13/08/2019 - 07:59

Cạnh tranh với Trung Quốc, Nhật đổ tiền vào châu Phi 

Tại Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi lần thứ 7 (TICAD VII) vào cuối tháng này, Nhật Bản sẽ đưa ra cam kết hỗ trợ cho châu Phi hơn 300 tỉ yen (khoảng 2,84 tỉ USD) nhằm khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại đây thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”, đồng thời sẽ cung cấp nhiều học bổng nhằm đưa sinh viên châu Phi tới đất nước Mặt trời mọc.

Một công trình xây dựng ở Nigeria bằng vốn đầu tư từ Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Khoản cho vay trên sẽ được giải ngân trong vòng 3 năm. Ngoài ra, Tokyo cũng sẽ khuyến khích các quốc gia châu Phi được hỗ trợ mở cửa đầu tư nước ngoài và tạo ra khuôn khổ pháp lý bảo vệ các nhà đầu tư. Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ cùng với Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cung cấp các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp cho các công ty dịch vụ công cộng và đường bộ địa phương. Ngoài ra, chính phủ xứ hoa anh đào cũng sẽ cho AfDB vay. Sau đó, ngân hàng này có thể cho các doanh nghiệp nhỏ hơn vay lại khoản tiền đó.

Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ triển khai chương trình học bổng mới trong năm tài khóa 2020 dành riêng cho sinh viên châu Phi. Từ lâu, Nhật Bản đã có một quỹ học bổng dành cho sinh viên nước ngoài, nhưng sinh viên châu Phi chỉ chiếm 0,4% trong chương trình cấp học bổng của nước này. Ước tính, chỉ có 2.400 sinh viên châu Phi du học tại Nhật Bản, ít hơn nhiều so với con số 60.000 theo học ở Trung Quốc.

Tại TICAD VI được tổ chức tại thủ đô Nairobi (Kenya), Nhật Bản cam kết hỗ trợ châu Phi 30 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2016-2018. Đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử TICAD. Nó được đưa ra trong bối cảnh Tokyo nỗ lực chống lại sự thống trị của Trung Quốc tại lục địa đen. Theo giới chuyên gia thương mại và đầu tư, đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi sẽ đạt con số 100 tỉ USD vào năm 2020. 

Với sự hậu thuẫn của TICAD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tích lũy của Nhật Bản tại châu Phi đã tăng từ 3,9 tỉ USD năm 2007 lên 10 tỉ USD năm 2016. Năm 2017, tổng giá trị hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang châu Phi là 7,5 tỉ USD. Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là ô-tô. Hàng điện tử Nhật Bản, đặc biệt là tivi, cũng rất phổ biến ở lục địa đen. Đổi lại, Nhật Bản nhập khẩu 8,3 tỉ USD hàng hóa từ châu Phi, chủ yếu là quặng sắt và bạch kim. Trong khi đó, hai lĩnh vực Nhật Bản đầu tư nhiều nhất tại châu Phi là khai thác khoáng sản và hydrocarbon, đặc biệt là ở Mozambique, nơi Mitsui & Co đầu tư hàng tỉ yen vào các dự án khai thác than và khí đốt. Ngoài ra, Nhật Bản là nhà tài trợ tài lớn nhất khu vực châu Á dành cho các dự án tại châu Phi trong vòng 5 năm qua.

Hiện Tokyo đang khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư ở châu Phi trong bối cảnh số lượng các công ty lớn của Nhật Bản làm ăn tại châu Phi cũng đang tăng lên. Số liệu thống kê gần đây cho thấy, số lượng các công ty Nhật Bản hoạt động ở châu Phi đã tăng từ 520 năm 2010 lên 796 vào năm 2017. Chính phủ Nhật Bản hy vọng con số này sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong tương lai gần.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản còn tuyên bố sẽ thành lập một hội đồng chung thường trực, với sự tham gia của các quan chức chính phủ, các tổ chức kinh tế và các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở châu Phi.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và lục địa đen ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhiều nước châu Phi đang chịu áp lực lớn vì món nợ phải trả cho Trung Quốc. Do đó, đầu tư của Nhật Bản sẽ là nguồn lực bổ sung quan trọng. Chiến lược tiếp cận châu Phi của Nhật Bản được kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực hơn nhờ đầu tư phát triển sản xuất với ưu thế cạnh tranh là trình độ công nghệ cao. Cách tiếp cận của Nhật Bản còn tinh tế ở chỗ thể hiện mình như một đối tác kinh tế bình đẳng chứ không phải là nhà tài trợ như Trung Quốc.

Hãng hàng không lớn nhất thế giới bước chân vào châu Phi

Hãng hàng không lớn nhất thế giới American Airlines đang lên kế hoạch mở đường bay đầu tiên của hãng này từ Mỹ đến châu Phi vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đối tượng khách du lịch và giới đầu tư Hoa Kỳ. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên hãng hàng không có lịch sử gần 100 năm này bước chân vào thị trường 1,3 tỉ dân của lục địa đen.

TRÍ VĂN (Theo Nikkei, ISDP)

Chia sẻ bài viết