17/06/2011 - 08:53

Căng thẳng xã hội ở Trung Quốc

Người biểu tình bị lực lượng an ninh Trung Quốc trấn áp. Ảnh: AFP

Báo Le Figaro (Pháp) ngày 15-6 có bài viết của đặc phái viên tại Bắc Kinh cho biết trong những năm gần đây, tại Trung Quốc mỗi năm đều xảy ra hàng ngàn vụ xung đột xã hội, nhưng mấy tuần lễ qua cho thấy nó ngày càng diễn biến phức tạp và bạo lực hơn, khiến giới lãnh đạo nước này phải gióng hồi chuông cảnh báo đang có “sự bùng nổ những mâu thuẫn và căng thẳng xã hội”.

Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc công bố ngày 14-6 cảnh báo nếu bất ổn xã hội không được giải quyết thì mối đe dọa an ninh sẽ ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi người lao động di cư từ nông thôn lên thành thị (khoảng 153 triệu người) đang trở thành vấn đề lớn. Báo cáo này nhấn mạnh người lao động nhập cư “đang bị đứng bên lề trong các thành phố, bị đối xử như là lực lượng lao động rẻ tiền, không được hội nhập và thậm chí bị phân biệt đối xử”.

Cảnh báo thực trạng trên được đưa ra chỉ vài ngày sau sự kiện hàng chục ngàn công nhân nhập cư từ các nhà máy đổ về tấn công các đồn cảnh sát và đốt phá nhiều xe của lực lượng an ninh ở thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông vì bất bình vụ một phụ nữ mang thai bán hàng rong bị cảnh sát xô ngã. Ở một thành phố khác của tỉnh này cũng xảy ra vụ xung đột tương tự sau khi một công nhân bị đâm trọng thương trong lúc đòi tiền công lao động.

Cùng thời điểm trên ở tỉnh Hồ Bắc, hơn 1.500 người đã đụng độ với cảnh sát trong lúc họ biểu tình đòi làm rõ cái chết đáng ngờ của ông Nhiễm Kiến Tân, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng thành phố Lợi Xuyên, người hết mình ủng hộ dân chúng trong một vụ thưa kiện đất đai bị tịch thu làm dự án.

Trong khi đó tại khu tự trị Nội Mông đã xảy ra cuộc biểu tình chưa từng có của giới sinh viên và dân chăn nuôi cừu để phản đối tình trạng khai thác quá mức quặng mỏ và chính quyền không quan tâm đến đặc trưng văn hóa cũng như môi trường sống của họ.

Theo tờ Le Monde (Pháp), sự “nổi loạn” của người lao động nhập cư đã phản ánh nỗi bất mãn của những tầng lớp thua thiệt trong nền kinh tế phát triển “thần kỳ” của Trung Quốc, cũng như bộc lộ sự bất cập trong chính sách đô thị không đảm bảo quyền lợi cơ bản của dân nhập cư. Và khi một sự kiện bức xúc xảy ra luôn lôi kéo nhiều người tham gia chứng tỏ sự chống đối đã âm ỉ từ lâu trong lòng một xã hội ngày càng được tiếp cận nhiều thông tin trên Internet và không chấp nhận mãi sự bất công, tham nhũng, phân hóa giàu nghèo, những hành vi lạm quyền của cảnh sát... Những vụ hủy hoại môi trường, tình trạng khí hậu khắc nghiệt, tịch thu đất đai tràn lan và khủng hoảng an toàn vệ sinh thực phẩm càng làm cho nhiều người dân xứ Vạn Lý Trường Thành quan ngại và nổi cáu trước chất lượng sống tồi tệ của mình.

KIẾN HÒA
(Theo Le Monde, Le Figaro, Francesoir)

Chia sẻ bài viết