24/12/2022 - 16:36

Chi tiêu mùa Tết 

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Tầm giữa tháng 12, các gia đình đã bắt đầu mua sắm, dự trù những khoản chi vào dịp Tết. Năm nay, nhiều chị em thực hiện chính sách tiết kiệm, lên kế hoạch chi xài hợp lý, để vừa lo được cái Tết đầy đủ cho gia đình vừa không thâm hụt ngân quỹ.

Từ giữa tháng 12 dương lịch, nhiều chị em đi mua sắm Tết tại các siêu thị trên địa bàn thành phố.

Trung tuần tháng 12, chị Kim Ngọc (quận Cái Răng) đã đưa các con đi siêu thị mua quần áo. Chị Ngọc mua cho con trai lớn áo thun, quần jeans; chọn cho con gái áo đầm và vài bộ đồ bộ… tổng cộng hơn 2 triệu đồng. Thấy nhiều nhãn hàng kẹo mứt, bánh ngọt đang có chương trình khuyến mãi, giảm giá, gói sẵn đẹp mắt, chị Ngọc mua để dành làm quà tặng và dùng trong dịp Tết. Chị Ngọc cho biết: “Năm nay, tôi gởi tiền về quê trước để ba má hai bên mua sắm những thứ cần thiết. Thức ăn của gia đình, tôi chỉ chọn vừa đủ; các vật dụng thì tận dụng lại cho đỡ tốn kém. Tôi dự chi khoảng 15 triệu đồng cho tất cả các khoản. Do có sự chuẩn bị từ trước nên gia đình tôi không bị động”.

Rút kinh nghiệm năm rồi mua sắm trễ nên không còn size phù hợp, năm nay, chị Ngọc Yến (quận Bình Thủy) chọn áo quần từ đầu tháng 12. Mùa Tết có nhiều đám tiệc, chị Yến mạnh tay mua 4 cái áo đầm kèm phụ kiện, giày dép. Chị cũng sắm sửa cho chồng, con mỗi người 2 bộ đồ mới. Chị Yến kể: “Công việc của tôi cuối năm rất bận nên tranh thủ thời gian rảnh, tôi đi mua sắm. Tôi thường tham khảo giá trước và ghi sẵn các thứ cần mua để khỏi đi lại nhiều lần. Tôi và nhóm bạn hay “săn” các đợt giảm giá, mua có kèm quà tặng, đặt hàng chung để giảm chi phí”.

Năm nay, chị Hạnh Thúy (quận Bình Thủy) mua nhiều loại lịch treo tường, thảm và hoa vải gởi về quê tặng các em. Chị Thúy chọn hoa mai, hoa đào, hướng dương vừa mang ý nghĩa may mắn, thịnh vượng cho gia đình, vừa tạo điểm nhấn nổi bật, làm đẹp không gian sống. Sẵn dịp này, chị mua chocolate và bánh đậu xanh được gói vào hộp rất đẹp để chưng, cũng là món ăn các con chị rất thích. Về khoản quần áo, chị Thúy cho tiền các con đặt mua online với bạn bè. Chị Thúy chia sẻ: “Tôi mua một số món lạ như hạt lanh vàng, lanh nâu, các loại trái cây sấy dẻo để dùng, ngon mà giá cả phải chăng. Tôi chọn khô, mực và một số món trữ được lâu cũng như một ít bia, nước ngọt đãi khách. Tôi dự chi các khoản tầm 12 triệu đồng”.

Tết này, chị Trần Kim Dung ở quận Bình Thủy, tiếp tục thực hiện tinh thần tiết kiệm, vui là chính. Do có vườn rộng ở Vĩnh Long nên ngoài trồng rau cải, chị Dung nuôi gà, vừa ăn vừa tặng bạn bè, người thân. Năm nay, chị Dung không về quê mà sẽ đón má chồng và họ hàng ở Hưng Yên vào chơi. Chị Dung đi siêu thị mua những mặt hàng để lâu được, như: bánh kẹo, rượu bia, trà... để tránh tình trạng tăng giá vào cận Tết. Chị cũng đặt người quen làm giò thủ, thịt kho, bánh chưng, bánh tét, tới hẹn sẽ giao tận nhà. Chị Dung dự trù các khoản chừng 10 triệu đồng, phần tiền thưởng của chồng để dành chi xài sang năm.

Mua sắm Tết đối với những người có thu nhập khá và cao thì không có gì phải quá lo lắng, nhưng với thu nhập trung bình, thấp thì phải tính toán để cân đối. Tết của chị Thanh Tuyền (làm nghề giúp việc nhà ở quận Ninh Kiều) gói gọn trong số tiền thưởng 5 triệu đồng của chủ nhà. Chị Tuyền chia sẻ: “Gia đình cô chủ hứa sẽ tặng khô, lạp xưởng, bánh mứt, đường, sữa, quần áo nên tôi đỡ phải mua phần này, để dành tiền lì xì, mua thuốc bổ cho ba ở quê. Tôi và các em sẽ hùn tiền mua cái tivi tặng ba xem các chương trình giải trí. Năm nay, các con tôi vừa học vừa làm thêm nên tự sắm sửa, không xin tiền mẹ. Thu nhập không được nhiều nên tôi chi tiêu có chừng mực, phải để dành dự phòng”.

Cả tháng nay, chị Phượng (làm lao công tại một số chung cư ở quận Cái Răng) nhận phụ giúp thêm việc nhà cho các gia đình lân cận để có chi phí trang trải đợt Tết. Chồng chị cũng tăng ca bảo vệ ở các quán. Do điều kiện kinh tế có hạn nên chị Phượng không sắm sửa nhiều, chủ yếu mua quà biếu hai bên nội ngoại. Nhu yếu phẩm được chủ những nơi làm tặng, cũng đủ cho chị có một cái Tết ấm áp với gia đình.

Ðể vừa có thức ăn ngon, đảm bảo vệ sinh, vừa có thêm thu nhập, một số chị em làm bánh mứt bán, hoặc làm trung gian giới thiệu các món “nhà làm”. Chị Ngọc Anh (quận Ninh Kiều) làm các loại dưa, củ kiệu, bán khô; chị Như Quỳnh (nội trợ ở quận Ninh Kiều) thì ngoài làm một số loại mứt, còn nhận kết hoa cho khách, vừa trang trí trong nhà. Có nhóm chị em còn rủ nhau làm chung các món ăn để đỡ chi phí, công sức...

Tết đến, bên cạnh niềm vui là không ít nỗi lo, nhất là đối với phụ nữ. Với sự chu đáo, vén khéo, các chị có cách sắp xếp phù hợp hoàn cảnh gia đình, tính toán chi tiêu để sắm sửa, chuẩn bị đón năm mới trong an lành, hạnh phúc.

Chia sẻ bài viết