21/08/2013 - 14:04

Chính phủ Anh buộc Guardian hủy tài liệu do Snowden cung cấp

Nhà báo Glenn Greenwald (trái) và David Miranda tại phi trường Rio de Janeiro. Ảnh: Reuters

* Nhà Trắng được báo trước vụ bắt giữ liên quan đến Snowden

Hãng tin Guardian của Anh – cơ quan truyền thông đi đầu trong việc công bố các tài liệu mật do cựu nhân viên kỹ thuật thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp, hôm 20-8 cho biết Chính phủ Anh từng đe dọa hành động pháp lý chống lại hãng này nếu Guardian không tiêu hủy hoặc bàn giao lại các tài liệu mật cho chính quyền.

Theo lời biên tập viên Alan Rusbridger, sau khi cho đăng loạt bài dựa trên tài liệu do Snowden cung cấp hồi tháng trước, Guardian đã nhận được “lời khuyên” từ một quan chức chính phủ, rằng: “Anh đã vui vẻ rồi. Và bây giờ chúng tôi muốn lấy lại những tài liệu đó”. Sau nhiều cuộc thảo luận khác giữa Guardian với chính phủ, hai chuyên gia bảo mật từ trụ sở Truyền thông Chính phủ Anh - tương đương Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đã được cử đến “thăm” văn phòng của tờ báo này ở Thủ đô Luân Đôn. Trong tầng hầm của tòa nhà, Rusbridger cho biết các quan chức chính phủ đã xem xét và giám sát nhân viên của tòa soạn phá hủy ổ đĩa cứng máy vi tính chứa các tài liệu do Snowden cung cấp để đảm bảo không có bất kỳ dữ liệu nào lọt ra ngoài.

Văn phòng Thủ tướng Anh hiện vẫn chưa bình luận gì về thông tin trên. Tuy nhiên, tiết lộ ấy cùng với khẳng định của Guardian về việc tiếp tục cho đăng những tài liệu mật do Snowden cung cấp, nhưng ở bên ngoài lãnh thổ Anh, được xem là động thái mới nhất trong “cuộc chiến đang leo thang” giữa các phương tiện truyền thông và cơ quan chính phủ liên quan vụ rò rỉ chương trình giám sát bí mật của NSA.

Trước đó hôm 18-8, cảnh sát Anh dựa trên các điều luật chống khủng bố của nước này đã tạm giữ công dân Brazil David Miranda – người yêu đồng giới đang sống cùng ký giả người Mỹ Glenn Greenwald – nhân vật đã cho công bố những hoạt động gián điệp của NSA. Mặc dù được thả ra 9 tiếng đồng hồ sau đó, nhưng Luân Đôn đang đối mặt với áp lực phải giải thích về quyết định trên từ phía công luận, đặc biệt sau khi có thông tin xác nhận từ Nhà Trắng rằng Mỹ đã được báo trước về vụ bắt giữ Miranda tại sân bay Heathrow.

Phát biểu với các phóng viên hôm 19-8, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết giới chức Anh đúng là có thông báo cho Mỹ về kế hoạch trên khi tên của Miranda xuất hiện trên danh sách hành khách của một chuyến bay từ Thủ đô Berlin (Đức) đến Heathrow vào sáng hôm 18-8. Tuy nhiên, phát ngôn viên Earnest khẳng định Washington không chỉ đạo hay có liên quan gì đến quyết định của Luân Đôn về việc bắt giữ Miranda, đồng thời tránh đề cập đến câu hỏi liệu Mỹ có tiếp cận dữ liệu từ các thiết bị điện tử bị tịch thu của anh này hay không.

Trong tuyên bố mới nhất, Sở Cảnh sát Luân Đôn cho biết việc áp dụng Luật chống khủng bố năm 2000 để tạm giữ Miranda là “đúng thủ tục và hoàn toàn hợp pháp”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Brazil Antonio Patriota tuyên bố việc bắt giữ Miranda, một công dân Brazil, là “phi lý” và sẽ nêu vấn đề này với người đồng cấp Anh. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đã lên án vụ bắt giữ là “bất hợp pháp và không thể bào chữa được”. Trả lời báo giới tại sân bay Tom Robin ở Rio de Janeiro (Brazil) trong khi chờ đón Miranda, phóng viên Greenwald khẳng định: “Đây là âm mưu hăm dọa rõ ràng”. Greenwald dọa sẽ tiết lộ các thông tin “quan trọng” hơn về hệ thống tình báo của Anh, cho rằng chính quyền Luân Đôn sẽ phải hối hận vì những gì đã làm.

VI VI
(Theo Reuters, BBC, Guardian)

 

Chia sẻ bài viết