Chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt, khi ông có cuộc gặp gỡ trực tiếp với lãnh đạo Nga Vladimir Putin giữa thời điểm quan hệ song phương chạm mức thấp nhất nhiều năm qua.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) vào hôm nay 16-6.
Đối thủ xứng tầm
Trước thềm hội nghị, Tổng thống Biden đánh giá ông Putin là “người sáng sủa, cứng rắn và là một đối thủ xứng tầm”. Ông Biden cũng khẳng định không tìm kiếm xung đột với Nga. Trước đó, Tổng thống Putin trong một cuộc phỏng vấn bày tỏ tin tưởng khả năng hợp tác cùng ông Biden sau nhận xét ông ấy là “chính trị gia chuyên nghiệp”. Bất chấp những lời có cánh của hai lãnh đạo, giới quan sát dự đoán sự kiện tại Geneva không phải một cuộc gặp thân thiện và rất ít triển vọng về việc làm tan băng mối quan hệ. Thay vào đó, các nhà phân tích cho rằng mục đích của hội đàm Nga - Mỹ lần này là kiểm tra xem đâu là “lằn ranh đỏ” cũng như hiểu được đối thoại là con đường giúp hạ nhiệt mối quan hệ thù địch.

Tổng thống Putin (trái) và lãnh đạo Mỹ Biden trước cuộc gặp trực tiếp ngày 16-6. Ảnh: Getty Images
Phát biểu hôm 14-6 sau Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Tổng thống Biden cũng nói rõ ông sẽ vạch “ranh giới đỏ” với ông chủ Ðiện Kremlin tại cuộc họp sắp tới. “Tôi không tìm kiếm xung đột với Mát-xcơ-va, nhưng chúng tôi sẽ đáp trả nếu họ tiếp tục các hoạt động có hại” - ông Biden nhấn mạnh. Theo Hãng tin CNN, nỗ lực của Nhà Trắng là hướng tới mối quan hệ “ổn định” và “có thể đoán trước được” với Nga. Trong tình huống này, nếu họ không đối thoại, Mát-xcơ-va sẽ trở nên khó đoán hơn.
Về phía Nga, nhà phân tích chính trị Andrei Kortunov nói rằng tầm nhìn “phương Tây thù địch” và quan điểm Mỹ muốn “kìm hãm” sự phát triển của Nga sẽ không thay đổi chỉ qua hội nghị lần này. Dẫu vậy, các chuyên gia đoán Ðiện Kremlin cũng muốn tìm cách hạ nhiệt căng thẳng nhằm giảm thiệt hại và rủi ro liên quan mối quan hệ đối nghịch với Mỹ, đặc biệt là những biện pháp trừng phạt gây căng thẳng cho nền kinh tế trong năm bầu cử quan trọng.
Mỹ cần sự ủng hộ của NATO
Tuy từ chối tiết lộ sẽ yêu cầu Mát-xcơ-va nhượng bộ những gì, Tổng thống Biden tỏ ý tin tưởng rằng Mỹ có thể hợp tác với Nga trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hay vượt qua đại dịch COVID-19 dù có sự đối đầu giữa hai nước trên một số mặt trận như Syria, Ukraine, Belarus và không gian mạng. Nhà Trắng cũng cho biết ông Biden thông qua cuộc gặp muốn đề cập trực tiếp với lãnh đạo Nga về vấn đề nhân quyền. Trong đó, ông Biden cảnh báo cái chết tiềm tàng của nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny (đang bị giam giữ ở Nga) sẽ là “thảm kịch” và tổn hại mối quan hệ của Mát-xcơ-va với phần còn lại của thế giới.
So với những người tiền nhiệm, Tổng thống Biden được cho có thái độ hoài nghi sâu sắc đối với ông Putin cũng như quan điểm sáng suốt hơn về khu vực. Ðể chuẩn bị cho cuộc gặp vào hôm nay, Hãng tin AP cho biết chính trị gia 79 tuổi đã chia sẻ nội dung chương trình nghị sự với lãnh đạo một số quốc gia châu Âu và đề nghị họ góp ý kiến. Theo Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Tổng thống Biden đến Geneva với sự ủng hộ và đoàn kết của tất cả các đồng minh phương Tây, sẵn sàng đưa ra thông điệp thẳng thắn để đáp trả sự cứng rắn từ phía Nga trong tiến trình hội đàm.
MAI QUYÊN (Theo AP, BBC)