06/12/2021 - 14:13

Cảnh giác nhưng không hoảng sợ trước biến thể Omicron 

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi người dân nước này giữ bình tĩnh, không hoảng loạn trước tình hình gia tăng số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc. Ông Ramaphosa nhấn mạnh: “Dù biến thể Omicron dễ lây lan hơn các biến thể khác, nhưng số bệnh nhân nhập viện không tăng ở mức báo động”. Nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cũng cho rằng Omicron rất dễ lây truyền, nhưng mọi người không nên hoảng sợ.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nam Phi. Ảnh: AP

Nguồn gốc từ đâu?

Hôm 24-11, Nam Phi thông báo với WHO họ đã phát hiện ra một biến thể mới có các đột biến khác với biến thể Delta đang hoành hành trên thế giới. Một ngày sau đó, Botswana công bố ca nhiễm Omicron. Thế nên Nam Phi được coi là nơi phát hiện biến thể Omicron đầu tiên.

Thế nhưng ngày 1-12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nigeria thông báo, sau khi giải trình tự gien mẫu xét nghiệm của khách nước ngoài đến Nigeria hồi tháng 10, nước này đã phát hiện sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Trong khi đó, Viện Y tế và Môi trường quốc gia Hà Lan cũng tuyên bố Omicron đã hiện diện tại nước này trước khi Nam Phi báo cáo về những ca nhiễm đầu tiên.

Triệu chứng rất nhẹ

Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Mvuyisi Mzukwa cho biết các bác sĩ Nam Phi không nhận thấy bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào ở những bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron so với những bệnh nhân nhiễm biến thể Delta trước đây. Theo ông Mzukwa, sự khác biệt đáng chú ý duy nhất là các ca nhiễm biến thể mới có độ tuổi trẻ hơn và có biểu hiện bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta.

Bộ Y tế Botswana cũng cho biết hầu hết trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở nước này không có triệu chứng, một số ít có triệu chứng “rất nhẹ”.

Tương tự, tất cả các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại Mỹ và Anh đều không phải nhập viện điều trị.

Theo WHO, tính đến ngày 3-12, thế giới chưa có ca tử vong nào liên quan Omicron, mặc dù số ca nhiễm biến thể này ngày càng gia tăng tại nhiều nước.

Vaccine vẫn phát huy tác dụng

Ðến nay, giới khoa học vẫn chưa thể chắc chắn về mức độ lây truyền, độc lực của Omicron hoặc nó có khả năng né tránh hệ miễn dịch hay không. Mức độ bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ lây nhiễm, diễn tiến nặng hay tử vong của biến chủng này cũng chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, WHO nói rằng vaccine có thể giúp tránh mắc COVID-19 nặng từ biến chủng Omicron mới. “Chúng tôi biết rằng vaccine có khả năng bảo vệ. Vẫn cần tìm hiểu xem liệu có bất kỳ sự sụt giảm khả năng bảo vệ nào hay không, nhưng chúng tôi cho rằng vaccine vẫn sẽ bảo vệ chống lại bệnh nặng như ở các biến chủng khác”, theo tiến sĩ Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm khoa học của WHO.

Hiện các hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca đang gấp rút chạy đua sản xuất các loại vaccine đặc hiệu phòng ngừa các biến thể.

Pfizer cho biết nếu có bằng chứng cho thấy Omicron tránh được sự bảo vệ của vaccine COVID-19, hãng có thể sản xuất một loại vaccine ngừa biến thể này trong vòng khoảng 100 ngày, tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý.

Moderna thì cho biết đầu năm 2022 hãng có thể sản xuất vaccine mới với số lượng lớn.

Trong khi đó, Trịnh Trọng Vĩ, người đứng đầu nhóm phụ trách phát triển vaccine của Trung Quốc, cũng nói rằng nước này đang thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 nhằm vào biến thể Omicron.

Thuốc Sotrovimab có thể hiệu quả đối với biến thể Omicron

Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm chức năng (MHRA) của Anh vừa phê duyệt sử dụng thuốc Sotrovimab do hãng dược nước này GlaxoSmithKline và công ty công nghệ sinh học Vir (Mỹ) hợp tác bào chế, để điều trị cho những người mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh trở nặng. Ðáng chú ý, GlaxoSmithKline khẳng định rằng loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron. Theo họ, “cho đến nay, Sotrovimab đã chứng minh hoạt động liên tục chống lại tất cả các biến thể của SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 mà WHO xác định là "đáng quan tâm" và "đáng lo ngại". Hiện GlaxoSmithKline đang tiến hành thử nghiệm “để xác nhận khả năng Sotrovimab có thể vô hiệu hóa sự kết hợp của tất cả các đột biến thuộc biến thể Omicron”, dự kiến sẽ công bố báo cáo cập nhật vào cuối tháng này.

MHRA đánh giá phương pháp điều trị bằng loại kháng thể đơn dòng này “an toàn và hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người mắc COVID-19 thể nhẹ và thể trung bình đang có nguy cơ diễn tiến bệnh nghiêm trọng hơn”. Theo MHRA, loại thuốc một liều này có thể giúp giảm tới 79% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành. 

Hồi tháng 5, Sotrovimab cũng đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn cho phép sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và vừa.

Tính đến ngày 5-12, thế giới ghi nhận 265,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 5,26 triệu người đã tử vong. 4 quốc gia có trên 10 triệu ca mắc là Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Anh.

Số vaccine được tiêm trên toàn cầu đến nay là 8,09 tỉ liều, tương đương 105 liều/100 người. Trung Quốc đứng đầu về tiêm vaccine với 2,51 tỉ liều, tức 180 liều/100 dân. Ấn Độ đứng thứ hai với 1,25 tỉ liều (92 liều/100 dân).

QUỐC KHÁNH (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết