27/02/2013 - 15:30

Chính trường Ý lâm vào thế bế tắc

Cựu danh hài Beppe Grillo, thủ lĩnh “Phong trào 5 sao” trở thành “hiện tượng mới” trong nền chính trị đầy bất ổn của nước Ý. Ảnh: Reuters 

Kết quả cuộc tổng tuyển cử ở Ý cho thấy không có đảng hoặc liên minh nào đủ khả năng thành lập chính phủ đa số để thực thi những biện pháp tài chính cần thiết, đưa đất nước tránh khỏi nguy cơ lâm vào khủng hoảng nợ công tồi tệ đang có dấu hiệu lan rộng trong Khu vực đồng euro (Eurozone).

Thắng thua không rõ ràng

Theo kết quả gần 100% số phiếu đã kiểm được và công bố ngày 26-2, liên minh trung tả do đảng Dân chủ của ông Pier Luigi Bersani về đầu tại Hạ viện khi giành được 29,18% số phiếu bầu, cao hơn không đáng kể so với liên minh trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi được 29,17% số phiếu. Đảng “Phong trào 5 sao” của cựu danh hài Beppe Grillo đứng vị trí thứ ba với 25,54% số phiếu, trong khi liên minh trung dung của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti chỉ có 10,56% số phiếu. Tuy các kết quả khá sít sao nhưng cũng đủ giúp liên minh trung tả nắm quyền kiểm soát Hạ viện vì theo Luật bầu cử Ý, đảng hoặc liên minh chính đảng nào giành được số phiếu bầu cao nhất tại Hạ viện sẽ tự động được cộng thêm số phiếu để đảm bảo được mức 54% (tức 340 ghế tại Hạ viện gồm 630 ghế).

Tại Thượng viện, liên minh trung tả cũng đứng đầu với 32% số phiếu, liên minh trung hữu bám sát nút với 31% số phiếu, “phong trào 5 sao” được 23% số phiếu và liên minh trung dung 10% số phiếu. Điểm chú ý về bầu cử Thượng viện Ý được chia thành 20 vùng, bầu ra 315 thượng nghị sĩ theo tỷ lệ dân số. Một đảng hoặc liên minh chính đảng nào giành được kết quả đa số trong cuộc bầu cử Thượng viện tại một vùng sẽ tự động được phân bổ ít nhất 55% số ghế thượng nghị sĩ của vùng đó. Như vậy, một đảng giành được tỷ lệ phiếu bầu ít hơn tại Thượng viện (xét tổng cộng) nhưng vẫn có thể giành được nhiều ghế nhất do họ thắng tại các vùng quan trọng. Vì thế, theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, liên minh trung hữu giành được 116 ghế tại Thượng viện, tiếp đó là liên minh trung tả 113 ghế, đảng “Phong trào 5 sao” được 54 ghế và liên minh trung dung 18 ghế. Mức đa số tối thiểu để kiểm soát Thượng viện là 158 ghế.

Sau bầu cử, Tổng thống sẽ đề cử chức danh thủ tướng cho quốc hội phê chuẩn. Thế nhưng, không có đảng hay liên minh nào đủ số ghế cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ. Đồng thời, chính phủ mới nếu có cũng sẽ đối mặt với thế bế tắc trong Thượng viện khi muốn thông qua các dự luật mới.

Kết quả trên cho thấy không thật sự có kẻ thắng người thua, ngoại trừ liên minh của Thủ tướng Monti sau 15 tháng tạm quyền. Thế dẫn đầu của liên minh trung tả đã được báo trước, nhưng liên minh trung hữu của ông “trùm” Berlusconi bất ngờ chiếm vị trí thứ hai với cách biệt sít sao. “Đó là một sự hỗn loạn. Không ai nghĩ Berlusconi lại có thể trở lại chính trường”- Daniele Caramani, giáo sư chính trị tại Đại học St Gallen (Thụy Sĩ), nhận xét. Đảng của cựu danh hài Grillo lại vươn lên một cách ấn tượng. Nếu không kể liên minh giữa các đảng, “Phong trào 5 sao” được coi là chính đảng lớn nhất sau cuộc bầu cử lần này.

Bế tắc và bất ổn

Theo hãng tin Mỹ AP, cuộc bầu cử cho thấy đa số cử tri Ý không mặn mà với chính trường khi tỷ lệ đi bỏ phiếu thấp nhất kể từ sau Đệ nhị Thế chiến. Số người đi bỏ phiếu được xác nhận là dưới 75%, trong khi tỷ lệ tham gia bỏ phiếu ở nước này thường có truyền thống rất cao, hơn 80%.

Tuy nhiên, kết quả bầu cử nói lên rằng cử tri xứ sở hình chiếc ủng không muốn “thắt lưng buộc bụng”, điều mà nhà kỹ trị Monti phải theo đuổi nhằm lèo lái con tàu đất nước khỏi bị chìm trong “cơn bão” khủng hoảng tài chính. Cựu Thủ tướng Berlusconi và “Phong trào 5 sao” chủ trương đảo ngược chính sách này, dù đây có thể là lời hứa mị dân nhằm thu hút cử tri.

Thế bế tắc chính trị nằm ở chỗ liên minh trung tả khó thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực với liên minh trung hữu của vị tỉ phú đầy tham vọng và gây quá nhiều xì-căng-đan Berlusconi. Cựu danh hài Grillo thì tuyên bố không hợp tác với đảng phái nào. Trong khi đó, liên minh của Thủ tướng tạm quyền Monti bị cho là quá yếu thế.

Thủ lĩnh đảng Dân chủ Luigi Bersani, người được kỳ vọng sẽ trở thành thủ tướng mới của Ý, thừa nhận đất nước này đang trong “tình thế rất mong manh”. “Với kết quả này, quốc hội mới sẽ không thể nào làm việc được”- ông Enrico Letta, một lãnh đạo cấp cao đảng Dân chủ phát biểu.

Quốc hội mới ở Ý có nguy cơ “bị treo” và mọi chính sách sẽ “giậm chân tại chỗ”. Nền kinh tế lớn thứ ba của Eurozone đang trong cảnh ngập nợ chưa biết sẽ đi theo phương hướng nào để thoát khỏi bóng ma khủng hoảng với hậu quả khó lường không chỉ đối với người dân nước này mà cả khu vực và thế giới. Thị trường chứng khoán thế giới sáng 26-2 suy giảm mạnh là điềm báo nền kinh tế nước Ý có thể trở lại tình trạng vỡ nợ, suy sụp như hồi trước ông Berlusconi từ chức. Tin vui là ông Berluconi vừa tuyên bố sẽ “suy nghĩ lại” trong việc hợp tác với cánh tả để thành lập chính phủ, tránh để đất nước không có chính quyền điều hành.

 KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Cựu danh hài Beppe Grillo, thủ lĩnh “Phong trào 5 sao” trở thành “hiện tượng mới” trong nền chính trị đầy bất ổn c̗

Chia sẻ bài viết