27/10/2009 - 07:54

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng:

Càng công khai, minh bạch, càng giảm thiểu tham nhũng

 

Bên lề Hội thảo về “Thực thi Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2010 (CLQG) và Công ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về phòng, chống tham nhũng (PCTN), ngày 26-10, Phó Tổng Thanh tra (PTTT) Chính phủ Trần Đức Lượng trả lời phỏng vấn của báo chí về các hành động, giải pháp thực hiện giảm thiểu tham nhũng.

* Xin PTTT cho biết về hành động và giải pháp để thực hiện CLQG và Công ước của LHQ về PCTN?

- Chính phủ đã có một kế hoạch hành động cụ thể về thực thi CLQG về PCTN đến năm 2020. Trong Chiến lược này có lượng hóa 70 hành động bao gồm các hoạt động về nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Về văn bản luật có đề cập đến 20 đạo Luật cụ thể. Chẳng hạn trong lĩnh vực phòng ngừa thì cũng phải từng bước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ như về công khai, minh bạch đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đề cập nhưng còn chung chung, chưa cụ thể và chưa thể triển khai thực hiện được ngay nên xảy ra tình trạng luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ văn bản hướng dẫn. Quan điểm mới là đã xây dựng Luật thì trước hết phải bảo đảm tính khả thi, tức là các quy định của pháp luật phải đủ rõ, đủ chi tiết tạo thuận lợi cho các cơ quan chấp hành, điều hành. Thứ hai là cũng phải sửa đổi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động công vụ, công quyền của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước. Hiện nay trên nhiều diễn đàn, người ta cho rằng PCTN mới chỉ tập trung vào lĩnh vực công, đối tượng quan tâm nhiều là người có chức vụ quyền hạn mà chưa quan tâm nhiều đến khu vực tư. Tuy nhiên, giai đoạn trước mắt, chúng ta phải tập trung vào khu vực công vì làm tốt được ở khu vực công thì sẽ làm được các lĩnh vực khác.

* Hiện nhiều cơ quan chưa quyết liệt trong việc triển khai các văn bản pháp luật, nhất là việc kê khai tài sản. PTTT đánh giá gì về vấn đề này?

- Nhìn nhận ở khía cạnh chung thì việc tổ chức thực hiện các quy định, quy phạm pháp luật có hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất, nếu những quy định pháp luật đã rõ mà tổ chức thực hiện không được thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chấp hành và điều hành. Nhưng cũng có những nội dung chế định chưa đủ rõ khi đi vào cuộc sống được hiểu khác nhau thì đây là một nguyên nhân khách quan dẫn đến sự chậm trễ của cơ quan tổ chức thực hiện. Về giải pháp kê khai tài sản, minh bạch tài sản được nhiều ý kiến tham gia nhưng hiện nay, theo như tôi hiểu có nhiều nhận thức chưa thật thống nhất về việc này. Trước hết phải xem phạm vi điều chỉnh của pháp luật về kê khai tài sản là như thế nào. Thí dụ như trong Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn, có xác định 11 nhóm đối tượng phải kê khai tài sản chứ không phải toàn bộ cán bộ công chức đều phải kê khai. Người có chức vụ quyền hạn chưa chắc đã phải là công chức cho nên khái niệm về đối tượng kê khai tài sản là liên quan đến người có chức vụ quyền hạn và trong Nghị định 37 của Chính phủ đã xác định 11 nhóm, trong đó có nhóm 11: nhóm các cán bộ công chức thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc của dân thì hiện nay cũng chưa được hiểu thống nhất. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 85 để xác định các nhóm đối tượng này, nhờ đó đã triển khai tương đối tốt ở các cấp, các ngành, còn thực tế trước đây là lúng túng. Thứ hai, liên quan đến công khai minh bạch bản kê khai, cách hiểu hiện nay là chưa thống nhất. Trong pháp luật quy định bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn được quản lý cùng với hồ sơ cán bộ công chức. Hồ sơ cán bộ công chức hiện nay lại là bí mật nhà nước cho nên không phải ai cũng được mang ra để xem. Nhưng đối với các đại biểu dân cử lại có quy định là phải niêm yết bản kê khai ấy tại nơi niêm yết danh sách bầu cử. Như vậy đã công khai ở một bộ phận nhưng cũng có người lại nghĩ rằng đây là bí mật nhà nước nên công khai như vậy là không đúng. Tại Nghị quyết tại Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) vừa rồi đã có quy định trong Đảng là đối với đảng viên thì phải kê khai bản công khai tài sản của mình tại chi bộ và công khai bản kê khai tài sản ở cấp ủy mà mình là cấp ủy viên. Hiện nhiều tổ chức Đảng thực hiện rất tốt điều này nhưng nó chỉ trong phạm vi tổ chức sinh hoạt Đảng thôi nhưng cũng có người đòi hỏi phải công khai ra công chúng. Điều này phải làm từng bước, phải phù hợp với quy định của pháp luật chứ chưa thể theo đòi hỏi của cá nhân. Nhưng nếu người kê khai là đối tượng của bầu cử vào các cơ quan dân cử, thì phải kê khai.

* Cho đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn Nghị quyết Trung ương thưa PTTT?

- Vấn đề này đã rất rõ ràng rồi. Trong Nghị quyết có nêu: bản kê khai tài sản của đảng viên theo quy định của pháp luật là phải công khai trong chi bộ. Trong đó có quy định về các hình thức công khai. Thứ hai là phải công khai trong cấp ủy mà mình là cấp ủy viên. Hiện nay, việc đó đang làm rất tốt vì muốn trở thành cấp ủy viên phải bầu, muốn bầu phải công khai.

* Trong phát biểu tại Hội thảo, PTTT có đề cập đến các vụ tham nhũng giữa Việt Nam và nước ngoài. Ngoài vụ PCI, PTTT có thể đánh giá như thế nào về yếu tố nước ngoài trong các vụ này?

- Việc diễn ra hành vi móc nối giữa các công dân của nước ngoài với các công dân của Việt Nam, có thể là những người có chức có quyền, tôi cho là cũng dễ hiểu, nhất là trong thời buổi hội nhập quốc tế. Vì xét cho cùng, tham nhũng diễn ra do lòng tham của con người. PCI không phải là vụ việc cá biệt. Tất nhiên, qua theo dõi của chúng tôi, cũng có các quốc gia khác có thông báo về việc móc nối này như Australia, Đức, Mỹ. Hiện nay, Thủ tướng đã giao BCĐ TƯ về PCTN làm đầu mối tiếp nhận thông tin. Và theo Công ước là có sự hợp tác giữa các nước trong PCTN. Đương nhiên là còn cần các Hiệp định song phương, đa phương nữa. Trong kế hoạch thực hiện Công ước, chúng ta đã đề cập đến vấn đề này.

* Xin cảm ơn PTTT!

PHÚC HẰNG (TTXVN - ghi)

Các đại biểu quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động phòng, chống tham nhũng

Ngày 26-10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) Việt Nam và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đã tổ chức Hội thảo “Thực thi Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng (PCTN) đến năm 2020 và Công ước chống tham nhũng (UNCAC) của Liên Hiệp Quốc”.

Hội thảo có sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và sự đóng góp của Tổ chức phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự Nhật Bản.

Trong ngày làm việc thứ nhất, Hội thảo thảo luận theo hai chủ đề: Tổng quan về Chiến lược và UNCAC - tầm quan trọng, tác động của Chiến lược và UNCAC đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Những nội dung cơ bản của UNCAC và các lĩnh vực ưu tiên.

Các ý kiến phát biểu khẳng định và đánh giá cao những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong PCTN, thể hiện trong việc Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 (ngày12-5-2009) và Chủ tịch nước phê chuẩn UNCAC (ngày 30-6-2009), UNCAC có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 18-9-2009.

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam phân tích rõ ba mục tiêu chính của UNCAC là thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn; tạo thuận lợi và hỗ trợ hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật trong phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, kể cả thu hồi tài sản; thúc đẩy tính liêm chính, trách nhiệm giải trình và quản lý đúng đắn tài sản công... Bằng hình thức gia nhập UNCAC, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đã chứng minh sự sẵn sàng để chống tham nhũng. Bà Setsuko Yamazaki khẳng định: Nhóm công tác quốc gia của Liên Hiệp Quốc sẵn sàng giúp Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển tải các cam kết thực hiện những chuẩn mực và giá trị của UNCAC đến những người dân ở Việt Nam.

Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Koichi Aiboshi cho biết: Nhật Bản và Việt Nam đã thành lập Ủy ban chung về chống tham nhũng liên quan đến nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản vào tháng 9-2008 và thỏa thuận về sáng kiến chung để cải thiện các quy định đấu thầu mua sắm và thực hiện dự án. Nhật Bản đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, qua việc phối hợp của các bộ, ngành có liên quan, đã thực hiện các biện pháp PCTN do Ủy ban chung đề ra và hy vọng rằng các biện pháp đó cũng sẽ được sử dụng để PCTN đối với các dự án phát triển không do Nhật Bản tài trợ...

Các tham luận tại Hội thảo đã chỉ ra những mặt được và chưa được trong hoạt động PCTN của Việt Nam trong 3 năm qua; các yêu cầu pháp lý, thể chế và thủ tục, những vấn đề đặt ra trong việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam để thực thi UNCAC; các chính sách CTN, các cơ quan CTN, các biện pháp trong khu vực công, các dịch vụ tài chính, các nhân tố phi nhà nước trong thực hiện Chiến lược PCTN; Luật hình sự, các thủ tục về chống rửa tiền, hợp tác quốc tế; đặt UNCAC trong quá trình cải cách rộng lớn hơn - tiếp cận thông tin, vai trò của truyền thông và hiệu lực của hành chính công.

Hội thảo đánh giá cao ý nghĩa của của Chiến lược và UNCAC đối với công tác PCTN tại Việt Nam. Chiến lược đã xác định các mục tiêu căn bản, lâu dài cũng như những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, đề ra các giải pháp toàn diện, đồng bộ với một kế hoạch thực hiện cụ thể có lộ trình và bước đi thích hợp đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và xã hội trong việc tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chiến lược. UNCAC đã tạo cơ hội để Việt Nam tranh thủ sự giúp đỡ của đông đảo các quốc gia thành viên về kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật... Nhiều nội dung của UNCAC có thể nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong tương lai nhất là pháp luật về PCTN.

Hội thảo tiếp tục làm việc đến hết ngày 27-10. Hội thảo này sẽ được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 29-30/10/2009.

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết