05/10/2022 - 08:52

Chính sách tài khóa phù hợp có thể giúp tránh suy thoái toàn cầu

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, nhận định rằng thế giới có thể tránh được suy thoái kinh tế nếu chính sách tài khóa của các nước nhất quán với việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ở cấp độ quốc gia, không loại trừ khả năng nhiều nước vẫn rơi vào suy thoái trong năm tới. 

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh) sau khi tham dự hội nghị an ninh lương thực tại Riyadh (Saudi Arabia), Tổng Giám đốc Georgieva nhấn mạnh trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ, không thể không điều chỉnh chính sách tài khóa vì cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội. Các ngân hàng trung ương cần hành động quyết đoán để ngăn chặn lạm phát - yếu tố tiêu cực tác động tới tăng trưởng và người nghèo, thậm chí có thể coi là một loại thuế đánh vào người nghèo. Tuy nhiên, bà Georgieva cho rằng các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân dàn trải bằng cách giảm giá năng lượng và cung cấp các khoản trợ cấp đang đi ngược lại những mục tiêu của các chính sách tiền tệ.    

Người đứng đầu IMF cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Ngân hàng Dữ trự Liên bang Mỹ (FED) là rất lớn. Bà kêu gọi ngân hàng trung ương Mỹ phải hết sức thận trọng trong các quyết sách của mình, vốn tạo hiệu ứng domino lớn đối với phần còn lại của thế giới.  

Trước đó, ngày 3-10, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo việc các nền kinh tế phát triển tăng mạnh lãi suất và thắt chặt tài khóa kết hợp với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine có nguy cơ khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái và không có kịch bản các nền kinh tế “hạ cánh mềm”. Điều này có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và “cú sốc” đại dịch COVID-19.  

Tổng Thư ký UNCTAD, bà Rebeca Grynspan, cho rằng vẫn còn thời gian để tránh khỏi kịch bản nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do hiện có nhiều công cụ để kiềm chế lạm phát và hỗ trợ tất cả các nhóm dễ tổn thương. Tuy nhiên, những hành động hiện nay của các nền kinh tế phát triển có thể ảnh hưởng tiêu cực đến những quốc gia dễ tổn thương nhất, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Báo cáo của UNCTAD cho biết tại thời điểm tiền lương thực tế giảm, bất ổn tài chính, thiếu sự hỗ trợ và phối hợp đa phương, việc siết chặt chính sách tiền tệ quá mức có thể dẫn đến một thời kỳ đình trệ và bất ổn kinh tế. Do đó, cơ quan này kêu gọi hoạch định một chiến lược mới, bao gồm đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ hoạt động cung ứng và quy định về việc đầu cơ hàng hóa.

UNCTAD cũng dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay, giảm tốc vào năm sau và ước đạt khoảng 2,2%.

MINH TÂM (TTXVN)

Chia sẻ bài viết