18/02/2008 - 09:49

Châu Á đổ xô xây nhà máy điện hạt nhân

Trung Quốc có kế hoạch thay thế các nhà máy nhiệt điện bằng lò phản ứng hạt nhân. Ảnh: Reuters

Các nước Đông Nam Á, từng hưởng lợi từ xuất khẩu dầu khí hồi thập niên 1970 -1980, đang nghiên cứu khai thác các nguồn năng lượng mới do trữ lượng “vàng đen” ngày càng cạn kiệt. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN 13 tổ chức ở Singapore cuối năm 2007, các nhà lãnh đạo khu vực nhất trí tăng cường phát triển năng lượng hạt nhân dân dụng, dù trước đó (năm 1971) ASEAN cam kết là khu vực phi hạt nhân.

Đông Á là nơi có số lượng lò phản ứng hạt nhân tăng nhanh nhất thế giới. Khu vực này hiện có 109 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, 18 nhà máy khác đang xây dựng và khoảng 110 nhà máy còn nằm trong kế hoạch. Ngoài ra còn có 56 lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu. Trong số các quốc gia quan trọng ở vành đai Thái Bình Dương, chỉ có New Zealand và Singapore là không có các lò phản ứng phục vụ nghiên cứu. Các nước phát triển mạnh năng lượng hạt nhân là Nhật (55 lò), Hàn Quốc (20), Ấn Độ (15), Trung Quốc (10). Nhật, nơi năng lượng hạt nhân chiếm gần 30% sản lượng điện, đang xây 2 nhà máy mới và dự kiến sẽ thiết lập thêm 10 nhà máy nữa.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan cho biết sẽ đưa vào hoạt động 4 nhà máy điện hạt nhân có tổng công suất 4.000 MW vào năm 2020-2021. Tuy là nước xuất khẩu dầu mỏ, đồng thời là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới nhưng Indonesia hiện đang xúc tiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên bán đảo Miura. Kế hoạch của Jakarta là xây dựng 4 nhà máy với công suất mỗi nhà máy 1.000 MW, dự kiến hoàn tất vào năm 2017. Myanmar thì tuyên bố sẽ xây lò phản ứng hạt nhân để phục vụ nghiên cứu và bắt đầu gởi chuyên gia kỹ thuật sang Nga tập huấn. Một quốc gia khác cũng có ý định phát triển điện hạt nhân phục vụ công cuộc công nghiệp hóa là Malaysia. Mặc dù thu được lượng ngoại tệ khổng lồ từ công ty dầu khí quốc doanh Petronas trong suốt mấy thập niên qua, nhưng Phó Thủ tướng Najib Tun Razak cho rằng việc trữ lượng nhiên liệu hóa thạch cạn kiệt làm cho năng lượng hạt nhân trở thành sự lựa chọn của nước này. Trong khi đó, Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị cho việc xây nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận và đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2017-2020. Nhà máy dự kiến có công suất 2.000 MW với kinh phí xây dựng 3,4 tỉ USD. Dù chưa có kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân (do dồi dào thủy điện) nhưng theo Phó Thủ tướng Lào Bounhang Vorachith, mọi quốc gia cần được quyền hưởng lợi từ năng lượng hạt nhân hòa bình.

T.A (Theo Atimes, UIC)

Chia sẻ bài viết