TP Cần Thơ hiện có 4.288 nạn nhân chất độc da cam (CÐDC); trong đó có trên 3.300 nạn nhân là người khuyết tật, hơn 1.000 nạn nhân không tự phục vụ được, 475 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngay từ đầu nhiệm kỳ (2022-2027), Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin thành phố tập trung triển khai 6 chương trình chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Trong đó, mô hình “Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân tại cộng đồng” được thực hiện trong toàn thành phố và phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp các nạn nhân CÐDC từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, hòa nhập với cộng đồng.
![Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2024/20241205/images/10-1.webp)
Bà Võ Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Nạn nhân CÐDC/dioxin TP Cần Thơ tặng quà cho các nạn nhân CÐDC tham gia mô hình “Giúp nạn nhân phát triển kinh tế” tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn.
TP Cần Thơ hiện có 39 xã, phường, thị trấn triển khai xây dựng mô hình “Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân tại cộng đồng” cho 755 nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn, với 383 tình nguyện viên tham gia. Mô hình được Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp đặt tên gọi phù hợp với tình hình hoạt động tại địa phương.
Anh Nguyễn Trường Sơn sinh năm 1978, ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn là nạn nhân CĐDC. Anh gặp khó khăn trong việc đi đứng, nhưng rất giàu nghị lực. Nỗ lực vượt qua bệnh tật, anh thực hiện có hiệu quả mô hình chăn nuôi và trồng trọt trên 1.000m2 đất của cha mẹ cho. Anh Sơn chia sẻ: “Năm 2020, nhờ Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Cần Thơ hỗ trợ 5 triệu đồng vốn không lãi, tôi mua máy tưới và bình xịt sâu để thuận lợi chăm sóc vườn mận”. Đầu năm 2024, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin quận Ô Môn thành lập mô hình “Giúp nạn nhân phát triển kinh tế” tại phường Trường Lạc, với 6 thành viên đều là những nạn nhân CĐDC, do anh Sơn làm tổ trưởng. Qua đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thành phố tiếp tục hỗ trợ vốn không lãi cho anh cùng các thành viên tham gia mô hình, mỗi người vay 5 triệu đồng, để chăn nuôi gà, ếch, trồng mận, sầu riêng và mua bán nhỏ... cải thiện cuộc sống.
Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin quận Ô Môn hiện đang quản lý 11 mô hình “Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân tại cộng đồng” với 117 thành viên tham gia. Trong đó, nổi bật là mô hình “Chăm lo nữ nạn nhân nuôi con, nuôi cha mẹ già” thành lập từ tháng 5-2023, với 15 nữ nạn nhân tại 7 phường. Mô hình này do Quận hội phối hợp Hội LHPN quận vận động gạo, nhu yếu phẩm để hỗ trợ các hộ hằng tháng. Hay như mô hình “Giúp nạn nhân phát triển kinh tế” thành lập từ tháng 4-2024, với 18 thành viên tại 3 phường có cùng nhóm chăn nuôi, làm vườn, mua bán... Mỗi thành viên được vay 5 triệu đồng vốn không lãi từ Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thành phố. Bên cạnh đó, Quận hội phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ các thành viên vay 507 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.
Quận Cái Răng hiện đang triển khai mô hình “Giúp đỡ hội viên CĐDC vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo” và “Tổ y tế cộng đồng”, “Cộng đồng chăm sóc nạn nhân CĐDC” tại 4 phường Lê Bình, Phú Thứ, Thường Thạnh và Ba Láng, với 18 tình nguyện viên tham gia chăm sóc 45 nạn nhân. Theo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin phường Ba Láng, toàn phường hiện có 71 hội viên, với 63 nạn nhân CĐDC, trong đó có 4 nạn nhân đặc biệt nặng. Tháng 4-2024, phường thành lập mô hình “Tổ y tế cộng đồng” với 15 nạn nhân và 5 tình nguyện viên. Đến nay, mô hình đã tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc cho 90 lượt nạn nhân tại hộ gia đình; đồng thời kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể phường vận động tặng quà các nạn nhân. Bà Cao Thị Hồng Nhung 52 tuổi, ở khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, nói: “Gia đình tôi có 3 người. Chồng tôi 62 tuổi và con trai 13 tuổi đều bị liệt. Mỗi sáng, sau khi chăm sóc sức khỏe cho chồng con, tôi chạy xe máy vào các nhà vườn mua rau, củ, quả và ốc... chở ra chợ Cái Răng bán kiếm lời. Từ số tiền mua bán cộng thêm tiền bảo trợ xã hội của con trai, hằng tháng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Chồng và con tôi được Tổ Y tế cộng đồng đến nhà khám bệnh, phát thuốc miễn phí”.
Qua khảo sát thực tế hoạt động của các mô hình “Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân tại cộng đồng” ở xã, phường, thị trấn, Thành hội nhận định, mô hình “Tổ y tế cộng đồng” mang lại hiệu quả cao. Tổ y tế thường xuyên tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các nạn nhân CĐDC đặc biệt nặng tại gia đình; đồng thời huy động được nhiều hội, đoàn thể tham gia, cùng với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp chăm lo nạn nhân. Theo bà Võ Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Cần Thơ, tới đây, Hội sẽ đăng ký với Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ mở rộng thêm 6 mô hình tại các địa phương, với mong muốn giúp đỡ nạn nhân và gia đình các nạn nhân ngày càng tốt hơn.