02/03/2012 - 08:08

"Chìa khóa" mở rộng thị trường nông thôn

Thời gian qua, Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” (HVVNT) với nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường và đóng góp đáng kể trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, mạng lưới phân phối của DN ở phân khúc này còn rời rạc, nhiều DN ngại đầu tư… Phát triển thị trường nông thôn, DN hàng Việt cần có chiến lược dài hơi mới có thể để lại dư âm trong lòng người dân nông thôn.

DN vẫn chưa mặn mà

Phiên chợ HVVNT tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. 

Phiên chợ HVVNT lần thứ 77 ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau (từ ngày 25 đến 27-2-2012) do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) TP HCM, Sở Công Thương Cà Mau và UBND huyện Đầm Dơi phối hợp tổ chức đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm. Ông Nguyễn Văn, đại diện Công ty mỹ phẩm Gia Đình, chia sẻ: “Công ty đã tham gia trên 60 phiên chợ HVVNT, nghiên cứu và khảo sát thị trường qua từng phiên, đa số người dân không còn nghi ngờ về giá cả, chất lượng sản phẩm của hàng Việt. Đây là cơ hội để công ty phát triển thêm nhiều điểm bán hàng, tăng doanh số”. Mặc dù hàng Việt ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ thành thị đến nông thôn, tuy nhiên, số lượng DN quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới sau phiên chợ rất khiêm tốn. Điều này làm cho người tiêu dùng mau chóng quên sản phẩm và không có ấn tượng nhiều khi gặp lại sản phẩm mình đã từng mua ở phiên chợ.

Theo ông Nguyễn Chí Khiêm, Phòng kinh doanh Công ty Cổ phần may Tây Đô, qua nhiều phiên chợ HVVNT, đa phần sản phẩm của các DN chưa thể “bám trụ” lâu dài ở thị trường này, do DN chưa quan tâm đầu tư đúng mức. Thiếu chiến lược dài hơi và DN vẫn còn tâm lý đi bán hàng lưu động, việc quan tâm phát triển thị trường sau phiên chợ chưa được chú trọng. Ông Trần Hữu Lễ, Chuyên gia kinh tế thị trường của BSA, cho rằng khâu tổ chức trưng bày sản phẩm của DN tại các phiên chợ hàng Việt còn sơ sài, một số DN còn cho đại lý phân phối trưng bày sản phẩm tại phiên chợ... Các phiên chợ đa phần chỉ khác nhau về địa điểm tổ chức. Người dân nông thôn hiếm khi được tham quan, mua sắm ở các hội chợ, nên hồ hởi đón nhận phiên chợ là điều đương nhiên. DN chủ yếu chỉ đi bán hàng, còn việc đầu tư phân phối mạng lưới sản phẩm đến tay người tiêu dùng sau phiên chợ lại là chuyện khác...

Theo chuyên gia kinh tế thị trường của BSA Trần Hữu Lễ, hệ thống phân phối tại các vùng nông thôn của DN hàng Việt ít được quan tâm xây dựng và củng cố. Trong khi phân khúc thị trường nông thôn rất có tiềm năng, nếu DN chịu khó đầu tư khai thác thì khả năng tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Bởi đây là thị trường có tính cạnh tranh tương đối thấp so với các thị trường thành thị, trung tâm thành phố... Lâu nay, hàng hóa về vùng nông thôn phải qua nhiều tầng nấc trung gian làm giá các mặt hàng thường cao hơn ở các trung tâm. Lẽ đó, việc mở rộng mạng lưới bán hàng rộng rãi, đưa hàng về nông thôn là rất cần thiết và đáp ứng đúng nhu cầu của người dân.

Tạo lòng tin: cần chiến lược rõ ràng

Các chuyên gia thị trường cho rằng khách hàng nông thôn đa phần là những khách hàng trung thành nhất khi họ đã tin dùng một sản phẩm nào đó của DN. Do vậy, khi DN khẳng định được thương hiệu và tạo được lòng tin đối với người dân nông thôn, chắc chắn thương hiệu sẽ tồn tại, phát triển bền vững. Song, các DN cần có chiến lược rõ ràng trong việc liên kết mạng lưới phân phối giữa các tỉnh, các huyện... và chọn thị trường mục tiêu mà DN cần đầu tư. Mặt khác, DN cần phải xác định khâu lưu thông hàng hóa đóng vai trò quan trọng tương đương với khâu sản xuất hàng hóa để xây dựng mạng lưới phân phối nối dài từ sản xuất đến tiêu thụ.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Những năm qua, chương trình HVVNT đã góp phần rất lớn trong việc giúp các DN khẳng định thương hiệu, tạo điều kiện để các DN đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Không ít DN đã biết tận dụng cơ hội và phát triển mạng lưới khá tốt. Tuy nhiên, phân khúc thị trường nông thôn chưa được khai thác đúng mức”. Bà Hạnh cho rằng các DN cần tập trung đầu tư cho khâu phân phối sản phẩm. Kết nối các nguồn lực thì sức mạnh mới phát huy, từ nguồn lực sản xuất đến nguồn lực phân phối đều không được xem nhẹ. Các DN trong nước còn phải chú trọng nhiều hơn về bản sắc thương hiệu, quảng bá cần có sự đầu tư chuyên nghiệp. DN tạo được niềm tin đối với khách hàng nông thôn cũng là góp phần phát triển thị trường cho hàng Việt.

Qua các phiên chợ HVVNT, các chuyên gia về phát triển thị trường khuyên các DN cần nhận thức rõ đây không phải là phiên chợ bán dạo, mà là một phương pháp xâm nhập vào mạng lưới phân phối tại địa phương. DN cần có kế hoạch khảo sát thị trường để hiểu tâm lý mua sắm của người tiêu dùng nhằm đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc khách hàng, đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp hơn. Song song đó, quan tâm đầu tư những sản phẩm phù hợp túi tiền của mọi đối tượng khách hàng, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Việc thu hút các đại lý phân phối sản phẩm cho DN cần có nhiều điều khoản hấp dẫn hơn. Có như thế mới tạo được ấn tượng cho khách hàng và tăng khả năng bám trụ lâu dài của hàng hóa Việt ở thị trường nông thôn.

Bà, ảnh: THU HOÀI

Chia sẻ bài viết