học tập và lao động sản xuất, xuất hiện những điển hình vượt khó vươn lên, được Hội cấp trên ghi nhận. Như anh Bùi Lê Huy Bình, ở phường An Phú, năm nay 30 tuổi, bị mù bẩm sinh. Trước đây, anh Bình sống khép kín, tự ti mặc cảm, không giao tiếp với ai. Anh Bình tâm sự: “Tham gia sinh hoạt Hội, tôi đã tìm được một nửa của mình và xây dựng được gia đình hạnh phúc. Chúng tôi có 2 con, kinh tế tuy còn khó khăn, nhưng tôi cảm thấy cuộc đời tươi đẹp biết bao. Tôi được anh em quan tâm giúp đỡ, cất nhà tình thương. Tôi hứa sẽ luôn phấn đấu vươn lên để đáp lại ân tình này”. Hay anh Phạm Thanh Hùng, 49 tuổi, ngụ tại phường An Phú, có vợ và 3 con gái. Anh Hùng mới bị mù 10 năm nay, cùng lúc vợ phát bệnh thận, cuộc sống thiếu thốn mọi bề nhưng anh vẫn cố gắng nuôi 3 con ăn học đàng hoàng. Con gái lớn của anh đang học Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, con gái kế học lớp 12, bé út học lớp 10. Lúc trước, anh Hùng làm nghề buôn bán trái cây, khi vợ bệnh nặng, anh ở nhà chăm sóc vợ, lo cơm nước để người em vợ đi bán trái cây dạo. Anh Hùng đã được Hội cho vay vốn làm ăn, cất nhà tình thương, các con anh được hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập...

Nói đến những hội viên thành công về nghề nghiệp lẫn cuộc sống riêng tư phải kể đến vợ chồng Nguyễn Minh Khôi và Thái Thị Nga, ngụ tại phường Thới Bình. Cả hai đang làm việc tại cơ sở massage Nhật Tân ở phường An Lạc, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng/người. Nga và Khôi vừa cưới nhau vào đầu năm 2009, có nhà cửa tươm tất. Không chỉ là nhân viên massage giỏi, Khôi rất mực hiếu thảo với mẹ, yêu thương vợ; còn Nga còn là con dâu đảm đang, thành thạo việc nhà. Khôi vui vẻ nói về tương lai sắp tới: “Chúng em đang dành dụm tiền phụ giúp gia đình hai bên, nuôi mẹ già và thực hiện những ước mơ của mình”.

* Cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn

Trong hoạt động của Hội, chị Đinh Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Người mù quận Ninh Kiều, luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến đối tượng phụ nữ và trẻ em. Cơn sốt đau ban năm 2 tuổi làm mắt chị Thủy bị mù vĩnh viễn. Để được như ngày hôm nay, chị phải vượt qua biết bao cay đắng nên chị càng hiểu nỗi khổ của chị em lâm vào cảnh tật nguyền. Chị Thủy chia sẻ: “Trong những chuyến đi tập huấn, công tác xa, qua tâm sự của chị em, tôi biết không ít phụ nữ mù ở vùng sâu, vùng xa còn bị ngược đãi, đáng thương lắm”. Quyết tâm làm thay đổi cuộc sống của phụ nữ khuyết tật, chị Thủy đến tận nhà động viên chị em vào Hội để được bảo vệ quyền lợi của mình. Chị đã kiên trì tạo niềm tin, hướng hội viên ra xã hội bằng những hoạt động tập thể. Như chị Lý Thị Kim Ngân, ở phường An Nghiệp, bị mù 10 năm nay, chồng bỏ đi, chị đơn thân nuôi đứa con 9 tuổi. Bị sốc, buồn, chị đã có ý định tự tử. Chị Thủy tìm đến kịp lúc, vực dậy chị Ngân trong cơn tuyệt vọng. Giờ chị Ngân đã tìm lại được niềm vui bên con trai, gia đình... Đối với trẻ khuyết tật, chị Thủy vận động trẻ đến tuổi vào trường dạy trẻ khuyết tật địa phương, tặng quà, tập sách vào mỗi đầu năm học. Trong nhiệm kỳ qua, chị Thủy thường xuyên tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, pháp lệnh người tàn tật, chăm sóc sức khỏe sinh sản... để nâng cao dân trí và đời sống văn hóa cho hội viên. Trong kỳ Đại hội vừa rồi, chị Thủy tiếp tục được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người mù quận Ninh Kiều nhiệm kỳ 2 (2009-2014).

Đối với anh Lê Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Hội, cũng trải qua một thời gian mất phương hướng, không thiết đến tương lai khi tai nạn năm 15 tuổi làm anh bị hỏng một mắt. Trải qua rất nhiều khó khăn, gia đình mới giúp anh tìm lại ý nghĩa của đời mình. Năm 2001, Hội Người mù TP Cần Thơ tuyển người, anh Hiệp xin vào và sau này được phân về làm việc tại Hội Người mù quận Ninh Kiều. Mới đó mà đã 8 năm gắn bó. Hiện một mắt còn lại của anh Hiệp bị cườm nước, đang mờ dần. Đồng lương hạn hẹp, cuộc sống riêng của gia đình gặp không ít khó khăn nhưng anh Hiệp không nản, luôn hết lòng vì việc chung. Ban chấp hành Hội hiện có 5 người, thường xuyên có mặt tại Hội là chị Thủy và anh Hiệp. Văn phòng Hội có một cán bộ sáng mắt là anh Nguyễn Văn Sỹ. Mấy năm nay, anh Sỹ là đôi chân của anh Hiệp mỗi khi đi công tác. Anh Hiệp tâm sự: “Trải qua nhiều biến cố, tôi nghiệm ra rằng đối với người khuyết tật, niềm tin rất quan trọng. Vì vậy, ngoài việc chăm lo về vật chất, chúng tôi luôn động viên anh em hội viên cùng nhau vươn tới, sống có ích và nhiều hội viên đã làm được điều này”.

Điều Ban chấp hành Hội Người mù quận Ninh Kiều trăn trở nhất hiện nay là Hội chưa xây dựng được các mô hình, dự án dạy nghề, tạo việc làm phù hợp cho hội viên, tỷ lệ mù chữ trong Hội còn cao. Người mù trong quận chưa có nghề vững chắc, thu nhập chưa cao và thiếu ổn định, việc xây dựng các dự án cho hội viên vay vốn hằng năm chưa đều. Theo anh Lê Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Hội, đa số hội viên hiện nay là người lớn tuổi, sinh hoạt và đời sống kinh tế phụ thuộc vào gia đình nên việc tham gia xây dựng cũng như hưởng ứng các phong trào hoạt động của Hội rất khó khăn. Nhận thức của gia đình và cộng đồng xã hội đối với người mù và tổ chức Hội vẫn còn hạn chế nhất định. Ngoài ra, kinh phí và điều kiện cơ sở vật chất của Hội vẫn còn eo hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của Hội, cán bộ chi hội ở các phường chưa có chế độ phụ cấp nên hoạt động gặp không ít trở ngại. Anh Hiệp bày tỏ: “Tôi mong các ban ngành đoàn thể, mạnh thường quân quan tâm, giúp đỡ Hội nhiều hơn nữa để người mù có điều kiện vươn lên, hòa nhập với cộng đồng”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết