27/03/2013 - 21:40

Bác sĩ Nguyễn Tiến An, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ:

Cẩn trọng với các sự cố ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần

Đo não đồ cho bệnh nhân tại BV Tâm Thần TP Cần Thơ. Ảnh: M.NGUYỆT

Trong những năm gần đây, lượng bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh tăng dần theo sự phát triển của dân số, gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và đây là hệ lụy từ sự căng thẳng của  đời sống công nghiệp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo các vấn đề xã hội sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tâm thần của nhân loại. Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với  bác sĩ Nguyễn Tiến An, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần (BVTT) TP Cần Thơ về tình trạng này.

* Xin bác sĩ cho biết mức độ nghiêm trọng của các vấn đề xã hội đối với sức khoẻ tâm thần?

- Từ cuối năm 2003, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có tuyên bố toàn cầu cảnh báo có 25% dân số đang bị ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần, trong đó có 2% bị bệnh nặng, cần được điều trị thường xuyên. Qua điều tra dịch tễ học của ngành y tế nước ta, hiện nay có 0,47% dân số mắc các triệu chứng tâm thần phân liệt và 0,35% dân số mắc bệnh động kinh. Phần lớn trường hợp mắc bệnh là do lạm dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy, tình trạng gia tăng tai nạn lao động, tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não. Trong đó, lượng bệnh nhân bị tâm thần phân liệt do lạm dụng rượu chiếm 5,3 % và do sử dụng ma túy chiếm 0,3% trong tổng số bệnh nhân. Cuộc sống công nghiệp cũng dễ dẫn đến bệnh mất trí nhớ do tuổi già, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi trong thanh thiếu niên.

* Tại sao bệnh động kinh lại xếp vào dạng tâm thần, thưa bác sĩ?

- Bệnh động kinh là rối loạn kịch phát các chức năng của não về vận động, cảm giác, giác quan kèm theo mất ý thức từ vài giây đến vài phút, cơn nhắc đi nhắc lại mang tính định hình và theo chu kỳ. Nói cách khác, bệnh động kinh là do hội chứng bệnh lý của não do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra; là sự tái diễn các cơn co giật do phóng lực quá mức các tế bào thần kinh ở não. Bệnh động kinh là bệnh mãn tính được chương trình y tế quốc gia quản lý, cấp thuốc điều trị ngoại trú như bệnh tâm thần phân liệt.

* Trẻ em khi nóng sốt thường lên cơn co giật, trường hợp này có phải là đã mắc bệnh động kinh?

- Khi trẻ sốt cao không được điều trị tốt thường lên cơn co giật. Trường hợp này không phải mắc bệnh động kinh. Với trẻ em, bệnh động kinh thường do di chứng từ một bệnh lý khác có liên quan đến thần kinh trung ương, như bị sinh non hoặc trong quá trình chào đời trẻ bị thiếu oxy (bị ngạt), bị chảy máu trong hộp sọ do chấn thương sản khoa, bị nhiễm trùng thần kinh trung ương do bị sốc thuốc, sốc sốt xuất huyết, bị viêm màn não...

* Bệnh động kinh phải điều trị như thế nào và có thể chủ động phòng tránh, thưa bác sĩ?

- Đây là vấn đề khó vì liên quan đến hoàn cảnh kinh tế và nhận thức của bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Trước hết, để tránh bệnh động kinh thì phải chủ động ngăn ngừa các nguyên nhân gây bệnh như tránh bị nhiễm trùng, nhiễm độc, phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh có liên quan đến hệ thần kinh trung ương như bị u não thì phải phẫu thuật cắt bỏ khối u.

* Thưa bác sĩ, có thể phát hiện sớm trường hợp bị tâm thần phân liệt?

- Trong các bệnh về tâm thần kinh thì tâm thần phân liệt là nguy hiểm nhất, cần phải được phát hiện sớm để quản lý, điều trị tích cực, giúp người bệnh duy trì khả năng lao động, hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Bệnh tâm thần phân liệt có các triệu chứng ban đầu như: hay nghi kỵ, buồn phiền, lo sợ vô cớ, luôn căng thẳng, khó thư giãn, rối loạn giấc ngủ, rất sợ một vật bất kỳ, sắc mặt luôn dao động. Về tri giác, người bệnh có cảm giác như mọi vật xung quanh đều thay đổi, có khi có nhiều ý nghĩ khác nhau và dồn dập, chất lượng lao động, học tập giảm sút rõ rệt. Các triệu chứng này đều thể hiện qua quan hệ giao tiếp, người thân có thể phát hiện để giúp người bệnh chủ động điều trị theo chuyên khoa. Trong đó, phải chú ý đến yếu tố tiền sử bệnh, tức là trước đó người bệnh đã bị tai nạn chấn thương não, chấn thương cột sống, cuộc sống trải qua những biến cố mất mát, đau buồn quá lớn. 

* Trường hợp bị tâm thần phân liệt có ảnh hưởng đến tuổi thọ, làm thế nào giúp bệnh nhân duy trì cuộc sống?

- Trường hợp người bị tâm thần phân liệt nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì khả năng khỏi bệnh đến 70%. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi, điều trị, đặc biệt là bị người thân bỏ rơi thì sẽ bị suy dinh dưỡng, dễ dẫn đến nhiều bệnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ.

* Trường hợp bệnh nhân  tâm thần phân liệt ở xa BVTT TP Cần Thơ, làm thế nào được hưởng chế độ quản lý, điều trị tại nhà?

- Từ nhiều năm qua, Chính phủ có chương trình y tế quốc gia về quản lý bệnh nhân tâm thần tại gia đình, người bệnh được cấp thuốc miễm phí. Trong chương trình này, qua mạng lưới cộng tác viên y tế ở cơ sở, BVTT TP Cần Thơ đang quản lý cấp thuốc thường xuyên cho trên 1.500 người bị tâm thần phân liệt và gần 1.900 người bị bệnh động kinh. Trường hợp phát hiện bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh phải đưa người bệnh đến y tế địa phương để làm thủ tục khám bệnh, BVTT TP Cần Thơ sẽ cấp sổ quản lý bệnh để người bệnh nhận chế độ điều trị bệnh thường xuyên trong chương trình y tế quốc gia.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

MINH NGUYỆT (thực hiện)

Chia sẻ bài viết