11/10/2016 - 11:14

Châu Á chiếm lĩnh thị phần nhập khẩu dầu từ Iran

Nhật báo Phố Wall (WSJ) của Mỹ cho biết mối quan hệ năng lượng giữa Iran và châu Á ngày càng được thắt chặt khi các nước khu vực đang đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô từ Cộng hòa Hồi giáo trong lúc tiến trình cải thiện quan hệ giữa Tehran với đối tác châu Âu đang chậm lại.

Dầu mỏ Iran sắp trở lại thời hoàng kim

Theo WSJ, Iran đang dần tìm lại chỗ đứng trên thị trường dầu thô thế giới sau khi Mỹ và châu Âu hồi đầu năm nay chấp nhận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan chương trình hạt nhân của Tehran. Số liệu hồi tháng 8 cho thấy, sản lượng dầu mỏ của Tehran đạt khoảng 3,6 triệu thùng dầu/ngày và sắp sửa đạt mức trước khi bị cấm vận 4 triệu thùng/ngày.

Iran đang giành lại thị phần xuất khẩu dầu thô khi nhu cầu năng lượng tại châu Á tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Report.az

Một quan chức Iran trong ngành năng lượng cho biết các nước châu Âu năm nay cũng bắt đầu đẩy mạnh nhập khẩu dầu thô từ Iran với hơn 500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích địa chính trị Richard Mallinson của hãng tư vấn Energy Aspects cho biết tiến trình hợp tác giữa Iran với nhiều nước phương Tây vẫn còn bị giới hạn do các lệnh trừng phạt riêng biệt ảnh hưởng đến giao dịch đồng USD và quá trình vận chuyển.

Trái với châu Âu, xuất khẩu dầu mỏ của Iran tại thị trường châu Á hồi tháng 8-2016 đã tăng vọt lên 81% so với cùng kỳ năm ngoái và là đợt tăng mạnh nhất kể từ tháng 4-2014. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là bốn đối tác châu Á lớn nhất của quốc gia Trung Đông này. Tính đến tháng 8, mức nhập khẩu dầu thô từ Iran của Nhật Bản tăng trung bình 45% so với năm 2015 trong khi sản lượng của Hàn Quốc tăng hơn gấp đôi. Riêng Ấn Độ, con số này tăng gần gấp ba so với năm ngoái, đạt 576.000 thùng/ngày, còn đối tác lớn nhất của Iran là Trung Quốc tăng 48% với sản lượng 749.000 thùng/ngày.

Châu Á rộng cửa đầu tư dầu khí tại Iran

Hiện tại, Trung Quốc và Ấn Độ đang có kế hoạch nắm giữ thêm nguồn cung từ Iran với các dự án lớn đầu tư vào hạ tầng dầu mỏ và khí đốt tại đây. Hai tập đoàn dầu khí quốc gia hàng đầu Trung Quốc đang trong giai đoạn đàm phán phát triển hai mỏ dầu lớn ở miền Tây Iran. Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ đã ký thỏa thuận sơ bộ trị giá 10 tỉ USD phát triển mỏ khí đốt Farzad-B của Iran. Ngay cả Pertamina, tập đoàn dầu khí quốc gia Indonesia, cũng đã ký bản ghi nhớ đầu tư khai thác hai mỏ dầu ở miền Tây Iran.

Được biết, Tehran đang cần nguồn đầu tư khoảng 130 tỉ USD để phát triển ngành năng lượng sau nhiều năm bị cấm vận. Theo Tổng lãnh sự Iran tại Hồng Công và Ma Cao Mehdi Fakheri, Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế nhất, thậm chí đang nắm trong tay toàn bộ thị trường dầu thô Iran bởi Bắc Kinh trước đó vẫn mua dầu của Iran trong suốt thời gian nước này bị cấm vận.

Tại hội nghị về năng lượng hồi tháng 9, Giám đốc phụ trách marketing Công ty dầu khí quốc gia Iran Mohsen Ghamsari cho biết nhu cầu dầu mỏ của châu Á đang ngày càng mở rộng sau cuộc khủng hoảng năm 2008 và sẽ tiếp tục trong những năm tới. Theo WSJ, điều này bộc lộ mối quan hệ năng lượng ngày càng sâu sắc giữa Iran và châu Á vốn tập trung những thị trường dầu thô tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Ước tính, tổng sản lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc năm nay tăng 14%, gần gấp đôi so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu dầu thô của Mỹ.

Một trong những yếu tố đằng sau thành công của Iran tại thị trường châu Á chính là việc nước này chấp nhận bán dầu thô với giá thấp hơn so với nhiều đối thủ, chẳng hạn Saudi Arabia. Theo chuyên gia phân tích cao cấp Eugene Lindell tại quỹ JBC Energy, giá dầu thô Iran xuất khẩu tại thị trường châu Á năm nay thấp hơn khoảng 25 cent/thùng so với Saudi Arabia. Tuy nhiên, Tehran hiện cũng đang cân nhắc việc giảm sâu giá dầu thô do lo ngại nguồn tài nguyên quý giá bị bán đi với giá quá rẻ. Ngoài giá thành, các nhà phân tích cho biết sự gần gũi về địa lý tạo điều kiện hệ thống nhà máy lọc dầu trong khu vực điều chỉnh xử lý dầu từ Iran cũng là yếu tố làm nên vị thế của Iran trong thị trường xuất khẩu dầu thô ở châu Á.

MAI QUYÊN (Theo Wall Street Journal)

Chia sẻ bài viết