|
Ông Zardari (phải) và ông Sharif trong buổi ký hiệp ước liên minh thành lập chính phủ mới. Ảnh: Reuters |
Ngày 10-3, một ngày sau khi đảng Nhân dân Pakistan (PPP) và Liên đoàn Hồi giáo-Nawaz (PML-N), 2 đảng lớn nhất Pakistan với tổng số 210/342 ghế ở Hạ viện, ký tuyên bố chính thức bắt tay thành lập chính phủ liên hiệp, nội bộ PPP (120 ghế ở Hạ viện) bắt đầu rạn nứt về việc chọn người nào vào ghế thủ tướng. Phó Chủ tịch PPP Makhdoom Amin Fahim khẳng định ông vẫn là ứng viên hàng đầu, đồng thời cáo buộc ông Asif Ali Zardari, đồng Chủ tịch PPP và là phu quân cố Thủ tướng Benazir Bhutto, có tham vọng trở thành thủ tướng sau 3 tháng nữa mặc dù hiện tại ông không phải là nghị sĩ.
Ông Fahim cho biết ông Zardari dự kiến sẽ bổ nhiệm một nghị sĩ nào đó ở tỉnh Punjab làm thủ tướng trong 3 tháng để ông có đủ thời gian kiếm một chân trong Quốc hội. Sau đó, ông Zardari sẽ tiếp nhận quyền lực từ nhân vật này. Trước đó, các nhà phân tích cho rằng chiếc ghế thủ tướng chắc chắn sẽ thuộc về ông Fahim khi cả ông Zardari và ông Nawaz Sharif, Chủ tịch PML-N, không thể tranh chấp vị trí này do không phải là nghị sĩ. Thực tế, không lâu sau khi bà Bhuto bị ám sát hồi tháng 12 năm ngoái, ông Zardari cũng từng tuyên bố ông Fahim sẽ là ứng viên thủ tướng của PPP. Tuy nhiên, ông Zardari gần đây lại thay đổi quan điểm. Vốn là người dẫn dắt PPP 7 năm qua kể từ khi bà Bhuto bị trục xuất phải sống lưu vong, ông Fahim không dễ dàng từ bỏ cơ hội trở thành người đứng đầu chính phủ.
Trong khi đó, việc PPP và PML-N muốn phục chức cho các thẩm phán bị Tổng thống Pervez Musharraf sa thải hồi tháng 11-2007 cũng gặp nhiều trở ngại. Hai đảng này dự định sẽ phục chức cho họ theo một nghị quyết của Hạ viện. Một nghị quyết như vậy chỉ cần quá bán nghị sĩ ủng hộ nên PPP và PML-N dễ dàng thực hiện điều đó. Tuy nhiên, các thẩm phán này bị sa thải theo sắc lệnh Hiến pháp lâm thời (PCO) của ông Musharraf áp đặt khi ban bố tình trạng khẩn cấp. PCO sau đó được Tòa án Tối cao thông qua và tất cả điều khoản trong PCO được hợp nhất vào hiến pháp. Vì lý do đó, một số chuyên gia pháp luật cho rằng nỗ lực phục chức cho các vị thẩm phán bị sa thải bằng nghị quyết của Hạ viện cũng giống như điều chỉnh hiến pháp bằng nghị quyết. Điều này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, mở đường cho những thay đổi khác trong hiến pháp một cách dễ dàng. Tại Pakistan, trước nay sửa đổi hiến pháp phải được sự tán đồng của 2/3 số nghị sĩ của lưỡng viện quốc hội. Bộ trưởng Tư pháp Malik Qayyum khẳng định phục chức cho các thẩm phán là hành động vi hiến.
Nhưng dù sao đi nữa thì việc PPP và PML-N liên thủ cũng khiến tình thế của Tổng thống Musharraf càng khó khăn hơn. Trả lời phỏng vấn của Thời báo Washington hôm 10-3, ông Musharraf nói rằng “cuộc chiến” giữa tổng thống và quốc hội mới nếu xảy ra sẽ là thảm họa cho đất nước. Ông mong muốn hợp tác với chính phủ mới cho đến hết nhiệm kỳ 5 năm của mình.
N.MINH
(Theo IST, PTI, NYT)