01/02/2008 - 10:25

Châu Phi gặp khó

Nguyên thủ của 53 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi (AU) hôm qua bắt đầu hội nghị thượng đỉnh 3 ngày tại Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Chủ đề chính của hội nghị là phát triển công nghiệp, tìm kiếm sự đồng thuận trong việc bầu chọn chủ tịch ủy ban AU và chủ tịch luân phiên mới của khối này.

Lực lượng gìn giữ hòa bình AU. Ảnh: AFP

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lục địa đen đang đương đầu với nhiều thách thức mà nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ gây thảm họa cho nhiều nước trong khu vực. Đó là cuộc khủng hoảng chính trị và xung đột sắc tộc tại Kenya, vốn làm gần 1.000 người thiệt mạng trong hơn một tháng qua. Ngoài vấn đề Kenya, AU cũng đau đầu với việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Darfur (Sudan) và Somalie. AU từng gởi hàng ngàn binh sĩ đến khu vực miền Tây Sudan năm 2004, nhưng chẳng giúp cải thiện tình hình bất ổn an ninh ở đây. Hiện tại, AU đang thiếu thốn nhân lực và tài lực để thực hiện cam kết gởi binh sĩ tham gia lực lượng hỗn hợp 26.000 quân cùng với Liên Hiệp Quốc tại Darfur. AU cũng cam kết đưa 8.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Somalie đang bị chiến tranh tàn phá, song mới chỉ có 1.600 quân của Uganda và vài trăm lính Burundi được điều đến đây. Bên cạnh đó, căng thẳng biên giới giữa Ethiopia và Eritrea cũng khiến các nhà lãnh đạo AU tốn không ít thời gian tại hội nghị thượng đỉnh lần này.

Từ khi được thành lập năm 2002 theo mô hình Liên minh châu Âu (EU), người ta hy vọng AU sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm của châu lục như xung đột vũ trang, chính trị và tôn giáo thông qua việc làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình, cũng như cung cấp lực lượng gìn giữ hòa bình. Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm, ngân sách và trang thiết bị quân sự cần thiết nên các lực lượng duy trì hòa bình của AU không phát huy hiệu quả. Giờ đây, không chỉ tại Darfur và Somalie, AU còn rất nhiều điểm nóng khác trên khắp châu lục cần gởi quân đến như Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo...

Trong những năm qua, các nước phương Tây giàu có dường như huy động quá nhiều các nguồn lực cho cuộc chiến chống khủng bố và tranh giành ảnh hưởng tại các khu vực giàu dầu mỏ và có vị trí chiến lược mà không chú ý lắm đến việc giúp đỡ châu Phi nghèo khó. Cuộc chiến chống khủng bố ngày càng diễn biến phức tạp và chưa thấy hồi kết trong khi thế giới lại bắt đầu đối phó với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Tình cảnh này có lẽ khiến AU khó nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế nhằm vượt qua cái vòng luẩn quẩn của xung đột, nghèo đói và lạc hậu.

Tại hội nghị thượng đỉnh G8 hồi giữa năm ngoái, các nước giàu cam kết viện trợ cho châu Phi 60 tỉ USD (riêng Mỹ là 30 tỉ USD) để đối phó với dịch HIV/AIDS và các căn bệnh chết người khác. Tuy nhiên, số tiền thực tế lục địa đen nhận được thấp hơn nhiều.

PHÚC NGUYÊN (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết