12/12/2020 - 08:45

Căng thẳng Mỹ - Iran leo thang 

Nâng cao các biện pháp phòng thủ, Lầu Năm Góc đồng thời tăng cường khả năng răn đe quân sự tại Trung Đông nhằm ngăn chặn bất kỳ động thái gây hấn nào của Iran chống lại quân đội Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-52 có thể mang 35 tấn bom và tên lửa. Ảnh: US Air Force

Máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-52 có thể mang 35 tấn bom và tên lửa. Ảnh: US Air Force

Tờ Politico trích nguồn tin quốc phòng ẩn danh cho biết, Washington đang lo ngại Iran lợi dụng khoảng trống trong quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng để hành động. Trong đó, Lầu Năm Góc đặc biệt cảnh giác sự trỗi dậy của các nhóm vũ trang thân Iran sau quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan. Theo ghi nhận gần đây, nhiều nhóm ủng hộ Iran ở Iraq bắt đầu nối lại các cuộc tấn công trước mốc một năm vụ Tehran phóng tên lửa nhắm tới hai cơ sở quân sự Mỹ ở căn cứ không quân Ayn al Asad. Ðây là một phần trong chiến dịch trả đũa vụ Washington sát hại vị tướng lừng danh Qasem Soleimani.

Hôm 10-12, Lầu Năm Góc xác nhận đã điều hai oanh tạc cơ B-52H Stratofortress từ căn cứ Barksdale ở bang Louisiana tới Vịnh Persic, tiếp cận bờ biển Iran ở khoảng cách an toàn trước khi quay về. Bộ Quốc phòng Mỹ nói rõ mục tiêu của sứ mệnh kéo dài khoảng 36 giờ này là “ngăn chặn xâm lược” trong khu vực, thể hiện cam kết của Mỹ đối với các quốc gia đồng minh Trung Ðông. Ðược biết, các máy bay từ Saudi Arabia, Bahrain và Qatar đã hộ tống hai chiếc B-52 di chuyển qua các không phận khu vực.

Ðây là lần thứ 2 trong chưa đầy một tháng Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược tới Trung Ðông. Có khả năng mang vũ khí hạt nhân cùng nhiều loại vũ khí hạng nặng khác, B-52 ít khi được Mỹ điều đến Trung Ðông vì nhiều nước khu vực coi đây là hành động khiêu khích. Ngoài chuyến bay kể trên, Lầu Năm Góc gần đây còn điều tàu sân bay USS Nimitz trở lại Trung Ðông cùng một phi đội máy bay chiến đấu khác từ châu Âu.

Loạt động thái trên được thực hiện giữa lúc đồng minh ngày càng lo Mỹ đang từ bỏ Trung Ðông. Căng thẳng đặc biệt tăng cao trước nguy cơ Iran tấn công lợi ích của Mỹ hoặc đồng minh trong khu vực để trả đũa vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh mới đây. Tehran đổ lỗi cho Israel sau vụ việc bởi Tel Aviv vốn bị nghi đứng sau nhiều vụ sát hại các nhà khoa học hạt nhân Iran trước đây.

Phát biểu hôm 10-12, Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Trung Ðông Frank McKenzie nói rõ tất cả hành động mới đây trong khu vực không mang tính tấn công mà là biện pháp cần thiết để xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, từ đó buộc Tehran phải suy nghĩ kỹ trước khi làm bất cứ điều gì. Tướng McKenzie cũng khẳng định việc rút binh lính ở Iraq và Afghanistan không làm giảm khả năng phản ứng của Mỹ, thay vào đó việc chuyển quân khỏi khu vực giúp giảm số lượng các mục tiêu tiềm năng trước cuộc tấn công của Iran.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố nước này sẵn sàng trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết với các cường quốc trong nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Ðức) vào năm 2015, ngay sau khi các bên khác tôn trọng những cam kết của mình. Bên cạnh đó, ông cũng nhắc lại quyết tâm nắm bắt “cơ hội” trong bối cảnh thay đổi tổng thống Mỹ vào tháng 1-2021, bất chấp những lời chỉ trích từ phe bảo thủ.

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cho thấy khả năng Washington có thể quay lại JCPOA như là điểm khởi đầu để thực hiện các cuộc đàm phán hạt nhân tiếp theo nếu Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận này.

Trong một sự thay đổi lớn về chính sách, Mỹ đã đồng ý công nhận yêu sách chủ quyền của Morroco đối với khu vực Tây Sahara tranh chấp hàng chục năm qua, như một phần của thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Morroco và Israel. 

Đây là thỏa thuận hòa bình Arab - Israel thứ tư trong 4 tháng qua, sau khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan ký tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái. Tuy chưa thể đưa Saudi Arabia vào danh sách, thỏa thuận này dù gì cũng bổ sung vào “di sản” của ông Trump trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình giữa đồng minh thân cận và thế giới Arab, bất kể Tổng thống đắc cử Joe Biden đang trên đường vào Nhà Trắng vào tháng 1 với mục tiêu cải cách chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

 

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết