21/06/2019 - 08:02

Châu Âu quan tâm đến Biển Ðông 

Châu Âu đang tăng cường sự hiện diện hải quân trên Biển Ðông, góp phần nâng cao tính hợp pháp cho “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOP) của Mỹ và các đồng minh châu Á tại vùng biển này, theo báo Asia Times.

Khinh hạm Vendemiaire của Pháp. Ảnh: Taiwan News

Các cuộc tập trận gần đây của tàu chiến Anh và Pháp trên Biển Đông được cho là mang thông điệp rất rõ ràng rằng họ sẽ sát cánh với Mỹ để đối phó Trung Quốc. Tháng 1-2019, khinh hạm HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Mỹ USS McCampbell có hàng loạt cuộc tập trận chung kéo dài 6 ngày chưa từng có tại Biển Đông nhằm thúc đẩy “an ninh và thịnh vượng khu vực”. Trước đó, tàu đổ bộ HMS Albion của Anh tham gia diễn tập chống tàu ngầm cùng với Mỹ và Nhật Bản gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chưa hết, trong vài tuần tới, Anh sẽ tiếp tục triển khai hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth cùng hai phi đội máy bay chiến đấu F-35B Lightning II đến Biển Đông. Trong một động thái hiếm thấy, hồi đầu tháng 4 vừa qua, khinh hạm Vendemiaire của Pháp cũng đã đi qua Eo biển Đài Loan, dẫn đến phản ứng kịch liệt từ phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly sau đó còn khẳng định sẽ tiếp tục điều chiến hạm đến Biển Đông ít nhất 2 lần/năm. Cả Luân Đôn và Paris đều lập luận rằng những hoạt động như thế là nỗ lực thường xuyên để duy trì “tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế”.

Không đứng ngoài cuộc, Đức cũng có thể sớm đánh dấu sự hiện diện ở Biển Đông, khi có thông tin cho rằng các quan chức cấp cao đang cân nhắc điều tàu chiến đến vùng biển này để tham gia FONOP do Mỹ dẫn đầu. Nếu vậy, nhiều khả năng Berlin sẽ phải rút các chiến hạm hiện được triển khai cho các chiến dịch của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 10 năm ngoái tuy không trực tiếp đề cập đến Biển Đông, nhưng nói rõ rằng “các tuyến hàng hải phải duy trì sự tự do và không nên trở thành nơi để thể hiện sức mạnh”. Việc tàu chiến Đức hiện diện tại Biển Đông chắc chắn sẽ gây khó chịu cho Bắc Kinh và càng khơi dậy những lo ngại của Trung Quốc về cái gọi là “vòng vây của phương Tây”.

Thật ra, sự hiện diện quân sự của châu Âu ở Biển Đông vẫn còn khiêm tốn, nhưng việc ngày càng nhiều cường quốc phương Tây “chung ý tưởng” điều động chiến hạm đến đây cho thấy nỗi lo chung về tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Sự can dự của châu Âu cùng với sự tham gia của Úc, Ấn Độ và Nhật Bản vào các cuộc tập trận chung và FONOP của Mỹ đang tạo nên một “liên minh tình nguyện” trên Biển Đông. Các cuộc tập trận đa phương do Mỹ dẫn đầu đang gia tăng về quy mô lẫn tần suất nhằm phản ứng trước các hoạt động quân sự hóa gần đây của Trung Quốc tại các bãi đá và đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông. Vì thế, việc hình thành một liên minh như vậy góp thêm áp lực mà Mỹ đang gia tăng lên Trung Quốc, nước ngang nhiên tuyên bố chủ quyền chiếm gần trọn Biển Đông và đang tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển dưới vỏ bọc tàu cá với chiến thuật cưỡng ép chống lại các nước có tranh chấp
chủ quyền.

THANH BÌNH

 

Chia sẻ bài viết