28/07/2009 - 09:29

Đọc “Khi yêu thương là khi tôi có thể”

Cây vươn lên từ đá sỏi

Bìa cuốn sách “Khi yêu thương là khi tôi có thể”.
Ảnh: baovietnam.vn

“Khi yêu thương là khi tôi có thể” tập hợp 33 bài viết xuất sắc nhất được tuyển chọn từ hơn 500 bài tham dự cuộc thi viết “Tôi có thể” do FPT - Arena cùng VnExpress.net phối hợp tổ chức. Mỗi bài viết là một tấm gương về ý chí, nghị lực vượt lên số phận, vượt lên chính mình để hướng tới một tương lai tốt đẹp. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2009.

Những câu chuyện với văn phong trần tình, giản dị nhưng bật lên những tình cảm tốt đẹp và ngưng lắng trong lòng người đọc. Nhân vật trong mỗi câu chuyện đều có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh nhưng họ đã vượt qua, vươn lên bằng nghị lực và niềm tin “tôi có thể” của mình. Bên cạnh đó, cũng có những nhân vật trẻ đã từng hành động, sống ích kỷ, bồng bột; nhờ tình thương, sự thứ tha của người thân mà họ đã chiến thắng chính bản thân.

Có những câu chuyện rất đời thường nhưng ẩn chứa nhiều bài học làm người sâu sắc. Trong “Cái tát của anh đã giúp tôi vào đại học”, người đọc cảm thấy lan tỏa một tình thương rất thực của một người anh đã phải lo lắng cho cả gia đình khi cha qua đời. Người anh đó phải ngưng việc học, ra Bắc vào Nam để tìm kế mưu sinh cho mẹ già em dại nơi quê nhà. Người thân của anh chỉ có thể cảm nhận được nỗi cô đơn, vất vả khi đọc những lá thư anh gửi cho một người bạn thân; để rồi thao thức: “Những nét chữ nguệch ngoạc quen thuộc là những tâm sự, những suy nghĩ, những tình cảm, những khó khăn của anh – những điều anh đã không dám nói thật với gia đình, với các em. Sáu cái Tết anh không về, ngần ấy năm anh sống trong nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương...”.

Trong “Bỏ đại học để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ”, lại là những tâm sự đau đớn của đứa con: “Những lần về thăm mẹ, mỗi khi nhìn vào mắt mẹ, tôi thấy nỗi tuyệt vọng và đau đớn trong đó. Tôi suy nghĩ, mình phải làm gì để giúp mẹ đây? Nhìn mẹ chết dần chết mòn trong đau đớn và tuyệt vọng, lòng tôi đau nhiều lắm!”. Cha qua đời khi còn rất nhỏ, hai mẹ con chỉ sống nhờ vào thửa ruộng “đất cày lên sỏi đá” miền Trung. Niềm vui vào đại học chưa lâu, đã đi lẫn với nỗi buồn khi anh biết mẹ mình bị bệnh ung thư. Người con đã quyết định bỏ học để tìm hiểu và lập ra một trang web chuyên về quảng cáo, tiếp thị. Thế nhưng khi anh bắt đầu thành công thì mẹ anh đã qua đời.

Một nửa ước mơ” kể về ba chị em một gia đình làm thuê nghèo, hàng ngày phải lội bộ nhiều cây số liền để đến trường, về nhà lại phải quét giấy vàng mã gia công, đối mặt với đói khát, rách rưới, giá lạnh ngày đông để rồi vào được đại học và đã thành danh sau khi ra trường. Người cha trong “Cha quyết định bán nhà khi tôi đỗ đại học” đã không ngần ngại bán cả mái nhà xiêu vẹo - tài sản duy nhất của gia đình - để cho con vững bước chân trên giảng đường đại học.

33 bài viết trong sách không phải là truyện ngắn hay bút ký, mà là những câu chuyện kể có thực với lời văn ít cầu kỳ, trau chuốt nhưng lại ngắn gọn, rất tự nhiên. Mỗi câu chuyện như mang đến cho độc giả những bài học sâu sắc về đức tính kiên nhẫn, chiến đấu vượt lên những khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống để hướng tới một tương lai. Những thành công, thất bại, sự hy vọng, nghị lực, niềm tin và cả những bồng bột, thiếu chín chắn của tuổi trẻ ngày nay,... tất cả đều được thể hiện rất sinh động trong “Khi yêu thương là khi tôi có thể”. 200 trang sách giúp độc giả hiểu thêm về tâm tư, tình cảm của thế hệ trẻ hôm nay. Thành công và hạnh phúc không bao giờ đóng cửa với những người có ý chí vượt khó và nỗ lực phấn đấu, luôn nuôi trong mình một ước mơ, hoài bão. “Ước mơ có thể lãng mạn nhưng cũng có những ước mơ vươn lên bằng nghị lực, bằng sự ấp ủ vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn...” (“Cuộc sống lam lũ và khát vọng giảng đường đại học”).

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết