16/11/2021 - 14:03

Châu Phi đủ chỗ cho Mỹ và Trung Quốc? 

Sáng kiến ​​Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) của Tổng thống Mỹ Joe Biden với mục tiêu đầu tư 40.000 tỉ USD vào các quốc gia đang phát triển, gồm cả châu Phi, vào năm 2035 được Washington xem là “giải pháp thay thế dựa trên giá trị, tiêu chuẩn chất lượng cao, tính minh bạch và sự thân thiện với khí hậu” đối với sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc.

Tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ ở Kenya. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sáng kiến do Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) phát động hồi tháng 6 nói trên và BRI thay vì trở thành đối trọng của nhau thì có thể bổ sung cho nhau, bởi cả hai đều có những mục tiêu và cách tiếp cận rất khác nhau.

“B3W dựa vào việc huy động vốn từ khu vực tư nhân trong khi BRI phần lớn được tài trợ bởi các khoản vay từ các tổ chức quốc doanh Trung Quốc” - David Shinn, giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Ðại học George Washington (Mỹ), cho biết. Ông Shinn nói rằng trong khi BRI tập trung phát triển cơ sở hạ tầng “cứng” như đường xá, đập… thì B3W đặt trọng tâm phát triển cơ sở hạ tầng “mềm” như khí hậu, y tế và an ninh, công nghệ kỹ thuật số, bình đẳng giới… “Có rất nhiều chỗ cho cả B3W và BRI nếu chúng được triển khai một cách thích hợp” - ông Shinn nhận định.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, một phái đoàn do Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Daleep Singh dẫn đầu đã xác định ít nhất 10 dự án đầy hứa hẹn ở Senegal và Ghana trong các chuyến thăm mới đây, sau khi đến thăm Colombia, Ecuador và Panama vào đầu tháng 10. W. Gyude Moore, chuyên gia chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Mỹ) cho rằng Washington có khả năng sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng và y tế ở 2 quốc gia châu Phi này. Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang chiếm ưu thế trong đầu tư cơ sở hạ tầng “cứng” tại châu Phi.

Dẫu vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây còn được cho khuyến khích các nguồn tài trợ của B3W khi tuyên bố rằng “có nhiều dư địa cho hợp tác cơ sở hạ tầng toàn cầu và các sáng kiến khác nhau không nhất thiết phải đối trọng nhau hay thay thế lẫn nhau”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân còn nói thêm rằng Washington và Bắc Kinh nên hợp tác cùng nhau để xây dựng thay vì phá bỏ các dự án, thúc đẩy kết nối hơn là tách rời nhau, tìm kiếm lợi ích chung và kết quả đôi bên cùng có lợi hơn là cô lập lẫn nhau và giành thế độc quyền.

Thế nhưng, liệu B3W và BRI sẽ bổ sung cho nhau hay không hiện vẫn còn là nghi vấn. Tim Zajontz, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Chính trị Quốc tế thuộc Ðại học Stellenbosch (Nam Phi), cho rằng các công ty Trung Quốc “cực kỳ cạnh tranh về chi phí” trong thị trường xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở lục địa đen, bởi chi phí huy động vốn của họ thấp hơn trong khi thời gian đầu tư dài hơn. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden và G7 xem B3W là đối trọng của BRI, nêu cao tính minh bạch, sự bền vững, quyền sở hữu dự án địa phương và tiêu chuẩn chất lượng cao của B3W - trọng tâm trong nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm “làm xanh” thế giới dưới sự lãnh đạo của Mỹ.

Nói về sức cạnh tranh giữa B3W và BRI, Benjamin Barton, phó giáo sư tại chi nhánh Malaysia Ðại học Nottingham (Anh) cho biết phép thử lớn nhất đối với B3W là liên quan đến ý tưởng đằng sau các dự án cơ sở hạ tầng thân thiện với khí hậu nhằm giúp đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Theo ông Barton, nếu B3W dựa vào cách tiếp cận truyền thống của phương Tây để cấp vốn phát triển thì sáng kiến này sẽ không thu được nhiều sức hút. Trái lại, BRI dù tồn tại nhiều sai sót nhưng vẫn rất hấp dẫn, bởi tính cạnh tranh về tài chính, chuyên môn về xây dựng, nguồn lao động, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng rẻ hơn và xu hướng chấp nhận rủi ro tài chính lớn hơn nên phù hợp với nhu cầu cơ sở hạ tầng của các quốc gia mới nổi. Vấn đề lớn nhất của BRI là hiệu quả đầu tư và gây ra những nghi vấn về “bẫy nợ” đối với các quốc gia nghèo trên khắp thế giới.

TRÍ VĂN (Theo SCMP) 

Chia sẻ bài viết