|
Shinjiro Koizumi, con trai cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Ảnh: Reuters |
Việc đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện cuối tuần qua đã phá vỡ sự “độc tôn” nắm quyền gần như suốt 54 năm của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Người dân đất nước Mặt trời mọc đang hồ hởi nói về sự thay đổi lịch sử này, nhưng có một vấn đề không dễ gì lay chuyển là truyền thống “cha truyền con nối” trong nền chính trị Nhật. Mỹ có dòng họ Bush và Kennedy, Ấn Độ có Gandhi, nhưng rất ít quốc gia hiện tượng này rõ nét như ở Nhật.
Trong cuộc tranh cử vừa qua, hai ứng viên thủ tướng đã gợi lại cuộc chiến giữa hai gia đình, xảy ra hồi thập niên 1950 giữa những người ông của họ. Chủ tịch DPJ Yukio Hatoyama, người sẽ trở thành tân thủ tướng Nhật vào giữa tháng 9 tới, xuất thân từ gia đình có 4 thế hệ làm chính trị. Ông cố Kazuo Hatoyama từng làm Chủ tịch Hạ viện; ông nội Ichiro Hatoyama làm Thủ tướng và từng tranh cử quyết liệt với Thủ tướng Shigeru Yoshida, ông ngoại của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Taro Aso; và cha Iichiro Hatoyama là cựu Ngoại trưởng. Ngoài ra, anh trai Kunio Hatoyama vừa mới thôi chức Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông hồi giữa tháng 7-2009.
Thủ tướng Aso, người thất bại trong cuộc bầu cử ngày 30-8, cũng đứng trong hàng ngũ “danh gia vọng tộc” trên chính trường Nhật. Ông là cháu ngoại của một trong những thủ tướng có ảnh hưởng nhất nước Nhật Shigeru Yoshida, người đã tái thiết Nhật sau thất bại ở Thế chiến thứ hai. Vợ ông Chikako Suzuki, là con gái của cựu Thủ tướng Zenko Suzuki. Ngoài ra, ông còn có người em gái được gả vào hoàng tộc.
Tuy LDP thất bại, nhưng một trong những ứng viên đáng chú ý của đảng này là Shinjiro Koizumi, 28 tuổi, con trai cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi, đã giành được ghế dân biểu của cha mình ở tỉnh Kanagawa. Từ đầu thế kỷ 20, gia đình Koizumi đã nổi lên trên chính trường Nhật và Shinjiro là chính khách thế hệ thứ tư trong dòng họ này. Ngoài cha làm thủ tướng giai đoạn 2001-2006, ông nội Yunya Koizumi từng là tổng giám đốc Cơ quan Phòng vệ (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay); ông cố Matajiro Koizumi từng là Bộ trưởng Bưu chính- Viễn thông.
Theo thống kê, trong cuộc bầu cử vừa qua, khoảng 30% ứng viên của LDP và khoảng 10% của DPJ đã tranh cử chiếc ghế nghị viện trước đây do một thành viên trong gia đình họ nắm giữ.
Hệ thống chính trị Nhật bị nhiều người chỉ trích là tạo ra sự thừa kế chính trị, ngăn cản những người tài không phải “con ông cháu cha”. Để làm giảm bớt sự bất mãn, DPJ đã thông qua quy định nội bộ cấm bất kỳ người thân trong 3 đời tranh cử ở khu vực bầu cử mà người đi trước đã thành công. LDP cũng nỗ lực “theo gót” DPJ, nhưng bị phe bảo thủ trong nội bộ đảng phản đối.
N. KIỆT
(Theo AFP, BBC, Washingtonpost)