Những năm gần đây, nội dung châu Á trở nên phổ biến toàn cầu, nhất là trên các nền tảng trực tuyến. Nhiều hãng lớn như Netflix, Disney, Apple, Warner Bros Discovery, hay Hulu, Rakuten Viki… đều chú trọng đầu tư cho nội dung châu Á.

“Squid Game” từng góp phần làm nên cơn sốt cho nội dung Hàn Quốc trên Netflix toàn cầu. Năm 2024, “Squid Game” trở lại với mùa thứ hai.
Netflix hiện có 260 triệu khách hàng trả phí trên toàn thế giới, dẫn đầu số lượng thuê bao dịch vụ phát trực tuyến tính đến thời điểm hiện nay. Kế đến là Disney+ có 111,3 triệu khách hàng đăng ký, còn Warner Bros Discovery có 97,7 triệu. Có thể thấy các hãng đang cạnh tranh khốc liệt để gia tăng lượt người đăng ký trả tiền. Trong đó châu Á trở thành thị trường được chú trọng đầu tư. Ðối với các hãng trực tuyến, châu Á không chỉ là thị trường để mở rộng lượng khách hàng mà còn là nơi có thể khai thác các nội dung bản địa đa dạng, tạo sức hút cho nền tảng.
Cụ thể, Netflix thành lập trung tâm sản xuất ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều trung tâm tại châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Ấn Ðộ… Netflix cũng đã thành công với loạt nội dung giải trí, phim ảnh châu Á, được phát triển dịch sang nhiều ngôn ngữ trên toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng một phần nguyên nhân là việc sản xuất ở nước ngoài thường rẻ hơn so với sản xuất chương trình ở Mỹ. Brandon Katz, làm việc tại Công ty khoa học dữ liệu Parrot Analytics, đánh giá: “Ngân sách sẽ đội lên rất nhiều nếu sản xuất tại Mỹ. Vì thế những chương trình có nội dung Hàn Quốc, Ấn Ðộ… càng phù hợp sản xuất ở địa phương”.
Thực tế, việc sản xuất tại địa phương không chỉ tiết kiệm chi phí vì tận dụng nguồn lao động tại chỗ mà còn tạo cho nội dung đậm chất bản địa. Cụ thể, Walt Disney đã có kế hoạch đào tạo đội ngũ sáng tạo nội dung và xây dựng video tại châu Á khi đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ phát trực tuyến video Disney+ ở khu vực này. Khoảng 100-200 người ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc, Úc và các nơi khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Walt Disney lựa chọn để tham gia quá trình đào tạo và thực hiện các nội dung ở khu vực này. Có khoảng 50 tác phẩm cho khu vực châu Á được đưa vào đầu tư sản xuất trong năm 2023. Trong chiến lược phát triển, Walt Disney có xác định Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường được đầu tư trọng tâm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bởi phim truyền hình Hàn Quốc và phim hoạt hình Nhật Bản luôn có sức hấp dẫn trên toàn cầu.
Thực tế, nội dung châu Á tăng trưởng rõ ràng trong những năm gần đây. Rakuten Viki, dịch vụ phát trực tuyến thuộc sở hữu của doanh nghiệp thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản), thông tin về sự gia tăng đột biến nhiều nội dung ngôn ngữ châu Á. Theo đó, nội dung tiếng Hàn chiếm phần lớn trong số lượng tiêu thụ trên dịch vụ, bên cạnh là các chương trình tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Thái. Karen Paek, Phó Chủ tịch bộ phận tiếp thị của Rakuten Viki, nói “Chúng tôi thấy rõ sự thay đổi thị hiếu qua phân tích số lượng người xem, đặc biệt là cả những người không phải là ở châu Á”. Nhà đầu tư John Engle, Chủ tịch của Almington Capital Merchant Bankers (Mỹ), nhận định: “Tại châu Á, Ðông Nam Á hiện là thị trường rộng lớn và không ngừng phát triển. Ðây là lý do khiến Disney dành nhiều thời gian để điều chỉnh nội dung và sản xuất những loạt phim bom tấn hướng tới thị trường châu Á”.
BẢO LAM
(Tổng hợp từ South China Morning Post, CNBC, Asia Nikkei)