01/11/2020 - 20:43

Châu Phi “khát” nước 

Việc tìm kiếm nguồn nước ở Bulawayo - thành phố cách thủ đô Harare của Zimbabwe 450km về phía Nam - ngày càng trở nên khó khăn hơn, khiến dịch tiêu chảy bùng phát do người dân phải sử dụng nước bẩn.

Phụ nữ và trẻ em Zimbabwe lấy nước tại một khu vực ngoại ô thành phố Bulawayo. Ảnh: EAP

Phụ nữ và trẻ em Zimbabwe lấy nước tại một khu vực ngoại ô thành phố Bulawayo. Ảnh: EAP

Bulawayo “khát” nước phần lớn là do hậu quả của đợt hạn hán nghiêm trọng hồi năm ngoái. Tình hình trở nên đáng lo ngại khi lượng mưa được dự báo sẽ ít hơn trong năm nay. Theo số liệu của cơ quan y tế, Bulawayo ghi nhận 2.600 trường hợp mắc tiêu chảy kể từ tháng 6. Trong đó, đa số các ca là trẻ dưới 5 tuổi.

Bulawayo thiếu nước đến nỗi phụ nữ và trẻ em ở khu phố Sizinda phải ôm xô tìm kiếm nước khắp nơi. Tại một tuyến đường sắt ở khu phố này, hàng trăm người đổ xô vớt nước bùn đổ ra từ một đường ống bị vỡ, bất chấp những rủi ro về sức khỏe. “Chúng tôi đã 3 tháng nay không có giọt nước nào. Nghe nói nguồn cung cấp nước đã được khôi phục ở một số nơi nhưng ở đây thì không thấy gì. Đây là nơi chúng tôi thường lấy nước để sinh hoạt trong gia đình. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác” - Sibusisiwe Moyo, một công nhân đường sắt, bùi ngùi cho biết.

Một số cư dân giàu có của Sizinda thì tự đào giếng khoan và lắp máy bơm nước. Còn những người kém may mắn buộc phải xếp hàng tại các giếng khoan công cộng. Đáng lên án khi một số người lợi dụng tình trạng thiếu nước để trục lợi, bán thùng 25 lít nước lấy từ các giếng khoan với giá 2USD. Jennifer Ncube, thành viên lực lượng chống đại dịch COVID-19 địa phương, cho biết một số phụ nữ thậm chí bị lạm dụng tại các điểm lấy nước. Họ bị  người điều khiển máy bơm vòi tiền hoặc yêu cầu đổi tình lấy nước.

Trong bối cảnh trên, Edwin Sibanda, Giám đốc cơ quan y tế Bulawayo cho hay đơn vị này đang phân phối nước khắp thành phố bằng xe bồn nhưng vẫn “không thấm vào đâu”. Theo ông Sibanda, dịch tiêu chảy bùng phát ở các vùng ngoại ô đông dân cư của Bulawayo và tại Trường Cao đẳng Bách khoa Bulawayo. Ông này cho hay, mẫu phân của những người bị bệnh có chứa vi khuẩn salmonella, shigella và pseudomonas vốn có trong nguồn nước bẩn. Đáng lo ngại, hơn 2.000 trường hợp tiêu chảy và 13 ca tử vong đã được ghi nhận ở khu phố Luveve chỉ trong tháng 6. “Các biện pháp phòng ngừa tiêu chảy cũng giống như đối với COVID-19. Làm thế nào để bạn bảo mọi người rửa tay khi không có nước” - ông Sibanda bày tỏ.

Không chỉ riêng ở Bulawayo, khắp Zimbabwe đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nước do mưa ít và hạn hán kéo dài. Hầu hết chính quyền địa phương bị buộc phải hạn chế cung cấp nước. Ở một số khu vực, mực nước ngầm giảm mạnh, khiến các giếng khoan khó mang lại nguồn nước quý giá cho người dân. Những thách thức về nước đang làm trầm trọng thêm nền kinh tế ngày càng xấu đi của Zimbabwe. Lạm phát tại đây hiện ở mức hơn 800% trong khi các loại thực phẩm cơ bản ngày càng trở nên khó mua.

Thật ra, không chỉ Zimbabwe là quốc gia châu Phi thiếu nước nghiêm trọng. Dữ liệu từ Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc cho thấy 25 trong số 55 quốc gia lục địa đen sẽ thiếu nước trầm trọng vào năm 2025. Tại khu vực châu Phi cận Sahara, một cuộc khảo sát phát hiện hơn 2/3 dân số phải đi xa nhà lấy nước. Theo đó, gần 3,36 triệu trẻ em và 13,54 triệu phụ nữ ở đây mỗi ngày bỏ ra hơn 30 phút để đi lấy nước.

Số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc cho thấy mỗi ngày có khoảng 500 trẻ chết vì thiếu nước an toàn ở các nước châu Phi cận Sahara. Tình trạng thiếu nước sạch dễ dẫn tới sự bùng phát của tiêu chảy và dịch tả. Ước tính, khoảng 180.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại khu vực tử vong hàng năm do tiêu chảy.

TRÍ VĂN (Theo Guardian, CGTN)

Chia sẻ bài viết