11/01/2022 - 07:57

Căng thẳng tâm lý - “kẻ thù” của sức khỏe tim mạch 

AN NHIÊN (Theo NYT)

Hầu hết mọi người đều biết đến các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch, như huyết áp cao, cholesterol cao, hút thuốc, mắc bệnh tiểu đường, béo phì và ít vận động. Song các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng căng thẳng tâm lý lâu ngày (mãn tính) cũng có ảnh hưởng đáng kể - thậm chí còn quan trọng hơn các yếu tố nguy cơ thông thường - đến sức khỏe tim mạch

Đơn cử, một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) cho thấy ở những người có sức khỏe tim kém, căng thẳng tinh thần lấn át căng thẳng thể chất như là “chất kích hoạt” tiềm ẩn của các cơn đau tim, cũng như các biến cố tim mạch khác. Các chuyên gia đã quan sát 918 bệnh nhân tim để tìm hiểu xem cơ thể họ phản ứng ra sao trước 2 dạng căng thẳng thể chất và tinh thần. Theo đó, các đối tượng trải qua các cuộc kiểm tra để đánh giá xem liệu tim họ có phát triển bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ (tình trạng giảm đáng kể lưu lượng máu đến cơ tim) hay không. Trong thời gian theo dõi từ 4-9 năm tiếp theo đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy ở những người bị thiếu máu cục bộ, yếu tố căng thẳng tinh thần gây tổn thương sức khỏe tim cao hơn đáng kể so với căng thẳng thể chất. Nhóm này cũng có nhiều khả năng trải qua cơn đau tim không gây tử vong hoặc tử vong vì bệnh tim mạch.

Những phát hiện nói trên đã củng cố thêm kết quả của một nghiên cứu trước đó, đánh giá mối liên hệ giữa các yếu tố rủi ro của bệnh tim mạch trên hơn 24.700 bệnh nhân ở 52 quốc gia. Cụ thể, những người trải qua mức độ căng thẳng tâm lý cao trong vòng 1 năm trước khi tham gia nghiên cứu có gấp đôi nguy cơ bị đau tim trong thời gian theo dõi trung bình là 5 năm, ngay cả khi đã tính đến các yếu tố nguy cơ thông thường.

Ðáng quan ngại, tình trạng căng thẳng tâm lý mãn tính cũng tác động đến những người vốn có sức khỏe tim bình thường. Theo một nghiên cứu gần đây ở vùng Scandinavia, nguy cơ đau tim của cha mẹ đã tăng gấp 3 lần trong một tuần đầu sau khi con họ qua đời, đồng thời nó vẫn gia tăng sau đó nhiều năm.

Căng thẳng tâm lý tàn phá tim ra sao?

Trong một nghiên cứu tại Bệnh viện Ða khoa Massachusetts (Mỹ), các chuyên gia đã phân tích cách thức mà cơ thể phản ứng trước căng thẳng tâm lý mãn tính. Họ thu được các bằng chứng cho thấy giới y học hiện đại đang bỏ qua một yếu tố nguy cơ cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe tim mạch - đó là căng thẳng tâm lý mãn tính. Cụ thể, nó bắt đầu tại hạch hạnh nhân - trung tâm điều khiển cảm xúc sợ hãi của não, cũng là vùng phản ứng với căng thẳng bằng cách kích hoạt phản ứng “đánh hay lảng tránh” của cơ thể. Ðiều này dẫn tới việc giải phóng liên tục các hoóc-môn làm tăng mức độ mỡ cơ thể, huyết áp và tình trạng kháng insulin. Hơn nữa, việc có hàng loạt phản ứng với căng thẳng tâm lý còn gây viêm động mạch, thúc đẩy quá trình hình thành cục máu đông và làm suy yếu chức năng mạch máu. Tất cả đều là yếu tố làm khởi phát bệnh xơ vữa động mạch - nguyên nhân kích hoạt hầu hết các cơn đau tim và đột quỵ.

Còn trong một nghiên cứu trước đó, các chuyên gia đã chụp ảnh toàn bộ cơ thể của 293 người khỏe mạnh ở thời điểm bắt đầu và 5 năm sau đó. Họ nhận thấy, những người có hoạt động cao tại hạch hạnh nhân cũng có mức độ viêm và xơ vữa động mạch cao hơn. Ðiều này chứng tỏ người có mức độ căng thẳng tâm lý cao đã phát triển bằng chứng sinh học về bệnh tim mạch.

Cách giảm tác động của căng thẳng tâm lý kéo dài

Theo các chuyên gia, một trong những cách tốt nhất để đẩy lùi căng thẳng tâm lý là vận động thể chất, bởi thói quen này giúp giảm mức độ căng thẳng và tình trạng viêm nhiễm trên toàn cơ thể. Việc ngủ nghỉ tốt cũng giúp giảm nguy cơ tổn thương tim mạch. Cụ thể là cần duy trì một thời gian nhất quán về giờ đi ngủ và thức dậy, tránh tiếp xúc với các màn hình phát ra ánh sáng xanh (như điện thoại thông minh và máy tính) trước khi đi ngủ, hoặc sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh cho các thiết bị đó. Ngoài ra, có thể dùng một số loại thuốc phổ biến như statin và thuốc chống trầm cảm để giảm bớt các tác động tiêu cực của tình trạng tâm lý tới sức khỏe.

Chia sẻ bài viết