21/11/2014 - 08:28

Chinh phục cá kình

Sau chuyến công du Fiji 3 ngày lần đầu tiên kết thúc hôm 19-11 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ sang thăm quốc đảo Nam Thái Bình Dương này vào hôm nay 21-11. Fiji, với dân số 900.000 người, hiện là quốc gia đông dân nhất, có nền kinh tế mạnh nhất và được xem là một trung tâm ngoại giao và kinh tế của khu vực.

Ông Modi là vị thủ tướng thứ hai của Ấn Độ tới thăm Fiji trong vòng 33 năm qua, sau cố Thủ tướng Indira Gandhi năm 1981, dù nơi đây có đến gần 40% dân gốc Ấn sinh sống. Ông cũng là chính khách cấp cao nước ngoài đầu tiên tới Fiji kể từ khi quốc đảo này bầu cử quốc hội và lập chính phủ mới sau cuộc đảo chính năm 2006. Tại đây, Thủ tướng Ấn Độ cam kết cung cấp gói tín dụng 70 triệu USD xây dựng một nhà máy điện phục vụ ngành mía đường, cùng 5 triệu USD nâng cấp ngành công nghiệp mía đường và 5 triệu USD phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng hứa sẽ giúp xây dựng một thư viện cho quốc hội và nâng gấp đôi lượng học bổng và chương trình đào tạo cho Fiji, đồng thời cho biết Ấn Độ đang chuẩn bị hợp tác xây dựng Fiji thành "quốc gia số".

Tại Fiji, ông Modi cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh "mini" với lãnh đạo 12 quốc gia trong khu vực. Thủ tướng Ấn Độ đề xuất được cử các chuyên gia hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chăm sóc y tế, công nghiệp truyền thông, huấn luyện ngoại giao, chia sẻ ứng dụng công nghệ không gian, thiết lập mạng lưới y tế và giáo dục từ xa. Ông thông báo quyết định tăng viện trợ phát triển các dự án cộng đồng cho mỗi nước từ 125.000 USD/năm lên 200.000 USD/năm, thành lập quỹ thích ứng đặc biệt chống biến đổi khí hậu trị giá 1 triệu USD cùng thị thực nhập cảnh vào Ấn Độ. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng muốn hai bên mở rộng hợp tác an ninh và quốc phòng, tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng sạch và khả năng thích ứng trước biến đổi môi trường.

Hàng loạt các cam kết và thiện chí thúc đẩy quan hệ trên cho thấy chính quyền New Delhi dưới thời Thủ tướng Modi chủ trương mở rộng ngoại giao tranh giành ảnh hưởng khắp các khu vực lớn nhỏ trên thế giới.

Hiện tại, đối với Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc có lịch sử quan hệ kinh tế lâu dài và vị thế ngoại giao mạnh thông qua các hoạt động "tín dụng mềm" hơn hẳn so với quốc gia láng giềng thuộc Ấn Độ Dương. Giới quan sát cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục đưa ra những cam kết mới phóng khoáng hơn cho khu vực này. Các nước Nam Thái Bình Dương tuy nhỏ và sẽ chịu thảm họa nặng nề nhất do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, nhưng là khu vực có vai trò địa chiến lược trọng yếu về an ninh và có 12 lá phiếu tại Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không có được sự ủng hộ của 6 quốc đảo khu vực vốn công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập. Bắc Kinh và Đài Bắc đã cáo buộc lẫn nhau sử dụng "ngoại giao đô-la" để lôi kéo sự hậu thuẫn của các nước này về chính sách của mình đối với bên kia.

Nam Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng truyền thống của các cường quốc mạnh về hải quân gần khu vực như Mỹ, Úc và Nhật. Người ta ví các nước khu vực này như "cá kình ngoài biển lớn" mà các thế lực bên ngoài muốn chinh phục.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết