31/10/2019 - 11:32

Canh bạc của ông Johnson 

Các nghị sĩ Anh đã nhất trí tổ chức bầu cử sớm vào ngày 12-12, tán thành nỗ lực của Thủ tướng Boris Johnson (ảnh) nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị vốn chứng kiến tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) bị trì hoãn đến 3 lần.

Ảnh: AFP

Theo kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện vào tối 29-10, dự luật tổ chức tổng tuyển cử được thông qua với 438 phiếu thuận và 20 phiếu chống. Trước đó, cơ quan lập pháp này đã bác đề xuất tương tự của ông Johnson. Trong nỗ lực lần thứ tư nhằm kêu gọi bầu cử sớm, Thủ tướng Johnson đã thành công và nó diễn ra sau khi các nghị sĩ bác bỏ những điều khoản về Brexit mà ông đạt được với Brussels cách đây chưa đầy 2 tuần. Cuộc bỏ phiếu trên được tiến hành một ngày sau khi EU chính thức phê chuẩn quyết định tiếp tục hoãn Brexit đến ngày 31-1-2020, thay vì hôm nay 31-10 (lần đầu vào ngày 29-3). Trong lần gia hạn mới có một lựa chọn là Anh được phép chia tay sớm nếu nước này thông qua thỏa thuận “ly hôn”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp mãn nhiệm Donald Tusk cảnh báo đây có thể là lần gia hạn cuối cùng và Luân Đôn cần phải tận dụng tối đa thời gian này.

Hiện tại, do không một chính đảng nào nắm đa số rõ ràng trong quốc hội, nên Chính phủ Anh không thể thông qua được kế hoạch Brexit cũng như nhiều dự luật khác. Do vậy, chính phủ thiểu số của ông Johnson muốn tiến hành bầu cử để giành lại thế đa số, qua đó có thể thúc đẩy thông qua kế hoạch Brexit. Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Johnson hiện đang dẫn trước Công đảng đối lập trong các cuộc thăm dò dư luận (trung bình khoảng 10%) và ông hy vọng sẽ giành đa số rõ rệt tại hạ viện 650 ghế.

Giới quan sát nhận định chính phủ của ông Johnson có thể cải thiện được tình hình sau bầu cử. Tuy nhiên, các đảng đối lập cũng tự tin rằng họ có thể tăng  số phiếu bầu so với cuộc bầu cử năm 2017. Không lo ngại trước kết quả khảo sát dư luận gần đây, thủ lĩnh Công đảng, Jeremy Corbyn khẳng định ông quyết tâm vận động ủng hộ để giành chiến thắng trong cuộc đấu sắp tới. Công đảng cam kết sẽ đàm phán một thỏa thuận mới với EU và đưa thỏa thuận ra trưng cầu dân ý với lựa chọn hủy bỏ hoàn toàn tiến trình Brexit. Việc hủy bỏ tiến trình này cũng là quan điểm của một số đảng nhỏ như đảng Tự do dân chủ hay đảng SNP ở vùng Scotland. Vì vậy, tương lai Brexit sẽ ra sao phụ thuộc nhiều vào kết quả của cuộc bầu cử sắp tới.

Các chuyên gia cảnh báo chính trường xứ sương mù vẫn còn rất dễ biến động dù đã hơn 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Chuyên gia về bầu cử John Curtie cho rằng Thủ tướng Johnson đang ở vị trí thuận lợi để giành đa số, nhưng cuộc bầu cử mới vẫn là canh bạc đối với ông. Việc ông Johnson không đảm bảo cam kết thực hiện Brexit đúng hạn 31-10 có thể tác động nhiều đến tâm lý cử tri, trong khi sự cạnh tranh từ đảng Brexit mới thành lập của ông Nigel Farage đang ngày càng mạnh. Nếu không đảng nào giành thế đa số, tương lai Brexit sẽ còn mờ mịt, bao gồm nhiều giải pháp từ Brexit không thỏa thuận cho đến trưng cầu dân ý một lần nữa. Trong một bước đi nhằm kêu gọi đoàn kết trong đảng Bảo thủ, Thủ tướng Johnson đã tái kết nạp 10 trong số 21 đảng viên bị khai trừ hồi tháng 9 do phản đối dự thảo Brexit của ông.

Tổng tuyển cử gần đây nhất của Anh diễn ra vào năm 2017 đã dẫn tới tình trạng “quốc hội treo”, tức không bên nào hội đủ đa số ghế cần thiết để nắm quyền kiểm soát, khiến việc thông qua các dự luật trở nên rất khó khăn. Đảng Bảo thủ đã bị mất thế đa số tại cơ quan lập pháp này sau khi Thủ tướng Theresa May kêu gọi bầu cử sớm cách đây 2 năm.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết