Minh về đến nhà trời đã nhá nhem tối. Trong nhà ngoài sân đều không có ánh đèn. Không biết mẹ và vợ anh đi đâu mà giờ này chưa về.
Minh dựng chiếc xe máy gọn vào một góc sân, bật điện trong nhà, ngoài sân rồi vội vàng đi vo gạo nấu cơm. Món mặn ăn thì nấu từ bữa trưa vẫn còn. Anh ra vườn, bật đèn pin, cắt ào mớ rau muống để luộc. Gì chứ rau dưa nhà anh là ngon, sạch nhất. Sạp dưa cà, trái cây của mẹ mở dưới gốc đa ngay ngoài ngõ thường không đủ bán cho khách.
Minh nấu ăn, quét dọn nhà cửa, sân trước xong, thì đi ra ngõ ngóng lại đi vào. Gọi điện thoại thì không thấy vợ bắt máy. Anh bắt đầu lo lắng, định bụng sẽ chạy xe đi kiếm xem sao. Lúc vừa quay vào sân lấy xe thì mẹ và vợ anh trở về. Không đợi anh hỏi, Hiền giải thích với anh:
- Nay em chở mẹ đi họp tổ dân phố, nên về trễ...
Bà Hoa xuống xe là không buồn vô nhà, mà ngồi ở bậu cửa, lấy chiếc nón ra quạt, không nói lời nào, thẫn thờ như rơi vào những suy tính riêng. Minh thấy vậy nên sáp lại gần:
- Lúc gần về, thì có thông báo phía bệnh viện cần người hiến máu cho thai phụ sinh non, bị mất máu nhiều đang nguy cấp. Mà người đó lại thuộc nhóm máu hiếm nên không kịp về đưa mẹ đi họp. Mà họp có chuyện gì quan trọng không mẹ...
Bà Hoa không vội trả lời con trai, mà dựa lưng vào cột nhà, nhìn ra ngoài, đôi mắt nheo nheo. Từ ngày chồng mất vì bạo bệnh, một mình bà gồng gánh nuôi con. Trước đây hai vợ chồng bà vừa làm vườn vừa chạy chợ, rau dưa, trái cây, mùa nào thức ấy. Từ ngày chồng mất, còn mỗi mình bà, chạy chợ được vài năm, bà về mở cái sạp nhỏ ngay nhà. Sạp hàng được đặt dưới gốc đa, ngay lối rẽ của con đường mặt trước và mặt hông nhà bà. Bà chủ yếu bán rau trái nhà trồng, thêm dưa cải, củ cải muối... Bà bán thêm nước giải khát, nước trà. Khách hàng là những người trong xóm đi tập thể dục về sớm hoặc những người buổi trưa đi làm về, ghé vào mua vội chút rau dưa cho bữa trưa. Ấy vậy chứ nhờ nó bà cũng nuôi được con ăn học đến nơi đến chốn rồi cưới vợ cho con. Ðến bây giờ, tính ra bà cũng có hơn hai chục năm gắn bó với sạp hàng này. Vậy mà...
Minh thấy bà Hoa trầm tư không trả lời, thì nắm lấy đôi tay gân guộc của bà lay lay. Bà Hoa thở hắt ra, nói:
- Sắp tới, Nhà nước mở rộng con đường qua nhà mình. Cây đa nhà mình tuy gốc trong vườn nhà, nhưng vươn ra đường, thân cành xum xuê làm khuất lối đi, tầm nhìn. Rồi rễ nó lồi lên gây khó cho chuyện làm đường, khu phố vận động nhà mình chặt hoặc dời cây, rồi trồng cây khác hợp với con đường mới...
- Chuyện vậy thì có gì đâu mẹ. Mai con nhờ người đến, buổi sáng là xong.
Nghe Minh nói bà Hoa bỗng bật ngồi ngay dậy, nhìn con trân trân:
- Từ ngày mẹ về làm dâu ông bà con, đã có cây đa đó rồi. Nghe đâu trước đây cụ nội con trồng để đánh dấu mốc vườn. Qua nhiều đời nhà mình, từ ngày xưa hàng rào cây bụi đến giờ nhà mình xây bờ tường gạch, cây đa ngày càng to, che vườn, che bóng mát cho con đường. Không ai có ý kiến gì. Giờ mà không còn cây, sạp hàng của mẹ thì sao?
Minh biết, giờ có nhỏ to thiệt hơn rằng mẹ lớn tuổi rồi nên nghỉ ngơi hưởng phúc, chắc chắn bà không chịu. Cả đời quen làm lụng, không lúc nào để mình rảnh rỗi, giờ mà nói bà nghỉ bán hàng khác nào tước đi niềm vui lao động. Chắc chắn không đời nào bà đồng ý. Minh đến ngồi bên mẹ, cầm tay bà nhẹ nhàng:
- Mẹ à, con sẽ dựng cho mẹ một cái quán nhỏ ngay cổng nhà mình, vừa đảm bảo lề đường thông thoáng, vừa không phải lo mỗi khi mưa to gió lớn...
- Con không biết có nhiều người lúc đầu chỉ là ngồi nghỉ, ngồi chờ dưới tán cây cho mát, xong rồi mới mua hàng. Mà làm quán ngay cổng, mẹ mất luôn số khách mé đường bên kia. Bao nhiêu năm nay cây đa vẫn vậy, mẹ buôn bán vẫn vậy, khuất tầm nhìn chỗ nào, nguy hiểm chỗ nào chứ...
Bà Hoa uể oải đứng dậy đi vô trong nhà. Sau bữa cơm tối, bà đi nằm luôn chứ không buồn ra hàng ba ngồi hóng gió như mọi khi nữa. Minh thì nhận điện thoại của tổ trưởng tổ dân phố. Ông nói có vẻ ái ngại rằng kêu gọi bà con cùng chung tay, đồng thuận để đường mới mở an toàn. Ông cũng hiểu cây đa gắn bó với gia đình Minh qua bao đời, bà con trong xóm cũng nhiều thế hệ từng hóng mát dưới gốc đa. Nhưng cây đa trồng ngày xưa khi dân cư thưa thớt, nay thì xóm ngày càng đông, đường phải mở...
Minh nghe chuyện xong, lững thững đi về phía sạp hàng của mẹ. Tán đa xòe rộng che xuống cả nửa lòng đường. Những hôm trời nắng mà được đi dưới một bóng mát như vậy thì người như tỉnh ra, dễ chịu hẳn. Rồi dưới gốc đa, phụ huynh chờ đón con cũng đứng tránh nắng, mặc dù cổng trường cách đó chừng hơn năm chục mét. Sạp hàng lùi vào trong vườn, nằm sát gốc đa, chiều đến mẹ dọn hết đồ vào nhà, giờ này chỉ còn trơ ra tấm vạt tre. Minh định bước đến ngồi lên đó thì nghe lổn nhổn dưới chân. Dưới ánh đèn đường chiếu qua tán đa chỗ tối chỗ sáng, anh nhận ra từng mảng bê tông bị bung lên, vỡ thành những cục to nhỏ không đều nhau, cát cũng bị bung lên. Minh ngồi lên sạp tre, tính sẽ khuyên mẹ như thế nào để mẹ đồng ý...
Sáng hôm sau, bà Hoa vẫn dậy sớm ra vườn cắt rau, hái cà, đốn buồng chuối ra bán. Hiền nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, nấu luôn mấy ấm nước đổ đầy hai chiếc bình thủy, ủ một bình đại nước trà quạu, rồi cô ra giúp mẹ chồng bó rau, dọn hàng. Xong đâu đấy cô mới đi làm. Minh ăn sáng xong ra chỗ mẹ, bà Hoa biết thừa ý định của Minh, nói con cứ đi làm đi, không phải khuyên lơn thêm gì cả. Vậy nhưng Minh vẫn đến ngồi bên sạp hàng của mẹ, hết mẹ ơi, lại mẹ à. Anh phân tích mọi thứ lợi, hại khi cứ khăng khăng giữ cây đa ở chỗ này. Bà Hoa không nói gì, mặc Minh ngồi nói. Thi thoảng có khách vào mua mớ rau, trái cà, bà vẫn niềm nở bán hàng.
Con trai đi làm rồi bà bắt đầu nhìn ngắm cây đa. Lâu nay, bà ngồi đây sáng sáng, chiều chiều dưới bóng xanh mát rượi. Dường như bởi quá quen thuộc nên những thay đổi từng chút một xảy ra hằng ngày của cây, bà không hề để ý đến. Bà nghĩ mọi thứ vẫn bình thường, cây đa xòe bóng mát che cho mình bán hàng, che cho người người qua lại cần chỗ nghỉ mát lúc dừng chân. Hôm nay vì Minh nói mãi cả buổi sáng, bà mới nhìn kỹ thấy rễ cây ngày một lớn làm bung cả vỉa hè. Thân cây dường như đã ngả nhiều về phía đường, bờ tường ôm vòng sau thân cây nhà bà cũng nứt… Bà giật mình, nhớ lại những điều mà con trai vừa nói. Lỡ một hôm mưa gió nào đó, rễ cây không còn đủ sức bám vào lòng đất mà bật bung lên, lỡ có người nào đó đi ngang qua không kịp tránh. Cây đa quá to, lại nằm ngay khúc cua nên những hôm tối trời tầm nhìn người đi đường bị che khuất, dễ gây tai nạn... Ôi, đầu bà rối mù lên. Ðang yên đang lành, bình thường vẫn vậy có sao đâu. Bà vẫn bán hàng như vậy, người ta vẫn sống như vậy. Vẫn những con người ấy, làng xóm ấy, cung cách sống ấy. Bà ngồi thừ ra, nhưng con bà nói không phải không có lý. Ông tổ trưởng tổ dân phố nói cũng không sai. Bà nhìn ngắm lại cây đa thân thuộc, bần thần như sắp có một cuộc chia xa.
Buổi chiều, vợ chồng Minh đi làm về đã thấy bà Hoa đang thu dọn đồ mang về. Minh còn đang ngạc nhiên sao hôm nay mẹ dọn hàng sớm vậy thì bà Hoa kêu con:
- Ra tiếp mẹ dọn dẹp đi. Mai con gọi người đến xem có thể cưa cành dời cây không. Dời vô góc tận trong sau vườn nhà mình. Không thì chặt đi... Dù gì cũng phải lo chuyện chung trước.
Minh nghe mẹ nói thì vâng dạ rối rít. Anh không nghĩ mẹ lại nhanh chóng đồng ý như vậy. Thu dọn xong, bà Hoa kéo Minh ra góc vườn, nơi có cây đa án ngữ chỉ chỏ kêu anh sau khi thu xếp xong cho cây đa, gốc rễ dọn sạch hết thì kêu thợ xây ngay cho bà cái quán nhỏ, hai mặt cửa hướng hai mé đường, khi đóng là kéo cửa hai bên vào giữa, đằng sau trổ cho bà một cái cửa nhỏ đi vào vườn. Thế này, thế này… Minh nhìn mẹ, cười híp mắt nói mẹ cứ yên tâm, con sẽ kêu thợ làm đâu vào đấy đúng ý mẹ thì thôi.
Hơn tháng sau, quán hàng bà Hoa được mở. Vẫn rau dưa, trái cây vườn nhà là chính nhưng giờ có thêm hai cái bàn, mấy cái ghế nhỏ để lỡ có ai muốn tránh nắng thì còn có chỗ nghỉ. Khúc đường ấy giờ quang thoáng hẳn. Lúc cây đa mới vắng bóng, nhiều người chưa quen còn bỡ ngỡ, chính bà Hoa còn hụt hẫng nhiều hôm. Nhưng lâu dần thành quen.
Bà Hoa thường tranh thủ lúc còn sáng sớm vắng khách, xách mấy xô nước ra tưới cho hai cây bàng vừa mới trồng bữa làm lại vỉa hè sau khi chặt xong cây đa. Bà nhìn đường phố quang quẻ mỉm cười, chẳng mấy lại có bóng cây xanh trước quán.
Truyện ngắn: Trương Thị Thúy