26/04/2013 - 22:39

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4-2013

Ngày 26-4-2013, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4-2013.

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung và tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, và các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán NSNN năm 2013, số 02/NQ-CP về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; đồng thời tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch đề ra.

Nhìn chung, kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2013 tăng 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua. So với tháng 12-2012, CPI tháng 4-2013 tăng 2,41%, cũng là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua. Lãi suất huy động VND ở mức ổn định và có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định. Ngân hàng Nhà nước tích cực mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Thanh khoản của toàn hệ thống được đảm bảo.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39,46 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng trở lại. Trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký ước đạt khoảng 8,22 tỉ USD, tăng 17%, vốn thực hiện ước đạt 3,75 tỉ USD, tăng 3,9% với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn ODA đạt khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 4 tháng đầu năm 2013 ước tăng 5%. Tuy gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh và thị trường, song sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển. Tính chung 4 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 495.000 lao động, đạt 30,9% kế hoạch.

An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo. Công tác thông tin, tuyên truyền, cải cách hành chính, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; chính trị xã hội ổn định. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Kinh tế vĩ mô tuy có bước chuyển biến tích cực nhưng không được chủ quan, phải tăng cường hơn nữa. Trước hết tập trung kiềm chế lạm phát, kiểm soát cung tiền (M2), đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng và rải đều ra các tháng còn lại trong năm. Điều hành lãi suất mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nếu cần thì xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mức chênh lệch hợp lý so với lãi suất huy động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện. Tiếp tục giữ ổn định tỉ giá, tăng dự trữ ngoại hối.

Tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đối với tái cơ cấu đầu tư công cần tiếp tục rà soát để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Sớm công bố kế hoạch đầu tư trung hạn để các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai. Tập trung thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, xem xét việc bán bớt một phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thị trường lớn để có thêm vốn đầu tư cho những công trình, dự án cần thiết.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nhất là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ để bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Chính phủ đã nhất trí trình Quốc hội sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, cho phép doanh nghiệp chưa đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp; trường hợp điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định tại Giấy phép đầu tư doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh.

 

Chia sẻ bài viết