05/03/2024 - 22:57

Chỉ số cải cách hành chính của TP Cần Thơ được cải thiện rõ rệt 

Ðó là đánh giá của Hội đồng thẩm định Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) TP Cần Thơ về kết quả Chỉ số CCHC cấp sở và cấp huyện năm 2023 vừa được công bố vào cuối tháng 2-2024. Theo đó, hầu hết các đơn vị, địa phương đều có sự cải thiện, gia tăng điểm số. Kết quả này phản ánh rõ nét sự tích cực, hiệu quả của các đơn vị, địa phương trong triển khai công tác CCHC; đồng thời cho thấy cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị đã quan tâm hơn đến công tác này so với các năm trước đây.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ tặng Bằng khen các tập thể đạt thành tích tiêu biểu trong công tác CCHC năm 2023.

Chỉ số CCHC cấp sở năm 2023 của thành phố có giá trị trung bình đạt 92,27%, tăng 1,76% so với năm 2022. Ðây là năm thứ ba liên tiếp, giá trị trung bình của Chỉ số CCHC cấp sở tăng và là năm thứ hai thành phố có tất cả 16 đơn vị đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, trong đó có 5 đơn vị xếp loại rất tốt (các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội vụ; Tư pháp). Trong khi đó, Chỉ số CCHC cấp huyện có giá trị trung bình là 93,93%, tăng 6,42% so với năm 2022. Tất cả các quận, huyện đều tăng điểm so với cùng kỳ, trong đó có 2/9 đơn vị xếp loại rất tốt (huyện Phong Ðiền và Vĩnh Thạnh) và 7 đơn vị còn lại đạt mức tốt. Năm 2023, cũng là năm thứ tư, thành phố thực hiện đánh giá, xếp loại (không xếp hạng) đối với 4 đơn vị đặc thù không có thủ tục hành chính (TTHC) hoặc có rất ít TTHC là Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Thanh tra thành phố và Văn phòng UBND thành phố. Kết quả, có 3/4 đơn vị xếp loại rất tốt (riêng Thanh tra thành phố xếp loại tốt), tăng 3 đơn vị so với năm 2022.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhanh, Thư ký Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC thành phố, Trưởng Phòng CCHC - Văn thư, lưu trữ (Sở Nội vụ), đối với chỉ số thành phần “Cải cách TTHC”, có 10 đơn vị đạt số tuyệt đối 100%, tăng 8 đơn vị so với năm 2022; 13 đơn vị đạt trên 90%, chỉ duy nhất Sở Kế hoạch và Ðầu tư đạt dưới 80%. Ðây là sự tiến bộ của các đơn vị cấp sở trong thực hiện cải cách TTHC, nhất là việc kiểm soát, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cũng được các sở thực hiện tốt. Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023), cho biết: “Qua 2 lần sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp (lần 1 vào năm 2019 và lần 2 vào năm 2023), Sở đã kiện toàn, tinh gọn bộ máy của 4/5 đơn vị có tổ chức cấu thành, qua đó giảm 5 phòng chuyên môn. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm giảm 2 phòng; Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Cơ sở cai nghiện ma túy, mỗi đơn vị giảm 1 phòng. Kết quả này giúp các đơn vị giảm 5 chức danh trưởng phòng và 5 chức danh phó trưởng phòng, đồng thời đảm bảo đúng quy định về số lượng cấp phó trưởng phòng và viên chức của mỗi phòng theo quy định”. Bộ máy tinh gọn, tạo điều kiện để công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ và thông tin, báo cáo của Sở ngày càng sát hợp, chặt chẽ, kịp thời và đạt hiệu quả cao hơn.

Ðối với cấp huyện, đa số các lĩnh vực đều tăng điểm so với năm 2022, duy nhất 1 lĩnh vực giảm điểm là cải cách tổ chức bộ máy. Ðặc biệt, lĩnh vực cải cách thể chế đạt giá trị tuyệt đối 100%, có 2 lĩnh vực đạt dưới 90% (xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; công tác quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ), các lĩnh vực còn lại đều đạt từ 90 đến 100%. Nhiều địa phương có giải pháp, mô hình, sáng kiến hiệu quả trong CCHC như: “Ngày thứ hai không hẹn”, “Ngày thứ sáu trực tuyến” (huyện Cờ Ðỏ); “Ngày thứ ba không viết”, “Ngày thứ sáu không hẹn” (huyện Vĩnh Thạnh); xây dựng Trung tâm điều hành thông minh gắn với chuyển đổi số (huyện Phong Ðiền)…

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CCHC vẫn có một số hạn chế: tỷ lệ hồ sơ, thanh toán trực tuyến chưa cao; còn tình trạng giải quyết trễ hạn hồ sơ TTHC; trang thiết bị công nghệ thông tin, hạ tầng mạng đôi lúc chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc. Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo. Việc ứng dụng và thực hiện quy trình ISO chưa đạt yêu cầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước còn một số hạn chế.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động Ban Chỉ đạo CCHC và chuyển đổi số, công bố Chỉ số CCHC cấp sở, cấp huyện năm 2023, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị từng thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành trong công tác CCHC năm 2024. Việc CCHC phải được xem là động lực phát triển và xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả phục vụ. Các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số; tập trung số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra công vụ; quán triệt trong đội ngũ công chức, viên chức về đạo đức công vụ, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; thực thi công vụ với tinh thần chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ðối với Chỉ số CCHC, cần có giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần còn thấp điểm, đặc biệt quan tâm việc tăng tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến và khắc phục hồ sơ trễ hẹn, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Theo Kế hoạch số 245/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về công tác CCHC năm 2024, thành phố phấn đấu đến cuối năm 2024, thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu về Chỉ số CCHC, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công. Đối với nhóm chỉ tiêu cụ thể, thành phố phấn đấu 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, ít nhất 90% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 40%. Tối thiểu 70% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến. Về tổ chức bộ máy, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, đồng thời thực hiện lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 theo quy định.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết