06/01/2019 - 08:08

Chết vì…đường 

Mayang Gagat Kamayang năm nay 23 tuổi và sống tại Sukabumi, bang Tây Java của Indonesia. Đây là nơi cô quản lý kinh doanh của gia đình và bán loại bánh snack ngọt Indonesia. Cách đây 6 năm khi ở 17 tuổi, cô được chẩn đoán bị tiểu đường, căn bệnh có liên quan đến cái chết của cả ông nội và cha cô. Cô nhận ra rằng mình bị tiểu đường di truyền và lập tức ăn kiêng và đi bộ nhiều hơn. Cô dự đoán căn bệnh này ngày càng phát triển ở người trẻ Indonesia do nhiều yếu tố như gien, ăn uống và lối sinh hoạt.

Bệnh nhân tiểu đường Indonesia kiểm tra lượng đường huyết tại nhà. Ảnh: msd-indonesia

 

Câu chuyện của Kamayang cho thấy bộ mặt của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tại Đông Nam Á đang chật vật đối phó với cách thức ngăn ngừa và điều trị   tiểu đường, căn bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tim mạch, đột quỵ, suy thận và tổn hại thần kinh.

Người dân các nước Đông Nam Á hiện chiếm 20% trong số 450 triệu bệnh nhân tiểu đường trên toàn cầu, trong đó đa số sống ở Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Trước tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng việc đánh thuế nặng đối với đường không thể giải quyết được vấn đề mà cần có biện pháp tiếp cận phối hợp để phát hiện sớm bệnh tình, từ đó theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục phù hợp.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, khoảng 96 triệu trong số hơn 670 triệu dân Đông Nam Á đang mắc bệnh tiểu đường và hầu hết họ mắc bệnh tiểu đường típ 2 vốn có thể phòng ngừa được.  Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến cho bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng là do bệnh nhân có chế độ ăn uống không hợp lý, thường xuyên tiêu thụ thực phẩm chế biến không lành mạnh, thiếu biện pháp can thiệp sớm cũng như thiếu hiểu biết khi mà một thời gian dài tiểu đường được cho là một căn bệnh chỉ phổ biến ở các nước giàu.

Hiện có hơn 450.000 người Singapore mắc bệnh tiểu đường. Bộ Y tế Singapore dự đoán, con số này sẽ tăng lên 1 triệu người trong 30 năm tới nếu không có các biện pháp can thiệp.  Được biết, căn bệnh này đã khiến Chính phủ Singapore tiêu tốn hơn 1 tỉ USD mỗi năm. Singapore đã “tuyên chiến với bệnh tiểu đường” bằng nhiều biện pháp như tăng cường khả năng sàng lọc bệnh của các bệnh viện, thúc đẩy chia sẻ kiến thức giữa các cơ sở chăm sóc sức khỏe, mở ra các chiến dịch thông tin công cộng cũng như đẩy mạnh chương trình hoạt động thể chất ở các trường tiểu học. Chính phủ đảo quốc sư tử cũng đang xem xét kế hoạch triển khai “hệ thống đèn giao thông” trên các bao bì thực phẩm nhằm đánh giá giá trị dinh dưỡng của thành phần thức ăn. Đáng chú ý là, hầu hết các ngày trong tuần, tổ chức phi lợi nhuận Bệnh tiểu đường Singapore đều cho xe buýt được trang bị thiết bị sàng lọc bệnh tiểu đường đến các phòng khám trên khắp Singapore để tầm soát bệnh tiểu đường cho người dân. Mỗi ngày, mỗi xe buýt như vậy sàng lọc tới 15 bệnh nhân.

Trong khi đó tại Malaysia, hơn 3 triệu người dân nước này mắc bệnh tiểu đường. Do đó, chi phí dành cho bệnh tiểu đường không ngừng tăng lên. Theo SCMP, Chính phủ Malaysia đang dành 16% ngân sách chăm sóc sức khỏe cho việc điều trị tiểu đường. Trong nỗ lực ngăn chặn bệnh tiểu đường, khi trình bày ngân sách 2019 hồi cuối năm ngoái, Bộ trưởng Y tế Malaysia Lim Guan Eng cho biết chính phủ sẽ áp thuế lên các loại thức uống có lượng đường cao. Ngoài ra, Kuala Lumpur cũng đang cân nhắc yêu cầu tất cả các quán ăn phải đóng cửa vào lúc nửa đêm cũng như cấm các loại quảng cáo về các loại thực phẩm giàu đường và chất béo.

Đáng lo ngại nhất là khoảng 7% dân số Indonesia, tức hơn 17 triệu người, mắc bệnh tiểu đường. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khi mà Indonesia không có chiến lược phòng chống bệnh tiểu đường rõ ràng. Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) cho biết, chỉ có 47% bệnh nhân tiểu đường ở Indonesia được chẩn đoán, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 72% ở Mexico. Mới đây, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ước tính, các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường và bệnh tim sẽ “ngốn” của Indonesia 2,8 nghìn tỉ USD trong giai đoạn 2012-2030, gấp hơn 100 lần tổng chi phí y tế của nước này trong năm 2014. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do thiếu nhận thức cộng đồng, gây trở ngại cho việc chẩn đoán và điều trị. Điều đáng nói là nhiều bệnh viện ở Indonesia thiếu thiết bị theo dõi đường huyết.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết