18/08/2024 - 12:45

Chế độ ăn chứa thực phẩm chống viêm giúp phòng ngừa chứng mất trí nhớ 

Các nhà khoa học Thụy Ðiển vừa phát hiện thay vì tiêu thụ các thực phẩm gây viêm (như ngũ cốc thêm đường, soda, thịt chế biến sẵn và thức ăn siêu chế biến), việc theo đuổi chế độ ăn giàu thực phẩm chống viêm (như ngũ cốc nguyên cám, cá, đậu, trái cây và rau củ) có thể giúp người lớn tuổi giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, kể cả khi đã có sẵn yếu tố nguy cơ về bệnh tim hay tiểu đường tuýp 2.

Rau quả là thực phẩm chống viêm có lợi cho sức khỏe trí não ở người lớn tuổi.

Ðể đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Lão hóa thuộc Viện Karolinska đã phân tích thói quen ăn uống của hơn 84.000 người trên 60 tuổi, không mắc chứng mất trí nhớ nhưng được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim hoặc đột quỵ, từng tham gia vào dự án nghiên cứu Biobank ở Anh. Trong đó, từng người được hỏi 5 lần về lượng tiêu thụ 206 loại thực phẩm và 32 loại thức uống, được chia thành các mức độ chứa dưỡng chất gây viêm và chống viêm. Các chuyên gia cũng kiểm tra hồ sơ bệnh án trong vòng 15 năm tiếp theo của các đối tượng để tìm hiểu xem có mối liên hệ nào giữa việc ăn ít nhất và nhiều nhất các loại thực phẩm gây viêm với khả năng mắc chứng mất trí nhớ hay không. Trong thời gian theo dõi trung bình hơn 12 năm, có 1.559 người đã mắc bệnh mất trí nhớ.

Kết quả phân tích cho thấy những người tuân thủ chế độ ăn chống viêm có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ thấp hơn 21% so với những người theo chế độ ăn gây viêm không tốt cho sức khỏe. Còn khi xét cụ thể trong những người mắc các bệnh về tim hoặc tiểu đường, nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ giảm 31% khi họ tuân thủ chế độ ăn chống viêm. Bên cạnh đó, khi tiến hành chụp cộng hưởng từ bộ não cho gần 9.000 người tham gia, các chuyên gia nhận thấy so với những người theo chế độ ăn gây viêm, những người mắc bệnh tim mạch chuyển hóa ăn các thực phẩm chống viêm nhiều nhất có thể tích chất xám lớn hơn (tức có tình trạng thoái hóa thần kinh ít hơn) và mật độ chất trắng (dấu hiệu của tổn thương mạch máu trong não) thấp hơn.

Mặc dù chưa xác định chính xác cách thức sinh học các mà thực phẩm tác động đến các con đường gây viêm, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng sự phụ thuộc vào thực phẩm chứa đường, siêu chế biến và lượng chất béo bão hòa cao có trong thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể dẫn đến sự gia tăng hoạt động của các gốc tự do gây hại trong cơ thể. Các gốc tự do là các phân tử có electron không ghép đôi. Khi bị thúc đẩy để tìm kiếm sự kết hợp, chúng sẽ cướp electron của các tế bào khác, gây tổn thương tế bào. Ðây là một yếu tố góp phần gây ra chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer), các chứng mất trí nhớ và bệnh mãn tính khác.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng thực phẩm siêu chế biến và nhiều chất béo cũng có thể kích hoạt mức độ cao hơn của các dấu hiệu sinh học gây viêm khác như prôtêin phản ứng C, interleukin-6 và yếu tố hoại tử khối u alpha. Trong khi đó, các thành phần chống viêm như vitamin, carotenoid và flavonoid trong các loại thực phẩm như trái cây và rau củ có thể trung hòa các gốc tự do và các dấu hiệu viêm khác, đồng thời giảm căng thẳng cho cơ thể.

AN NHIÊN (Theo CNN, MedicalXpress) 

Chia sẻ bài viết