23/04/2011 - 23:14

Châu Á với cuộc chạy đua trang bị tàu ngầm

Để bảo vệ bờ biển của mình, nhiều quốc gia châu Á đang đầu tư mạnh cho hải quân, đặc biệt là mua sắm tàu ngầm.

Trong thập kỷ tới, các nước châu Á (không kể Trung Quốc) dự định chi hơn 50 tỉ USD mua ít nhất 90 tàu ngầm. Đơn đặt hàng của họ bây giờ không chỉ nhắm vào loại tàu ngầm động cơ diesel- điện thông thường nữa mà còn tìm kiếm các tàu ngầm hạt nhân.

Sau Chiến tranh lạnh, tàu ngầm được coi là vũ khí tối tân chỉ dành trang bị cho các lực lượng hải quân hiện đại nhất, vì thế nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương luôn mong muốn sở hữu chúng. Tuy nhiên, vì giá cả quá cao cộng với chi phí vận hành và bảo dưỡng vượt ngoài khả năng kinh tế của các quốc gia trong khu vực nên trong suốt thời gian này, chỉ có một số ít nước có khả năng “kết nạp” tàu ngầm vào lực lượng hải quân của mình.

 Một chiếc tàu ngầm lớp Astute.  Ảnh: biztechreport.com

Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua ở châu Á nhằm nâng cao năng lực chiến đấu trên biển bằng việc đưa vào sử dụng nhiều tàu ngầm hạt nhân. Các quốc gia khác như Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Pakistan, Thái Lan, Indonesia... cũng có kế hoạch mua thêm nhiều tàu ngầm.

Với hơn 60 tàu ngầm, trong đó có 10 chiếc sử dụng năng lượng hạt nhân, Trung Quốc là nước có hạm đội tàu ngầm hùng hậu nhất khu vực. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc đang có kế hoạch hiện đại hóa số tàu ngầm hiện có bằng cách từng bước loại bỏ các tàu ngầm lớp Romeo động cơ diesel hơn 30 năm tuổi và thay thế bằng các tàu lớp Ming, Song hoặc sử dụng tàu ngầm Kilo của Nga. Ngoài ra, nước này còn dự định mua thêm tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Akula của Nga và tự đóng tàu ngầm hạt nhân có trang bị tên lửa đạn đạo.

Ấn Độ cũng đã thông qua kế hoạch chi 11 tỉ USD để mở rộng hạm đội tàu ngầm. Hải quân nước này đang sử dụng 4 tàu ngầm lớp Shisumar, 10 tàu Sindhugosh và 2 tàu Foxtrot. Hiện Ấn Độ cũng đang đặt hàng 6 tàu ngầm Scorpene và dự định mua thêm 6 tàu hiện đại nữa.

Không nằm ngoài cuộc đua, gần đây Pakistan cũng quyết định mua 6 tàu ngầm từ Trung Quốc. Trước đó, quốc gia này sở hữu 5 tàu ngầm lớp Agosta và 4 tàu Daphne.

Nhật Bản hiện đang sở hữu 18 tàu ngầm lớp Harushio và Oyashio sử dụng động cơ diesel. Trong thời gian sắp tới cường quốc này có kế hoạch triển khai thêm nhiều tàu ngầm Soryu hiện đại hơn nhiều.

Hải quân Hàn Quốc hiện có 9 tàu ngầm lớp Chang Bogo và 2 tàu Sohn Wonyil. Dự định vào năm 2018, Hàn Quốc sẽ đóng thêm 7 chiếc Sohn Wonyil theo công nghệ của Đức.

Chính phủ Úc thì đang có kế hoạch nâng cấp hạm đội tàu ngầm của mình sang thế hệ tàu ngầm mới hơn để thay chỗ cho các tàu lớp Collins, dự kiến sẽ “về hưu” vào năm 2026. Công việc thiết kế tàu ngầm mới sẽ bắt đầu vào năm 2014-2015 và đây sẽ là vụ chi “đậm” nhất cho quốc phòng từ trước đến nay, tiêu tốn đến 25 tỉ USD và mất 17 năm để hoàn thành.

Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước cũng đang xúc tiến kế hoạch mua sắm tàu ngầm. Indonesia có kế hoạch mua thêm ít nhất 12 tàu ngầm trước năm 2024 bao gồm các tàu ngầm đặt hàng từ Hàn Quốc, Nga và Đức. Hiện tại, Malaysia có 2 tàu ngầm Scorpene trong khi Singapore có 4 tàu lớp Sijoormen, trước đây thuộc hải quân hoàng gia Thụy Điển. Nhưng cả Malaysia và Singapore vẫn đang đặt hàng các tàu ngầm tối tân hơn để thay thế đội tàu cũ.

THÁI THANH (Theo Biztechreport, Rediff, Topsecretweapon)

Chia sẻ bài viết