27/11/2008 - 21:00

Chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não

Bác sĩ chuyên khoa II NGUYỄN VĂN KHOE
và Điều dưỡng trưởng khoa LÊ THU NGÂN

Theo thống kê của Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, khoảng 50% bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa là những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Thông thường, sau cấp cứu, việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe của bệnh nhân rất quan trọng, giúp họ sớm phục hồi, không bị tai biến tái phát. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cần thiết về bệnh tai biến mạch máu não và cách chăm sóc bệnh nhân.


Bệnh nhân N.N.L, 78 tuổi, ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, được chuyển đến Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, ngày 19-10-2008, trong tình trạng lơ mơ, không tiếp xúc, liệt tay chân trái, huyết áp 160/90 mmHg, phổi trong, bụng mềm... Theo người nhà bệnh nhân, vào chiều 18-10-2008, bệnh nhân đột nhiên nói khó, liệt tay và chân trái. Khi đưa vào Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết não, tăng huyết áp. Sau đó, diễn biến bệnh nặng hơn, bệnh nhân tiêu, tiểu không tự chủ... Tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân N.N.L được chẩn đoán bị nhồi máu não, kèm với tăng huyết áp, rung nhĩ. Nhờ được cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, qua hơn 1 tuần, bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo, sức khỏe dần khá hơn. Tuy tiếp xúc còn chậm, liệt tay và chân trái nhưng bệnh nhân đã tỉnh táo, thực hiện được theo y lệnh của bác sĩ.

 Nhân viên điều dưỡng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đang chăm sóc cho bệnh nhân tai biến mạch máu não. Ảnh: B.NG

Tương tự, bệnh nhân P.V.H, 76 tuổi, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nhập viện ngày 21-10-2008, trong tình trạng hôn mê, cổ gượng, liệt tay và chân trái, rối loạn nhịp thở, có cơn ngưng thở. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản để hỗ trợ hô hấp, làm các xét nghiệm cơ bản, chụp CT Scanner sọ não. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não, tăng huyết áp, kèm theo đái tháo đường type 2. Qua 3 ngày điều trị, bệnh nhân dần tỉnh lại, gọi mở mắt, huyết áp 120/80 mmHg, nhịp tim đều, tự thở được. Qua 7 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh hơn, thực hiện theo y lệnh nhanh và chính xác, thở đều, tim đều, huyết áp 130/80 mmHg, bụng mềm; tuy nhiên, còn liệt tay và chân trái, ăn qua sonde.

Bệnh nhân L. và H. là những trường hợp tai biến mạch máu não được điều trị kịp thời. Tai biến mạch máu não là một cấp cứu nội khoa nên cần được chẩn đoán chính xác và xử trí kịp thời thông qua việc đảm bảo hô hấp cho bệnh nhân, điều chỉnh tim mạch, rối loạn nước điện giải, chống phù não... Với một số trường hợp xuất huyết tiểu não, xuất huyết não lớn hoặc nhồi máu não diện rộng, phải kết hợp với ngoại thần kinh để phẫu thuật. Ngoài ra, việc theo dõi dinh dưỡng, chăm sóc, vật lý trị liệu... cũng giúp bệnh nhân mau hồi phục.

Nuôi ăn qua sonde dạ dày đối với bệnh nhân tai biến mạch máu não

Trước mỗi lần bơm, phải kiểm tra lại ống sonde có đúng vị trí và có bị nghẹt hay không. Mỗi lần bơm từ 200 ml đến 250 ml thức ăn, mỗi lần bơm cách nhau khoảng 3 giờ. Trung bình mỗi ngày bệnh nhân được cho ăn qua sonde từ 5 - 6 lần. Khoảng 7 ngày thì thay ống sonde mới cho người bệnh. Lượng thức ăn cho qua sonde phải lỏng, đầy đủ thành phần, đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với từng bệnh lý. Chẳng hạn, bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim cần hạn chế muối; bệnh nhân béo phì, rối loạn lipid máu thì cử mỡ; người bệnh tiểu đường phải cử ngọt, hạn chế tinh bột và cần ăn nhiều rau xanh.

Đến khi bệnh nhân ăn được bằng miệng, cần tập ăn cho bệnh nhân. Thức ăn phải lỏng, ăn với lượng ít và tăng dần. Lúc này, thức ăn bơm qua sonde cũng giảm dần đến khi bệnh nhân ăn được khá và uống sữa, súp không bị sặc thì rút sonde dạ dày.

Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não cần được theo dõi nhịp thở hằng ngày, xem có nhanh, chậm, rối loạn hay không và theo dõi huyết áp. Nếu huyết áp tăng cao hơn 200mmHg hoặc có rối loạn nhịp tim thì phải báo ngay cho bác sĩ. Bệnh nhân hôn mê, rối loạn nhịp thở, cần được đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp. Nếu người bệnh béo phì, cổ to và ngắn, thở có ngáy to thì phải đặt canyl miệng để tránh tụt lưỡi làm cản trở đường hô hấp.

Ngoài ra, điều dưỡng phải theo dõi tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân tai biến mạch máu não. Những bệnh nhân rối loạn tri giác hoặc bệnh nhân tỉnh nhưng bị sặc khi nuốt, cần được đặt sonde dạ dày. Trong trường hợp này, việc đặt sonde dạ dày ngoài mục đích dinh dưỡng, sử dụng thuốc, còn để theo dõi bệnh nhân có bị xuất huyết tiêu hóa hay không. Đặt sonde tiểu khi bệnh nhân bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ để theo dõi số lượng và màu sắc nước tiểu. Đồng thời, giữ khô ráo vùng mông cho bệnh nhân để đề phòng nhiễm trùng và tập cho cơ vòng mau hồi phục. Trong những trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông, cần theo dõi người bệnh có bị xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu có máu. Điều dưỡng sẽ dùng thang điểm glasgow để đánh giá và theo dõi rối loạn ý thức của bệnh nhân; quan sát vẻ mặt, nhân trung, vận động của chi khi bệnh nhân thực hiện y lệnh để đánh giá tình trạng liệt.

Bệnh nhân tai biến mạch máu não thường bị liệt và hôn mê nên điều dưỡng phải chăm sóc các hốc tự nhiên 2- 3 lần trong một ngày và thay drap giường, quần áo ít nhất 1 lần/ ngày. Để bệnh nhân nằm nghiêng bên phải, trái, kết hợp với vỗ lưng làm long đàm và hút sạch đàm, nhằm tránh ngạt và viêm phổi. Do bị liệt nên bệnh nhân vận động rất hạn chế, có người không cử động được nên dễ bị cứng khớp, teo cơ, để lại di chứng nặng nề, viêm tắc tĩnh mạch, loét vào những vị trí cơ thể tì đè. Để tránh xảy ra các biến chứng trên, bệnh nhân cần được xoay trở thường xuyên, nằm nệm hơi hoặc nệm nước, kết hợp với vật lý trị liệu càng sớm càng tốt.

Khi xuất viện, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ, điều dưỡng về cách thức vệ sinh, chế độ ăn uống... Bệnh nhân phải cử rượu, thuốc lá, tăng cường mức độ luyện tập và hoạt động, uống thuốc đúng theo toa và tái khám đúng theo lời dặn của bác sĩ, tránh những yếu tố có thể xảy ra stress tâm lý, nóng, lạnh đột ngột nhằm tránh tai biến mạch máu não tái phát.

Chia sẻ bài viết